Bạn đọc viết

Nghĩ về sai phạm của tập đoàn Mường Thanh

Phải chăng khi người ta nghèo thì cái gì họ cũng sợ, nhất là sợ luật pháp.. Người càng giàu họ chẳng sợ gì, kể cả luật pháp. Bởi, khi giàu có lắm tiền của, họ dễ vây bè kết cánh, có thế lực, có chống lưng.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Vừa qua, vụ việc Tập đoàn Mường Thanh liên tục có những sai phạm trong xây dựng tại các dự án lớn từ Quảng Ninh, Hà Nội…đến Khánh Hòa, Đắk Lắk...rồi Cần Thơ… đã đặt ra những vấn đề pháp lý trong xử lý công trình sai phép, không phép. Có thể thấy, hầu như ở vùng miền nào trên đất nước này cũng đều có công trình xây dựng sai phạm của Mường Thanh.

Có người cảm thông cho Tập đoàn Mường Thanh, bởi chúng ta thấy một thực trạng chung trong lĩnh vực xây dựng là: Khi nhà đầu tư làm dự án có quy mô lớn tất nhiên là được các địa phương chào đón và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án. Tuy nhiên các thủ tục về xây dựng hiện hành rất phức tạp và mất nhiều thời gian cho công việc hoàn thiện tất cả các pháp lý trên để được cấp phép xây dựng.

Và để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ thì có thể chính quyền sẽ cho nợ các thủ tục chưa làm kịp mà vẫn cho nhà đầu tư tiến hành thực hiện đầu tư. Nếu chính quyền không làm như vậy thì nhà đầu tư sẽ không đầu tư ở địa phương đó mà sẽ chuyển qua nơi khác. Vấn đề chính ở đây là công tác xét duyệt, thẩm tra, thẩm định hồ sơ xây dựng của mình quá lâu, thủ tục quá phức tạp nên gây khó khăn cho nhà đầu tư và cả chính quyền.

Tuy vậy, Mường Thanh cũng không nên nóng vội mà bất chấp luật pháp. Đừng để mất thương hiệu và uy tín. Một khi mình đã có đầu óc kinh doanh, muốn “phủ sóng” trên toàn quốc hệ thống khách sạn Mường Thanh thì cũng cần xây dựng kế hoạch dài hạn. Làm như vậy khi khách sạn xây xong khách hàng người ta có quyền đặt câu hỏi không tốt, thậm chí người ta hoài nghi về tính trung thực, uy tín của doanh nghiệp thì khi đó khách hàng, khách du lịch người ta tẩy chay thì trở tay không kịp.

Ngay chính người viết, mỗi khi về Thanh Hóa, thấy Mường Thanh sừng sững cũng thấy tự hào lắm chứ, tự hào vì nó góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị. Nhưng nhìn Mường Thanh, tôi nhớ đến vùng quê của tôi khi thấy dân xây cái chuồng vịt còn bị bắt phá đi. Cũng như việc người thân tôi ở quê xây cái tường bao cao 50cm quanh miếng ruộng được một ngày là xã cho người đến phá luôn. Trong khi đó, một số người xây cả cái xưởng to đùng trên miếng ruộng giống người thân tôi thì không sao cả.

Có người hỏi: Tại sao người dân vừa đổ một xe cát, vừa chở một bao xi măng để sửa sang căn nhà mà không báo cáo, không xin phép thì lập tức thanh tra xây dựng có mặt ngay? Vậy họ ở đâu mà lại không hay biết một khách sạn đồ sộ như vậy đang xây dựng không phép giữa thanh thiên bạch nhật?

Phải chăng khi người ta nghèo thì cái gì họ cũng sợ, nhất là sợ luật pháp.. Người càng giàu họ chẳng sợ gì, kể cả luật pháp. Bởi, khi giàu có lắm tiền của, họ dễ vây bè kết cánh, có thế lực, có chống lưng.

Theo điều 73, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thẩm quyền xử lý hành vi hành chính và trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thi hành quyết định xử phạt là của chủ tịch UBND tỉnh.

Ta thấy, dù quy định pháp luật đã rõ ràng nhưng từ quy định đến áp dụng vào thực tế là rất khó khăn, phụ thuộc phần lớn vào ý thức, thái độ làm việc của chủ đầu tư, chủ thầu và hơn hết là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cán bộ trực tiếp thực hiện công việc.

Chúng ta đã thấy gì từ những sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh, vậy mong các cơ quan quản lý xử lý đi! Dư luận đang ngóng chờ!

Lầu Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm