Bnj đọc viết

"Nhát chém" của Vinastas vào ngành nghề nước mắm truyền thống

Mọi việc đã rõ như ban ngày. Chỉ còn điều mà dư luận mong sớm được sáng tỏ:Vinastas muốn gì khi tung ra thông tin nước mắm truyền thống có asen vượt ngưỡng?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Những ngày qua, người tiêu dùng cả nước hoang mang trước thông tin nước mắm truyền thống được cho là chứa hàm lượng asen (thạch tín) vượt tiêu chuẩn qui định. Cả xã hội rúng động. Mâm cơm của các gia đình Việt bị "chao đảo", sản phẩm của các doanh nghiệp và nhà xản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ bị thị trường tẩy chay.

Thông tin này xuất hiện vào chiều ngày 17/10 khi Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố kết quả cuộc khảo sát trên 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh, thành phát hiện có đến 101 mẫu (chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát) có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng cho phép.

Thông tin của Vinastas ngay lập tức được báo chí và mạng xã hội đồng loạt đăng tải như một phản ứng giây chuyền khiến tính chất mập mờ nửa dơi nửa chuột của thông tin này được khai thác triệt nhằm mục đích đánh vào tâm lí người tiêu dùng vốn rất dễ bị tổn thương trước cơn lốc của thời đại thông tin số hóa.

Với tốc độ lan truyền "chóng mặt" của mạng xã hội, những thông tin trên khiến dư luận bàng hoàng, người dân hoang mang; các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống bị giáng một đòn chí tử. Bắt đầu xuất hiện siêu thị dỡ các sản phẩm nước mắm truyền thống xuống khỏi kệ bầy hàng..

Cái hại đã nhỡn tiền và không thể đo đếm hết chỉ vì một thông tin "thất thiệt" từ chính tổ chức mang danh bảo vệ người tiêu dùng: Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam - Vinastas.

Cộng đồng dậy sóng. Các học giả, các nhà khoa học đã lên tiếng, khẳng định arsen trong nước mắm là arsen hữu cơ và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ngày 20/10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã phối hợp với Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM cùng một số doanh nghiệp nước mắm đại diện cho miền Bắc ký tên vào đơn "kêu cứu" lên Thủ tướng.

Liệu có phải đang xảy ra một “cuộc chiến” giữa các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống? Về vấn đề này, xin ngược dòng thời gian một chút.

Thời gian gần đây, báo chí đã từng lên tiếng về chuyện nước mắm công nghiệp toàn hóa chất. Ngày 10/10, báo Thanh Niên có bài "Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp" phản ánh tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất trong thành phần với hàng trăm nhãn hàng khác nhau, đang chi phối thị trường.

Cùng thời gian này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về nước mắm công nghiệp, thông tin kịp thời cho người dân. Các cơ quan này phải có báo cáo gửi Thủ tướng trước ngày 22/10.

Một tuần sau, ngày 17/10, khi thời hạn các bộ liên quan báo cáo Thủ tướng chưa tới thì Vinastas công bố nước mắm truyền thống nhiễm asen độc hại.

Trước vụ việc "không bình thường" này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng có "mùi vị" tiêu cực và dấu hiệu câu kết bất lương. "Ai cũng biết thạch tín là một chất cực độc, thường được sử dụng làm thuốc diệt chuột, nên sự sợ hãi, hoang mang đối với nước mắm bao trùm lên người tiêu dùng. Nếu không xóa tan nỗi sợ hãi này thì ngành sản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ bị phá sản hàng loạt", Bộ trưởng Tuấn nói.

Việc công bố thông tin của Vinastas rõ ràng là thiếu cẩn trọng, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống lao đao. "Nhát chém" này của Vinastas đã đưa các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp chễm chệ lên ngôi, còn ngành nước mắm truyền thống lâm cảnh khốn đốn cùng hàng triệu ngư dân. Chả thế mà sau khi thông tin nước mắm truyền thống chứa asen được Vinastas công bố, một nhà sản xuất nước mắm công nghiệp liền tung chiêu quảng cáo rằng sản phẩm của mình đạt giới hạn an toàn về asen.

Dư luận đặt ra một loạt nghi vấn: Vinastas làm như vậy là vì ai? Ai đứng đằng sau điều khiển giật dây sự kiện này? Liệu đây có phải là bước dọn đường cho các hãng nước chấm bên ngoài đang lăm le độc chiếm thị phần ở Việt Nam, từng bước "bóp chết" ngành sản xuất nước mắm truyền thống

Trả lời câu hỏi ấy, cần sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan chức năng theo tinh thần chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công an.

Nước mắm là loại gia vị không thể thiếu từ bao đời nay trong mỗi bữa ăn của các gia đình người Việt. Chính vì thế mà chẳng có gì khó hiểu khi thông tin nước mắm truyền thống chứa thạch tín (một chất cực độc, thường được sử dụng làm thuốc diệt chuột) được Vinastas công bố ngay lập tức khiến người tiêu dùng hoang mang, sợ hãi.

"Nếu không xóa tan nỗi sợ hãi này thì ngành sản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ bị phá sản hàng loạt", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Rất mừng là sự lên tiếng của người đứng đầu ngành truyền thông đã kịp thời trấn an dư luận. Tiếp đó, ngày 22/10, sau khi có kết quả kiểm tra 247 mẫu nước mắm lấy tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP.HCM, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa, Bộ Y tế cũng đã khẳng định: “Thông tin nước mắm pha hóa chất, nước mắm nhiễm thạch tín ảnh hưởng sức khỏe con người là không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nước mắm”. Nỗi oan của nước mắm truyền thống được gột rửa.

Mọi việc đã rõ như ban ngày. Chỉ còn điều mà dư luận mong sớm được sáng tỏ:Vinastas muốn gì khi tung ra thông tin nước mắm truyền thống có asen vượt ngưỡng?

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm