Quảng Nam:

Làng bánh truyền thống An Lạc tất bật vào mùa Tết

(Dân trí) - Làng nghề bánh truyền thống An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đang tất bật “chạy đua” cùng thời gian, để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đang đến rất gần.

Những chiếc bánh in, bánh da dẻo… là phẩm vật không thể thiếu của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng mỗi dịp tết đến, xuân về. Bánh dùng để thờ cúng tổ tiên, tiếp đãi khách quý hay đàm đạo với bạn bè bên ấm trà nóng.

Cán mỏng bột làm bánh đậu xanh màu trắng
Cán mỏng bột làm bánh đậu xanh màu trắng

Làng bánh truyền thống thôn An Lạc có hơn 20 hộ sản xuất, duy trì làng nghề. Mỗi mùa tết, các cơ sở sản xuất từ 10-30 tấn bánh phục vụ thị trường. Tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến thất thường khiến nhiều cơ sở rơi vào cảnh sản xuất cầm chừng, chờ sức mua tăng vào những ngày cuối năm.

Bánh da dẻo và bánh in đậu xanh là một trong những loại bánh chủ lực của làng nghề truyền thống An Lạc
Bánh da dẻo và bánh in đậu xanh là một trong những loại bánh chủ lực của làng nghề truyền thống An Lạc

Đến với thôn An Lạc những ngày này, ta sẽ nghe được tiếng gõ lốc cốc của người thợ luôn tay đổ bánh ra khỏi khuôn, tiếng máy xay bột chạy ầm ầm, và đặc biệt là mùi thơm quyến rũ, hấp dẫn của nếp mới, đậu xanh…

Mỗi một chiếc bánh ra đời là sự công phu tỉ mỉ của người thợ
Mỗi một chiếc bánh ra đời là sự công phu tỉ mỉ của người thợ

Tại cơ sở bánh in Tường Vi (thôn An Lạc), công nhân đang tất bật chuẩn bị các công đoạn làm bánh, nướng và gói bánh. Theo ông Huỳnh Quang Trung - chủ cơ sở ở đây - cho biết: “Dịp tết này chúng tôi dự định sản xuất hơn 4 tấn bánh các loại. Bánh in, bánh da dẻo và bánh nếp. Đây là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, nguyên liệu hoàn toàn làm bằng tự nhiên, đảm bảo thơm ngon chất lượng tuyệt hảo. Dù hiện nay nhiều loại bánh xuất hiện trên thị trường, nhưng bánh in An Lạc vẫn được nhiều người ưa chuộng, mua biếu người thân tận Sài Gòn, Huế…”.

Đến với thôn An Lạc những ngày này, ta sẽ nghe được tiếng gõ lốc cốc của người thợ luôn tay đổ bánh ra khỏi khuôn, tiếng máy xay bột chạy ầm ầm
Đến với thôn An Lạc những ngày này, ta sẽ nghe được tiếng gõ lốc cốc của người thợ luôn tay đổ bánh ra khỏi khuôn, tiếng máy xay bột chạy ầm ầm

Cũng theo ông Trung, do ảnh hưởng của thời tiết, năm nay mưa kéo dài nên sản lượng bánh cũng giảm hơn. Năm ngoái gia đình sản xuất hơn 6 tấn bánh, nhưng năm nay chỉ làm hơn 4 tấn.

Mùi thơm của bánh quyến rũ, hấp dẫn của nếp mới, đậu xanh…
Mùi thơm của bánh quyến rũ, hấp dẫn của nếp mới, đậu xanh…

Vào giữa trưa, cơ sở bánh Hạnh Nguyên của gia đình ông Đinh Xuân Cầm vẫn đang bận rộn làm bánh. Mỗi người một công đoạn khác nhau để hoàn thành số lượng lớn cung ứng cho thị trường Tết. Ông Cầm cho biết, cơ sở bánh của ông sản xuất quanh năm để cung ứng cho thị trường. Đầu tháng 11 âm lịch là cao điểm sản xuất bởi nhu cầu tăng khá cao, phải huy động khá đông người cùng làm.

Người thợ nhanh tay xếp bánh vào khay đi nướng
Người thợ nhanh tay xếp bánh vào khay đi nướng

Mỗi chiếc bánh làm ra là cả một quy trình chế biến hết sức công phu, tỉ mỉ từ khâu chế biến đến khi thành phẩm để cho ra chiếc bánh thơm ngon, dẻo dai.

Ngoài bánh in đậu xanh, làng bánh An Lạc còn cung ứng các loại như bánh da dẻo, bánh nếp, bánh da heo… Bánh in đậu xanh có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là bánh màu trắng và vàng. Bánh ở đây có vị ngọt thanh của đường, thơm dẻo của nếp và bùi bùi của đậu xanh…

Dù hiện nay nhiều loại bánh xuất hiện trên thị trường, nhưng bánh in An Lạc vẫn được nhiều người ưa chuộng, mua biếu người thân tận Sài Gòn, Huế…
Dù hiện nay nhiều loại bánh xuất hiện trên thị trường, nhưng bánh in An Lạc vẫn được nhiều người ưa chuộng, mua biếu người thân tận Sài Gòn, Huế…

Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường người làng bánh An Lạc đã mạnh dạn vay vốn mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng quy mô và sản xuất ra nhiều loại bánh phù hợp thị hiếu người mua.

N.Linh-C.Bính