Rà soát an toàn điện sau vụ cháy chung cư Carina

Ngay sau khi xảy ra sự cố cháy chung cư Carina khiến 13 người thiệt mạng, điện lực TPHCM đã phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy rát soát hàng loạt chung cư tại TPHCM và phát hiện hơn 700 lỗi vi phạm an toàn cháy nổ.

Hàng loạt lỗi vi phạm cháy nổ

Để phòng chống những sự cố đáng tiếc như trên, thời gian qua, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã phối hợp cùng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy TPHCM và các Sở, Ngành liên quan kiểm tra an toàn điện gần 42.000 cơ sở là chung cư, quán bar, vũ trường, khách sạn, khu dân cư, chợ trên địa bàn.

Trong đó có 2.288 khu dân cư và 1.349 chung cư. Qua kiểm tra đã phát hiện có 709 lỗi trên tổng số hơn 10.000 lỗi vi phạm về PCCC. Trong đó, các lỗi chủ yếu là: hệ thống điện câu mắc không đảm bảo an toàn PCCC; dây dẫn điện không có ống nhựa bảo vệ; các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn sử dụng chung 01 ổ cắm điện; các khu vực dưới sàn nâng kỹ thuật, các phòng kỹ thuật điện bố trí nhiều hàng hóa vật dụng, dây dẫn không luồn trong ống bảo vệ, xuống cấp.


Hơn 700 lỗi vi phạm an toàn cháy nổ bị phát hiện sau vụ cháy chung cư Carina

Hơn 700 lỗi vi phạm an toàn cháy nổ bị phát hiện sau vụ cháy chung cư Carina

Song song đó, EVNHCMC cũng tích cực thực hiện tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, huấn luyện để nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn điện, phòng chống cháy nổ do sử dụng điện trong hộ gia đình.

Đồng thời, EVNHCMC đã cùng với chính quyền địa phương, Cảnh sát PCCC các quận huyện thực hiện khảo sát, tư vấn sử dụng điện cho hơn 15.500 hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã xử lý ngay 508 trường hợp hệ thống điện gia đình mất an toàn và sửa chữa hệ thống điện cho 593 hộ gia đình theo diện hộ nghèo, hộ chính sách.

Ngoài ra, Đoàn Thanh niên EVNHCMC phối hợp với Đoàn Thanh niên các Quận, Huyện thường xuyên thực hiện các công trình thanh niên như: “Chung cư văn minh, sạch đẹp, an toàn”, “Tuyến hẻm có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm”,

“Nguồn sáng an toàn văn minh tiết kiệm vì an sinh xã hội” nhằm cải tạo lại hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng tại các chung cư có nguy cơ cháy nổ cáo, các tuyến hẻm, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Tổng công ty đã thực hiện sửa chữa, cải tạo và thay mới hệ thống điện cho 8.822 hộ gia đình và 22 chung cư trên địa bàn Thành phố.

Để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người hãy thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong nhà, lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện đảm bảo an toàn, không nên coi thường tính chất nguy hiểm của nguồn điện và báo ngay cho Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh qua số 1900545454 khi có sự cố về điện và Cảnh sát PCCC qua số 114 khi có hỏa hoạn xảy ra.

Phát triển điện năng lượng mặt trời

TP.HCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3 kWh/m2/ngày đến 6,6 kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày, thấp nhất là 5,4 giờ/ngày vào tháng 4, cao nhất đạt 8,8 giờ/ngày vào tháng 3 và liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở Bắc bộ. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TP.HCM khá cao là 1.581 kWh/m2/năm, tương ứng 4,3kWh/m2/ngày nên tiềm năng phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn và khả thi.


Giải pháp an toàn điện năng lượng mặt trời được áp dụng tại TPHCM dù chi phí khá cao.

Giải pháp an toàn điện năng lượng mặt trời được áp dụng tại TPHCM dù chi phí khá cao.

So với việc sử dụng nguồn điện thông thường, điện mặt trời được coi là nguồn năng lượng tái tạo lâu dài, không bị nhanh chóng cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch: than đá, dầu mỏ. Mặt khác, điện mặt trời giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do khách hàng không phải sử dụng nguồn điện lưới. Ngoài ra còn có thể bán phần điện dư không sử dụng hết lại cho ngành điện. Điểm đặc biệt là điện mặt trời không tốn chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp, thân thiện với môi trường, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi.

Cùng với những ưu điểm trên, điện mặt trời cũng có nhiều yếu điểm như chi phí khá cao, trung bình khoảng từ 22-30 triệu đồng/kWp. Đây được xem là chi phí khá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân TPHCM. Cùng với đó, để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cần có không gian mái nhà đủ lớn để lắp đặt hệ thống pin mặt trời mới có thể thu được năng lượng hiệu quả như mong muốn.

Tiếp đó, điện mặt trời phải chịu phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhiệt độ bức xạ, vị trí tương đối của các tòa nhà và cây cối che phủ xung quanh nên không thực sự ổn định

Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thôngtiếp tục triển khai mạnh các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tập trung hướng đến việc sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và lắp đặt điện mặt trời nối lưới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi về quy trình lắp đặt cũng như yêu cầu kỹ thuật của các công trình điện mặt trời nối lưới vào hệ thống điện của Tổng công ty.

Bên cạnh đó, Tổng công ty tiếp tục kiến nghị Thành phố, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao để vận động các KCN – KCX – KCNC, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện, … chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại đơn vị.

Song song đó, Tổng công ty tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn chính thức về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ hợp lý nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện nay trong việc sử dụng điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của người dân. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng điện mặt trời.

Song Hoàng