Cần thấy rõ sự thật toàn diện về Đại học Xây dựng

(Dân trí) - “Là một GS gắn bó lâu năm với ĐHXD, tôi thấy những điều trong bài "Thực trạng dạy và học ở ĐHXD" là đúng, nhưng đó mới chỉ là một phần sự thật, chưa phải là sự thật toàn diện” - GS Nguyễn Đình Cống góp ý.

Còn phần sự thật quan trọng hơn là nhiều mặt tích cực của trường chưa được nói tới. Tại ĐHXD vẫn còn nhiều thầy giáo nghiêm túc, nhiệt tình, tâm huyết, giữ được phẩm chất tốt đẹp; là nhiều cán bộ lãnh đạo có năng lực, có trách nhiệm, có đạo đức; là có nhiều sinh viên tích cực, chăm chỉ học tập... Phần lớn việc dạy, học và đánh giá là đúng đắn, nghiêm túc. 

 

Tôi thông cảm với tác giả vì quá bức xúc với một số tiêu cực, vì mong muốn mọi người chớ quá coi trọng thành tích mà không thấy được những yếu kém, vì muốn nhanh chóng khắc phục tệ nạn để phát triển nhà trường.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Viết bài báo, tác giả đã thể hiện lòng dũng cảm và tình yêu đối với trường. Tiếc rằng tác giả đã hơi vội vàng và phạm phải sai lầm trong nhận thức và cách trình bày. Khi lấy đầu đề “Thực trạng....” thì phải viết đầy đủ cả ưu và nhược, còn nếu chỉ viết về những thiếu sót thì phải đặt tên bài báo theo cách khác để nó phản ảnh đúng nội dung. Tác giả vì quá bức xúc mà đã phạm sai lầm kiểu “thấy cây mà không thấy rừng” hoặc “vơ đũa cả nắm”.

 

Tôi đồng ý những điều bài báo nêu ra là có thật nhưng đó chỉ mới là một phần của sự thật, chỉ là một lũ sâu làm rầu nồi canh, chứ không phải phần lớn thực trạng là như thế.

 

Việc vội vàng của tác giả đã làm cho nhiều sinh viên ĐHXD phản ứng. Xin các bạn đọc bình tĩnh, đừng mắc vào lỗi vội vàng, phiến diện như tác giả bài báo “Thực trạng....”.

 

Mong tác giả bình tĩnh, đừng mắc phải những lỗi tương tự. Mong lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo và toàn thể sinh viên thấy rõ được những thiếu sót của mình để khắc phục càng nhanh càng tốt, càng triệt để càng tốt.
 
Cần thấy rõ sự thật toàn diện về Đại học Xây dựng - 1

Cán bộ giảng dạy tại trường Đại Học Xây dựng trong lễ kỷ niệm trường.

 

Bạn đọc Lê Khánh Toàn:

Tôi xin giới thiệu là một kỹ sự xây dựng hiện đang công tác tại Hà Nội, khi đọc qua bài báo nói trên thì tôi thật sự cảm nhận đó là một ý kiến còn phiến diện bởi có thể người viết bài này làm việc ở 1 khoa và cá biệt hơn khoa đó có thể không đại diện tiêu biểu cho phần lớn các khoa khác tai trường, do đó không thể lấy 1 khoa để đánh đồng 1 tập thể nhà trường được. Các vấn đề tác giả nêu chỉ toát ra điều chưa được, điều tiêu cực của một bộ phận nhỏ trong trường. Đây là một bài báo mà tôi cùng những người hiện đang và đã học ở trường Xây dựng chưa đồng tình.

 

Bài báo nêu lên các vấn đề còn tồn tại của nhà trường nhưng quả thật giải quyết vấn đề này rất nan giải và cần sự nỗ lực phấn đấu khắc phục không chỉ của các trường ĐH, của các giảng viên và  sinh viên và còn của cả xã hội, nhất là nền nếp, kỷ cương quản lý xã hội.

 

Ý kiến còn 1 chiều đó đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các thầy mà chúng tôi rất tôn trọng. Nhiều thầy là những Tổng giám đốc, Giám đốc, giữ trọng trách quan trọng trong công ty nhưng vẫn đặt việc đào tạo giảng dạy ĐH lên hàng đầu, có ngày thông qua đồ án đến 7h tối, hoặc có khi không ăn trưa để chữa lỗi cho sinh viên. Có lúc bực mình tắt ĐT  các cuộc gọi liên tục đổ chuông. Những buổi giảng dạy đầy trách nhiệm và nhiệt huyết, các thầy đã chỉ ra những bất cập của tài liệu, những biện pháp mới đang được áp dụng và để cho sinh viên hiểu, đã minh họa bằng hình vẽ rất chi tiết, rồi trả lời tất cả câu hỏi mà chúng tôi còn thắc mắc một cách đầy thuyết phục và có sức thu hút mạnh mẽ. Và điều quan trọng hơn, thầy đã giúp chúng tôi phương pháp tư duy để làm việc và nghiên cứu tìm tòi, không thụ động trong suy nghĩ và hành động trước những tình huống mới mẻ.

