Người phụ nữ bán nước 10 năm "cầm gậy" điều khiển giao thông Thủ đô

(Dân trí) - Đã 10 năm nay, người dân ở khu phố Cống Mọc, Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã vô cùng quen thuộc hình ảnh một người phụ nữ bán nước điều khiển giao thông giữa dòng người tấp nập.

Bà là Nguyễn Thị Tiến, năm nay đã 62 tuổi, bà mở quán bán nước từ năm 26 tuổi, tính đến nay đã được 36 năm. Chúng tôi tìm gặp bà đúng lúc quán nước nhỏ đang đông khách. Trò chuyện với chúng tôi, bà Tiến hào hứng chia sẻ về “công việc” phân luồng giao thông đặc biệt của mình.

“Bán nước ở đây, lúc nào thấy ách tắc quá mà không có cảnh sát giao thông hoặc dân phòng thì tôi ra phân luồng. Nhiều lúc vào giờ cao điểm, mọi người chen lấn, giao thông hỗn độn gây ùn tắc cả một đoạn được dài. Mình ngồi đây, thấy cảnh tượng đó thì cầm gây ra điều tiết để mọi người dễ lưu thông hơn”, bà Tiến trải lòng.

Bà Nguyễn Thị Tiến, người phụ nữ 10 năm điều tiết giao thông ở ngã tư Cống Mọc
Bà Nguyễn Thị Tiến, người phụ nữ 10 năm điều tiết giao thông ở ngã tư Cống Mọc

10 năm nay, bà cùng với chiếc gậy gỗ tự chế đứng ra chỉ huy phân luồng người tham gia giao thông ở ngã tư Cống Mọc, đường Quan Nhân. Người bạn đồng hành cùng bà chỉ có chiếc gậy đơn sơ và chiếc còi nhỏ. Giữa dòng xe cộ tấp nập, tiếng hô “Đi nhanh lên, rẽ đi!”của bà rất to và rõ ràng.

Điều lạ là dù không qua một trường lớp đào tạo nào nhưng bà Tiến chỉ huy, phân luồng giao thông rất khoa học và chuyên nghiệp. Đặc biệt, mọi người ai cũng vui vẻ làm theo sự chỉ huy của bà.

Theo lời bà Tiến, ngã tư Cống Mọc này rất hay ùn tắc giao thông, nhất là thời điểm 8h30 sáng và 6h30 chiều.
Theo lời bà Tiến, ngã tư Cống Mọc này rất hay ùn tắc giao thông, nhất là thời điểm 8h30 sáng và 6h30 chiều.

Nhiều người bảo bà là “vác tù và hàng tổng” nhưng bà vẫn bỏ ngoài tai, gắn bó với công việc này suốt nhiều năm. Bà Tiến kể:

“Tự mình giúp đỡ mọi người là tích đức cho con cháu sau này, ai nói gì kệ họ, tôi cứ làm thôi. Nhiều người lúc đầu không biết họ nói tôi chẳng ra sao, nhưng sau đó họ hiểu thì lại quay ra cảm ơn mình”.

Ngày nào cũng vậy, bà Tiến tham gia chỉ huy giao thông rất chuyên nghiệp.
Ngày nào cũng vậy, bà Tiến tham gia chỉ huy giao thông rất chuyên nghiệp.
Khi lực lượng dân phòng về nghỉ, đường tắc thì bà lại chạy ra “chỉ huy”
Khi lực lượng dân phòng về nghỉ, đường tắc thì bà lại chạy ra “chỉ huy”

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong công việc,bà Tiến tươi cười cho biết, trông thì đơn giản nhưng rất nhiều lần bà bị thương khi đứng điều tiết giao thông: “Khi thì tôi không may bị bánh xe nén vào chân, lúc thì bị bỏng bô bởi ống xả xe máy. Thế nhưng, vết thương cũng không nặng lắm nên chỉ vài hôm là đỡ liền”.

Như để minh chứng cho lời mình nói, bà Tiến đưa tay chỉ vào vết rách ở chân và bảo sáng nay khi điều tiết giao thông, bà vô tình bị một xe máy chèn qua đến bật máu.

Những vết thương như cơm bữa với bà khi làm “công việc” này
Những vết thương như cơm bữa với bà khi làm “công việc” này

Tuy vậy, bà Tiến cho hay, nhờ công việc này bà nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người. Nhiều người đi đường, dù không quen biết nhưng cũng dành cho bà những lời động viên, khích lệ. Thậm chí, những hôm trời nắng, thấy bà điều tiết giao thông vất vả nhiều người còn ngỏ ý cho tiền để bà uống nước, hay mua tặng bà chiếc còi nhưng bà đều không nhận. Bà bảo, bà làm công việc này vì cái tâm và hoàn toàn tự nguyện nên chẳng bao giờ đòi hỏi.

“Bà ấy ngày nào cũng làm, tôi thì tất nhiên là ủng hộ bà ấy rồi. Giúp đỡ mọi người thôi. Bà ấy làm công việc này có hôm có ai chống đối thì tôi chạy ra giúp bà ấy, còn nếu tôi không phân xử được thì tìm biện pháp khác. Mình làm việc, dù là việc gì cũng phải có trách nhiệm, cũng như bà ấy thôi. Tôi bệnh tật thế này cũng chẳng giúp được gì chỉ biết ủng hộ bà ấy”, ông Quảng, chồng bà Tiến chia sẻ.

Bóng dáng nhỏ bé của bà Tiến giữa dòng xe cộ tấp nập.
Bóng dáng nhỏ bé của bà Tiến giữa dòng xe cộ tấp nập.

Người dân sống ở khu phố Quan Nhân, không ai là không biết đến bà. Họ gọi bà là “nữ hiệp sỹ giao thông” hay “Bà Tiến phân luồng”. Nhờ có hành động của bà mà con đường này bớt được ùn tắc, các phương tiện di chuyển cũng có phần dễ dàng hơn. Ông Chiến, một người dân sống ở phố Quan Nhân cho biết:

“Bà ấy làm như vậy là quá tốt rồi, chứ đoạn đường này ùn tắc lắm. Cứ thấy tắc lúc nào là bà ấy lại lật đật cầm gậy với còi chạy ra, một ngày bà ấy làm 3,4 lần, mỗi lần đứng cả tiếng ấy. Đầu ngã tư này nếu không có bà ấy thì vất vả đấy”.

Tắc đường vốn đã trở thành thương hiệu của Thủ đô Hà Nội mỗi giờ tan tầm, nhưng câu chuyện của bà Tiến 10 năm tình nguyện tham gia công tác phân luồng giao thông ở ngã tư Cống Mọc, Quan Nhân thực sự khiến nhiều người phải nể phục.

Thu Trang – Thương Lê