Cánh đồng dài 430km chứa đầy mảnh vỡ thiên thạch nặng hàng chục tấn

Huy Hoàng

(Dân trí) - Nằm rải rác trên một cánh đồng rộng lớn dài khoảng 430km là các mảnh vỡ thiên thạch. Trong đó, một số mảnh nặng tới hàng chục tấn, số khác nặng vài chục kg.

Các chuyên gia cho biết, có lẽ từ rất lâu, tiểu hành tinh Aletai đã lao xuống khí quyển ở khu vực Altay ở Tân Cương, phía tây Trung Quốc, xảy ra cú sốc nhiệt, tạo ra một trong những trận mưa sao băng sắt lớn nhất thế giới.

Tiểu hành tinh hơn 200 tấn lao xuống trái đất với đường bay đặc biệt, tạo ra hàng loạt mảnh thiên thạch rải rác khắp vùng rộng lớn trải dài khoảng 430km. Có mảnh vỡ nặng tới 20 tấn, số khác nặng vài chục kg. Qua đó, biến nơi này thành cánh đồng thiên thạch dài nhất thế giới từng ghi nhận.

Cánh đồng dài 430km chứa đầy mảnh vỡ thiên thạch nặng hàng chục tấn - 1

Khối thiên thạch khổng lồ ở Altay (Ảnh: China Daily).

Nơi đây cũng không giống với bất cứ cánh đồng thiên thạch nào mà giới chuyên gia từng phát hiện. Được biết, những mảnh "thiên thạch con" vỡ ra từ "thiên thạch mẹ" thường nằm rải rác cách nhau không quá 30km đến 40km.

Đến nay, hơn 74 tấn thiên thạch Aletai được tìm thấy. Mảnh lớn nhất được một nông dân Trung Quốc phát hiện ra vào năm 1898, nặng khoảng 28 tấn.

Cánh đồng dài 430km chứa đầy mảnh vỡ thiên thạch nặng hàng chục tấn - 2
Mảnh thiên thạch Aletai lớn nhất nặng 28 tấn do một nông dân tìm thấy vào năm 1898 (Ảnh: SCMP).

Theo chuyên gia Smith, người nghiên cứu các thiên thạch ở châu Âu và Trung Quốc, thiên thạch Aletai rất quan trọng vì nó đại diện cho một nhóm nhỏ các thiên thạch sắt. Hiện nay, nghiên cứu về nó chưa hoàn tất vì còn nhiều điều chưa biết, như thời điểm nó rơi xuống trái đất khi nào.

Từ nhiều năm nay, ở những nơi hẻo lánh tại khu tự trị Tân Cương cũng như khu vực tiếp giáp Trung Quốc với Myanmar và Lào thường xuất hiện nhiều thợ săn thiên thạch. Họ mang theo máy dò kim loại đi tìm kiếm kho báu với hi vọng đổi đời.

Với du khách mê mạo hiểm, hành trình kiếm thiên thạch giúp họ có cảm giác hồi hộp. Nhưng với thợ săn thiên thạch, động lực duy nhất chính là kiếm tiền. Zhang Bo là một trong số đó. Đồ nghề của anh đơn giản gồm bản đồ, xe địa hình, máy dò kim loại. Người đàn ông đến từ Thượng Hải đi khắp nơi để kiếm kho báu. Anh cho biết, kể từ khi chứng kiến quả cầu lửa thắp sáng bầu trời ở phía nam Trung Quốc từ năm 2009, người đàn ông này bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về thiên thạch.

Anh đã nhiều lần lang thang khắp vùng Altay để kiếm tìm thứ gì đó có giá trị. Đây là nơi anh phải cạnh tranh với nhiều thợ săn khác. Ước tính, mỗi gram đá thiên thạch giá tới 7.800 USD, có thể khiến thợ săn đổi vận.

Cánh đồng dài 430km chứa đầy mảnh vỡ thiên thạch nặng hàng chục tấn - 3
Thợ săn cầm máy dò kim loại tìm kiếm thiên thạch (Ảnh cắt từ clip).

"Độ hiếm của đá thiên thạch quyết định mức giá trên thị trường của nó", ông Xu Weibiao, một chuyên gia thiên thạch tại Nam Kinh, cho biết.

Theo NASA, khoảng 44 tấn thiên thạch rơi xuống trái đất mỗi ngày nhưng hầu hết đều bị đốt cháy trong bầu khí quyển. Chỉ số ít còn sót lại và rơi xuống bề mặt trái đất. Đá thiên thạch vốn có giá trị lớn, không chỉ phục vụ nghiên cứu vì chứa các nguyên tố hiếm, nhiều người sẵn lòng bỏ số tiền không nhỏ để mua vì yếu tố tâm linh.

Zhang Bo cho biết, phát hiện lớn nhất của anh vào năm 2016. Khi ấy, vừa nghe tin có mỏ thiên thạch mới tại Altay, anh đã sắp xếp đủ đồ dùng trong 2 tuần và vội vã lái xe tới đây kiếm kho báu. Khu vực này nằm giáp biên giới Mông Cổ và Kazakhstan.  

Tuy không tiết lộ mình kiếm được bao nhiêu từ những khối đá thiên thạch, nhưng Zhang tự hào tiết lộ có trong tay danh sách nhiều khách hàng giàu có. Họ sẵn lòng trả từ 100.000 USD tới cả triệu USD cho những viên đá quý hiếm. Cũng vì tham vọng này, anh nói mình sẵn lòng đi bất cứ đâu để kiếm đá thiên thạch.

Khối đá thiên thạch quý hiếm từng xuất hiện trong các phiên đấu giá uy tín. Vào tháng 2/2019, nhà đấu giá Christie ở Anh đã bán được phiến đá thiên thạch cho người mua với giá 800.000 USD.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm