Thành công, nhân cách phần nhiều đến từ trải nghiệm thực tế lúc nhỏ và tương tác cùng cha mẹ
(Dân trí) - Sự trải nghiệm, vui chơi thực tế cùng những khoảnh khắc gắn kết trong gia đình là chìa khóa thúc đẩy quá trình phát triển tối ưu của trẻ.
Sở hữu 2 tấm bằng đại học Chính trị học và Quản trị học, thêm bằng thạc sĩ Chính sách công, Thạc sỹ Trần Thị Ái Liên từ nước Mỹ quay về Việt Nam theo đuổi con đường hỗ trợ phụ huynh trong cách nuôi dạy con mà bắt đầu từ việc chơi cùng con. Thông qua đó, những người lớn sẽ hướng dẫn những đứa trẻ trở thành người tự tin, mạnh mẽ trên nền tảng là đạo đức và sự ôn hòa. Chúng tôi đã may mắn có buổi trò chuyện cùng với chị về vấn đề này.
Mới đây, chị chia sẻ, việc chơi với con cũng giúp con phát triển. Chị đã đưa ra 1 số ví dụ về phát triển thể chất. Vậy còn tâm lý, tình cảm, kỹ năng thì sao? Theo chị, trẻ em học được gì từ những trò chơi?
Nhiều cuộc nghiên cứu thời hiện đại đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất, chơi đùa ngoài trời không những làm cho cơ bắp săn chắc, hệ tim mạch khỏe mạnh, xương cốt phát triển… mà còn giúp tinh thần phấn chấn, tăng cường khả năng tập trung, học hành. Chẳng hạn cuộc nghiên cứu do tiến sĩ Judith K. Bass và các cộng sự tại Trường y tế cộng đồng Bloomberg (thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ) tiến hành cho thấy vận động giúp nam sinh tăng tỉ lệ thi đậu môn toán và đọc hiểu cao gấp từ 2,5 đến 3 lần. Con số này ở nữ sinh là từ 2 đến 4 lần.
Ủng hộ giáo dục sớm, vậy chị nghĩ sao về việc ngay cả trong mùa hè, một số phụ huynh vẫn đặt nặng áp lực bài vở, học hành lên con cái?
Nhiều phụ huynh quá chú trọng việc học hàn lâm mà quên mất rằng còn có rất nhiều điều quan trọng đứa trẻ cần học cho cả cuộc đời các em: học cách làm việc đội nhóm, cách chấp nhận thất bại, cách giúp đỡ người khác… Chơi là người thầy tuyệt vời dạy các em những điều đó. Thông qua chơi, qua trải nghiệm thực tế, các em học trong tự nguyện, học giữa những tiếng cười giòn tan.
Dạy dỗ đâu phải là mục tiêu, học hành mới là cùng đích. Chỉ khi các em tự thấy thích thú học, được học theo cách của riêng mình, khi các em đóng vai trò chủ động, các em mới "thấm" được kiến thức. Còn nếu phụ huynh, thầy cô cứ ráng dạy dỗ áp đặt theo kiểu cạy miệng đổ cơm mà "nạn nhân" không nhai, không nuốt thì cũng chẳng thể thành công được.
"95% thành công đến từ trải nghiệm thực tế lúc nhỏ". Theo chị, nhận định này có đúng không? Vì sao?
Con số này tôi không dám chắc nhưng tôi khẳng định trải nghiệm lúc nhỏ tác động rất lớn đến khả năng ứng xử cũng sự phát triển về thể chất và trí thông minh của trẻ.
Chúng ta đều biết cuộc sống được tạo nên bởi vô vàn những trải nghiệm và những trải nghiệm đầu đời của trẻ đều sẽ học từ những người xung quanh, trước hết là bố mẹ. Vì thế nếu bố mẹ không tương tác, trò chuyện, chơi đùa với trẻ thì đầu tiên sẽ làm giảm cơ hội học tập về cuộc sống của con.
Bố mẹ chủ động tương tác không chỉ mang đến những trải nghiệm tốt cho trẻ, giúp trẻ phát triển thể chất lẫn tinh thần, khả năng hiểu biết và trí thông minh mà còn giúp bố mẹ thư giãn, giảm stress. Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Những điều này đã được khoa học chứng minh.
