Dư âm ngày hội đọc sách

(Dân trí) - Văn Miếu hai ngày nay đông vui nhộn nhịp hơn nhiều bởi người tới đây không chỉ là khách du lịch mà còn là những người yêu sách và yêu văn hóa đọc

Năm nay là năm thứ hai ngày hội đọc sách được tổ chức tại một nơi rất ý nghĩa đó là trường đại học đầu tiên của Việt Nam - Văn Miếu, Hà Nội. Những ngày đầu hè, Hà Nội thời tiết nắng đẹp nhưng chưa nóng gay gắt, vì thế, ngày hội đọc sách đã diễn ra trong không khí rất thoải mái và dễ chịu.

 

Tới với ngày hội đọc sách năm nay có rất đông đảo người dân, đủ mọi lứa tuổi, từ các cụ hưu trí tới các bậc phụ huynh dẫn con đi xem và mua sách; Nhiều nhất vẫn là các bạn học sinh và sinh viên, trên vai vẫn đeo cặp sách, chăm chú tìm đọc những cuốn sách mà họ yêu thích.

Dư âm ngày hội đọc sách
Nhiều quầy sách bày xếp bắt mắt

Dư âm ngày hội đọc sách
Người dân hào hứng tìm và đọc sách

Dư âm ngày hội đọc sách


Dư âm ngày hội đọc sách

Nhiều người say sưa ngồi đọc sách ngay trong sân của Văn Miếu

 

Bác Nguyễn Văn Vạn (phố Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) vừa cầm trên tay cuốn “Lê Đức Thọ, Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng” vừa vui vẻ chia sẻ với phóng viên Dân trí: “Tôi thích đọc sách nên năm nào cũng tới Văn Miếu trong ngày này. Sách bây giờ trình bày ngày càng đẹp hơn, đa dạng về mẫu mã nhưng giá cũng cao hơn nên tới đây, tôi chủ yếu tranh thủ thời gian đọc chứ không có nhiều tiền để mua tất cả những cuốn sách ưng ý. Như cuốn về Lê Đức Thọ này, rất hay và ý nghĩa. Tôi nghĩ không chỉ những người lớn tuổi như chúng tôi mà các bạn trẻ cũng nên dành thời gian đọc để hiểu thêm về các nhân vật đã đi vào lịch sử Việt Nam.”
 
Dư âm ngày hội đọc sách
Bác Nguyễn Văn Vạn (phố Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) tới với ngày hội đọc sách

 

Các quầy sách treo biển giảm giá là những quầy sách thu hút lượng lớn người xem và mua sắm. Có thể thấy, các quầy sách Văn học được đông đảo các bạn trẻ quan tâm còn các quầy sách, truyện thiếu nhi thì thu hút các em nhỏ, các vị phụ huynh bởi màu sắc bắt mắt, cách trưng bày ấn tượng, đẹp mắt.
 
Dư âm ngày hội đọc sách
Nhiều NXB đã có cách xếp sách rất đẹp và ấn tượng

 

Anh Nguyễn Đình Thắng, sinh viên trường đại học Xây Dựng đưa em gái tới ngày hội sách năm nay để tìm mua truyện tranh cho em và một vài tác phẩm văn học kinh điển mà anh yêu thích đã lâu. “Tôi muốn tìm cuốn Bông hồng vàng và bình minh mưa của Pauxtopxki để tặng bạn gái. Ở đây có nhiều quầy sách khuyến mại nên người mua cũng cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn khi chọn lựa sách.”

 

Bên cạnh các quầy sách của các công ty phát hành sách và nhà xuất bản thì trong ngày 22/4, có hai hoạt động thu hút sự chú ý của ngày hội đọc sách đó là các em thiếu nhi tới từ các trường THCS trên địa bàn Hà Nội tham gia giới thiệu, thuyết trình sách và kể chuyện và cuộc tọa đàm giữa công chúng với các nhà quản lý, nghiên cứu, nhà văn hóa xung quanh chủ đề sách.
 
Dư âm ngày hội đọc sách
Em Thu Hiền - học sinh trường THCS Đống Đa say sưa thuyết trình về cuốn Những tấm lòng cao cả của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis

 

Buổi tọa đàm giữa công chúng với các nhà quản lý, nghiên cứu, nhà văn hóa xung quanh chủ đề sách và văn hóa đọc - ban đầu bị cho là khô khan và khó thu hút người quan tâm nhưng sự thực tại sân khấu chính của Văn Miếu, mọi chuyện diễn ra khác hẳn. Trong không khí cởi mở, các nhân vật được mời tham gia tọa đàm đã bày tỏ quan điểm, chia sẻ ý kiến của mình một cách thẳn thắn, chân tình và tâm huyết, vì thế không khí sôi nổi của buổi tọa đàm đã níu chân được nhiều người ngồi theo dõi tới cuối giờ trưa.
 
Dư âm ngày hội đọc sách
Buổi tọa đàm giữa công chúng với các nhà quản lý, nghiên cứu, nhà văn hóa xung quanh chủ đề sách và văn hóa đọc diễn ra ngày 22/4

 

Chia sẻ rất thẳng thắn và chân tình, TS Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ Ban tuyên giáo Trung Ương cho biết: “Tôi đã có điều kiện đi thăm quan một số quốc gia và điều dễ dàng nhận thấy là ở nhiều nước phát triển, bạn có thể thấy rất nhiều người đọc sách ở  nơi công cộng. Sự thực thì nếu người ta dành nhiều thời gian cho việc đọc thì chắc chắn nhờ đó, tri thức, vốn hiểu biết sẽ tăng lên và người ta sẽ cư xử có văn hóa hơn - đó là tôi nói tới những sản phẩm sách tốt.”
 
Dư âm ngày hội đọc sách
TS Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ Ban tuyên giáo Trung Ương

 

“Hiện nay ở nước ta, điều kiện sống giữa thành thị và nông thôn còn nhiều chênh lệch. Ở thành thị, người dân có điều kiện tìm mua và đọc sách dễ hơn còn ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhiều nơi cái ăn còn chưa có chứ nói gì tới việc đọc sách. Vì thế tôi cho rằng, việc đưa sách báo về những nơi như thế là rất quan trọng.”

 

“Tuy nhiên đưa sách tới các vùng là một chuyện còn làm sao để cuốn sách đó tới được với mọi người lại là vấn đề khác. Tôi cho rằng, khâu quảng bá, tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng ở đây bởi nếu sách được quảng cáo rộng rãi thì người ta mới biết tới mà tìm đọc còn nó nằm “im ỉm” thì chẳng ai biết mà đọc. Có thể thấy rõ điều này từ những cuốn sách như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi 20… Sở dĩ dư luận, công chúng quan tâm và tìm đọc những tác phẩm đó một phần vì báo chí, truyền hình nhắc tới nhiều. Tóm lại là sách đưa tới bất cứ đâu cũng cần phải có khâu quảng bá, giới thiệu chứ nếu chỉ đơn thuần nằm im trong thư viện thì rất khó để người đọc biết và quan tâm tới.”

 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - Quốc hội khóa XII tỏ ra hào hứng khi nói về luật thư viện. Theo GS thì: “Luật Thư viện sẽ phần nào đảm bảo được quyền tiếp cận với sách, với văn hóa của người dân và nhờ có luật này mới có thể yêu cầu các địa phương cấp phát sách cho thư viện để tới với người đọc. Rõ ràng nhờ có luật thư viện mà văn hóa đọc qua đó cũng được nâng lên. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng một thế hệ đọc và phát triển văn hóa đọc thì điều này lại càng cần thiết.”
 
Dư âm ngày hội đọc sách
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (bên phải) nguyên phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

 

Chia sẻ với các nhà quản lý, nghiên cứu, nhà văn hóa xung quanh chủ đề sách, một bạn sinh viên tới từ Quảng Nam đã đặt câu hỏi: “Liệu trong tương lai gần, chúng em có thể chờ đợi sẽ có một ngày hội đọc sách được tổ chức với quy mô hoành tráng hơn, tại những địa điểm rộng lớn hơn - ví như Sân vận động Mỹ Đình?”
 
Dư âm ngày hội đọc sách
Giới trẻ bày tỏ sự quan tâm tới sách và văn hóa đọc

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Các bạn sẽ không phải chờ quá lâu bởi từ ngày 17-21/9 tới, tại Triển lãm Giảng Võ sẽ diễn ra Hội chợ sách quốc tế lần thứ 4. Hội chợ này sẽ có sự tham gia của toàn bộ các NXB trong nước và nhiều NXB nước ngoài. Chúng tôi hi vọng hội chợ này sẽ có hiệu ứng xã hội rộng hơn.”

 

Ngày hội đọc sách năm nay rất đông vui với nhiều hoạt động ý nghĩa. Nhiều ý kiến chia sẻ - trao đổi từ các nhà quản lý, từ người dân đã cho thấy - văn hóa đọc ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, số lượng người tham gia ngày hội này vẫn chưa thực sự đông như BTC kỳ vọng và vì thế, vấn đề làm sao để thêm nhiều người yêu sách, làm sao để nâng cao văn hóa đọc vẫn là những vấn đề khiến nhiều người suy nghĩ, trăn trở.
 
Dư âm ngày hội đọc sách


 

Bài và ảnh: Vĩnh Ngọc