Nhìn từ trường hợp Mỹ Tâm...

Những phát ngôn của Mỹ Tâm quanh việc mình không được giải Mai Vàng 2004 đã khiến đời sống âm nhạc ồn ào lên một chút, ồn hơn chút nữa khi báo Người Lao Động lên tiếng và cho thấy một sự thật phũ phàng với hành vi "phản kháng" của Mỹ Tâm khi công bố số phiếu dành cho "đối thủ" của Mỹ Tâm cao gấp đôi số phiếu cho cô.

Từ đây, những câu hỏi được đặt ra về sự trung thực của các giải thưởng âm nhạc càng nhiều lên...

Khán giả liệu có mâu thuẫn với Hội đồng Nghệ thuật?

Người theo dõi thường xuyên đời sống ca nhạc hẳn còn nhớ những ồn ào, và cả nước mắt, ngay sau đêm chung kết cuộc thi hát đình đám nhất năm 2004 - Sao Mai - Điểm hẹn. Khi ấy, việc Hội đồng Nghệ thuật bất ngờ tuyên bố trao thêm giải Ca sĩ xuất sắc nhất theo đánh giá của Hội đồng, bên cạnh giải Ca sĩ được yêu thích nhất do khán giả bầu chọn, đã khiến nhiều người, nhất là thí sinh đã nắm chắc trong tay giải thưởng bình chọn, bị sốc vì cảm tưởng giải thưởng của mình đã bị hạ thấp giá trị.

Trong sự thay đổi này, Ban tổ chức không sai (vì đã có điều lệ từ trước) nhưng có lẽ cách làm đã không khéo và cho thấy rõ sự bị động. Đã có hẳn một Hội đồng Nghệ thuật ngay từ ngày đầu thì khó gì mà không hình dung ra ngay một giải thưởng "xuất sắc" bên cạnh giải "yêu thích" ngay từ đầu để khỏi gây thắc mắc, oán trách về sau.

Quay trở lại "vụ" Mỹ Tâm và báo Người Lao Động. Điều đáng tiếc cho Mỹ Tâm nhất, khiến cô phải chịu những cái nhìn không thiện cảm sau những phát ngôn của mình, là việc cô tỏ ra khó chịu khi mình không được giải, như thể cô cho rằng chỉ có mình xứng đáng còn người khác thì không thể soán ngôi.

Đã từ mấy năm nay, các giải thưởng âm nhạc dựa trên sự bình chọn của khán giả đã trở thành cuộc chơi, thành cuộc đua của các fanclub, những nhóm người hâm mộ ca sĩ, bởi vậy fanclub nào có tổ chức tốt, có chiến lược bài bản trong việc "tấn công" một giải thưởng nào đó thì ca sĩ của club ấy ắt sẽ giành được thứ hạng cao. Là ca sĩ từng lên đến đỉnh cao và giữ được vị trí nhờ những fanclub như thế lẽ ra Mỹ Tâm phải hiểu được quy luật thịnh suy, khi không phải fans nào cũng trường sức trong cuộc o bế thần tượng của mình.

Trong những trường hợp như thế này sẽ nảy ra câu hỏi về sức nặng giữa những phiếu bầu của khán giả với quyết định của Hội đồng Nghệ thuật, bên nào nặng hơn? Mâu thuẫn này không dễ giải quyết, nhất là không dễ làm cho những người đứng ngoài quan sát giải thưởng thông cảm được. Hẳn như giải Làn Sóng Xanh giao toàn quyền quyết định Top 10 cho khán giả thì mọi chuyện đã dễ hiểu.

Việc Hội đồng Nghệ thuật còn quyết định một lần nữa sau khi đã có kết quả bình chọn từ khán giả (chứ không phải trao giải song song như trong Sao Mai - Điểm hẹn) sẽ còn gây thắc mắc nhiều nhiều bởi rất khó để biết chắc liệu Hội đồng có tuyệt đối vô tư và công bằng hay không, và cuối cùng thì quyết định của khán giả hay của Hội đồng, cái nào có tính quyết định, cái nào chỉ mang tính tham khảo?

Làm gì khi mùa giải thưởng đang ào tới?

... đó là hãy đứng và chứng kiến cuộc đua quyết liệt của các fanclub, cuộc thi tài của những fans cốt cán nhằm ghi điểm trong mắt thần tượng. Giữa lúc mùa mưa vào cao điểm kéo theo dự buồn tẻ của sân khấu biểu diễn thì mấy trò mà các fanclub đem ra phô diễn có thể đem lại chút vui vẻ cho người thích đùa.

Chẳng hạn, bạn sẽ đọc được trên các forum tự do, cả trong website của những ca sĩ nổi tiếng vô số những lời chê bai, thậm chí phỉ báng nhữg giải thưởng có uy tín từ cả chục năm nay chỉ vì giải đã không về tay thần tượng của những fans điên cuồng này. Tất nhiên nếu thần tượng được giải thì luận điệu của họ đã khác. Thái độ kém văn hoá một cách trẻ con này đã phần nào giải thích sự lên xuống thất thường của những ca sĩ chỉ tồn tại dựa vào thói háo thắng của một phần đám trẻ đua đòi hiện tại.

Nhưng mùa giải thưởng đang tới cũng là lúc các nghệ sĩ gia tăng hoạt động của mình, cho dù họ có phát biểu trên báo rằng không quan tâm đến giải thưởng này nọ thì cũng chỉ là sự khiêm tốn bề ngoài có chủ ý và tính toán. Nhưng dù với động cơ nào, vì giải thưởng hay vì sự nghiệp của bản thân, thì sự tăng tốc của các ca sĩ, nhạc sĩ cũng khiến đời sống âm nhạc nóng lên.

Một loạt album đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nay ra đời: Chat với Mozart (Mỹ Linh), Guitar cho ta (Lê Minh Sơn), Tự Tình Ca (5 Dòng Kẻ), Bảy ngày đợi mong (Thanh Thảo) và các album của Lê Hiếu, Lam Trường... đang chờ ngày "xuất xưởng"; nhưng show diễn lớn đã được lên kế hoạch và chỉ còn chờ đúng "giờ G".

Các giải thưởng âm nhạc cũng trở nên "có giá" hơn giữa không khí "sôi sục" như thế, và tất nhiên sẽ còn giá trị hơn nhiều nếu những người tổ chức ra các giải thưởng ấy biết chuẩn bị tốt hơn để không còn xảy ra những chuyện đáng tiếc như "trường hợp Mỹ Tâm" nữa.

Theo Giaidieuxanh