Mạng thông tin phát triển, nhiều bậc phụ huynh rất chủ động trong việc tìm hiểu thông tin nuôi – dạy con theo đủ các phương pháp, trào lưu? Chị nghĩ sao về điều này?
Điều này hoàn toàn không sai. Nhưng đa số mình thấy phụ huynh vẫn đang quan tâm làm sao cho trẻ hết biếng ăn, làm sao cho con học giỏi hơn, phát triển não bộ và thể chất nhưng ít ai nói tới chuyện làm sao cho con có nhân cách tốt hơn.
Cách duy nhất để trẻ học được là tương tác và học hỏi từ những người xung quanh. Đó cũng là thang đo để trẻ hình thành nhận thức thế nào là tốt - xấu, lương thiện - không lương thiện. Trẻ sẽ nhìn bố mẹ đối xử với những người xung quanh mà hình thành cách đối nhân xử thế. Và chơi đùa với con là cơ hội để bố mẹ lồng ghép những bài học cuộc sống một cách êm ái, dịu dàng.
Cuộc sống thành phố bận rộn, nhiều bố mẹ bị cuốn vào guồng quay công việc, thời gian nghỉ ngơi không có, nên việc chơi với trẻ cũng bị hạn chế rất nhiều…
Theo như quan sát của tôi, tuy bận rộn nhưng nhiều bậc phụ huynh cũng đã ý thức và chủ động cho con mình tham gia nhiều trải nghiệm nhưng đa số lại để mặc con muốn làm gì thì làm. Ở thành phố có những hoạt động như là tô tượng, vẽ tranh, xếp hình, rất nhiều phụ huynh chở con đến rồi chờ con làm và chở con về. Nên chăng, chúng ta cùng con tô tượng, vẽ tranh. Buồn cười hơn là nhiều phụ huynh can thiệp cả vào chuyện chơi của con, bắt con phải vẽ, phải tô theo ý mình mà quên đi điều quan trọng nhất: Chơi là để cùng vui, cùng hạnh phúc trải nghiệm bên nhau chứ không phải để có một bức tượng đẹp.
Nhiều cha mẹ than phiền trẻ con thời nay mê thế giới ảo hơn đời thật. Chị thấy sao?
Sự thật là không có máy nào hấp dẫn hơn con người. Hãy nghĩ xem, cha mẹ ở bên con nhưng không tương tác với con, còn cái điện thoại thì “chơi” game với con. Cha mẹ nói chuyện với con nhưng chỉ bận rộn dạy dỗ và khuyên răn (một chiều) chứ không lắng nghe và trao đổi (2 chiều). Còn trên Facebook, mỗi lần comment thì có ngay người khác đáp lại. Cha mẹ luôn chỉnh sửa chê bai, nhưng game thì mỗi lần mình thua là sẽ hiện lên câu khích lệ “đừng bỏ cuộc, cố gắng lên, hãy thử lại nhé”, còn nếu thắng thì “giỏi quá, chúc mừng, bạn thật tuyệt vời…”. Nếu cha mẹ trải nghiệm những điều thú vị của cuộc sống cùng với con, khuyến khích và ca ngợi con như game thì con sẽ thấy cha mẹ hấp dẫn.
Hè đến rồi, theo chị những trải nghiệm thu về sau những chuyến dã ngoại hè như leo núi, tắm biển, cắm trại trong rừng, … có tác động thế nào đến sự phát triển của trẻ?
Những chuyến đi xa có giá trị rất riêng của nó, khi cả nhà cùng tung tăng trên bãi cỏ xanh rì, cùng lắng nghe tiếng sóng biển rì rào, cùng chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ… Nếu có điều kiện thì những chuyến đi xa có giá trị rất riêng của nó, khi cả nhà cùng tung tăng trên bãi cỏ xanh rì, cùng lắng nghe tiếng sóng biển rì rào, cùng chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ… Nếu không đủ thời gian, hãy thử bắt đầu bằng những ngày chủ nhật tạm rời màn hình công nghệ để cùng nhau trải nghiệm ngày hè thật, trọn vẹn bên nhau. Tạm rời màn hình, trải nghiệm cuộc sống đi, bạn sẽ thấy sự phát triển thần kì của trẻ.