 

Tôi mới ra trường 2 năm cho nên có thể mạo muội khẳng định rằng “phong bì”, quà cáp mà các bạn sinh viên khi “đi” các thầy không nhiều và quá nhỏ bé để các thầy có thể đánh đổi danh dự được (nhiều thầy đi làm bằng Ô tô). Cho nên nếu xảy ra chuyện chạy thầy thì chỉ là trường hợp cá biệt.

 

Bạn đọc giấu tên:

Tôi là sinh viên của ĐH Xây Dựng. Đọc bài viết này, tôi thực sự buồn, buồn bởi vì những thực trạng mà tác giả đã nêu, nó không sai, nhưng nó cũng không phải là tiêu biểu cho trường ĐH Xây Dựng mà là thực trạng chung của nền giáo dục Việt Nam. Có chăng chỉ là ngôi trường này không may mắn (hoặc biết đâu thế này lại là may mắn thì sao) được tác giả “chỉ điểm” mà thôi.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, ngoại trừ những tình trạng (vốn dĩ đã là lối mòn) ở các lớp tại chức, chuyên tu mà chắc chắn 100% các trường ĐH ở VN đều như nhau, tình trạng ở các lớp học chính quy ở ĐH Xây Dựng vẫn còn nhiều điều tích cực mà người viết không nhìn ra được. Tôi xin mạn phép đưa ra một số điều phản biện bài viết như sau:
 
Thứ nhất, về chất lượng đầu vào, phải nói đến trước tiên là những điều thầy nêu ra là đúng. Điểm đầu vào của sinh viên hệ chính quy đã giảm sút so với cách đây vài năm. Tuy nhiên, lý do của tình trạng này lại nằm chủ yếu là tâm lý chọn trường của học sinh đã có những thay đổi chứ không hoàn toàn bắt nguồn từ chất lượng đào tạo. Nếu như trước đây, những ngôi trường kỹ thuật như Xây Dựng, Bách Khoa luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những học sinh giỏi, thì trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, các ngành kinh tế đã lên ngôi. Chọn trường chủ yếu theo tâm lý số đông và có một sự mặc định đã tồn tại là học sinh giỏi thì phải vào các trường kinh tế, nếu chọn các trường kỹ thuật, sẽ dễ bị người khác nhận xét là …phí (đa phần là tát nước theo mưa) ! Bản thân tôi hiểu hơn ai hết điều này. Tuy nhiên tôi đã chọn ngôi trường Xây Dựng và ngày càng có tình yêu với nó hơn.
 
Đề thi ĐH qua từng năm đều có những sự thay đổi, bởi vậy không thể dựa hoàn toàn vào điểm sàn để đánh giá mặt bằng đầu vào. Nếu nhìn điểm sàn của trường Xây Dựng những năm gần đây và so sánh nó với các trường ĐH khác thì thấy chưa hẳn mức điểm sàn này đã là thấp. Năm 2011, điểm chuẩn vào trường Xây Dựng là 18 điểm (Một số ngành như XDDD và CN, Cầu đường và kinh tế đều lấy trên 20 điểm). Trong số các trường kỹ thuật thì đây là mức điểm chuẩn cao nhất (Bách Khoa là 17, các trường GTVT, Thủy Lợi thậm chí còn thấp nữa). Nếu lui lại trước đó 1 năm thì điểm chuẩn vào Xây Dựng là 19 điểm, trong khi Bách Khoa là 16 điểm). Nói vậy để thấy trong khối ngành kỹ thuật, Xây Dựng vẫn là ngôi trường được nhiều học sinh khá, giỏi chọn lựa. So với các trường khối kinh tế như Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, điểm chuẩn vào Xây Dựng tuy có thấp hơn một chút nhưng nhìn chung mức chênh lệch là không lớn. Nếu nhìn vào Top 100 thì các trường này ngang ngửa nhau.
 
Thứ hai, về các lớp chính quy. Với việc áp dụng quy chế 43, việc sinh viên qua môn là điều không khó khăn nhưng nếu muốn đạt điểm cao thì lại rất khó, điều này kích thích tinh thần học tập của sinh viên. Bản thân tôi nhận thấy ngay trong lớp mình học, nhờ việc chấm điểm quá trình mà tinh thần học tập của sinh viên được cải thiện rất nhiều. Thông thường như trước đây, điểm thi quyết định tất cả quá trình học của sinh viên, nên trong suốt quá trình học, việc giơ tay phát biểu ý kiến là rất hạn hữu. Nhưng khi áp dụng quy chế 43, một số giảng viên đã tận dụng khá triệt để quy chế này để nâng cao tinh thần học tập của sinh viên, ví dụ như việc tăng cường kiểm tra miệng, kiểm tra viết, vấn đáp và điểm danh để chấm điểm quá trình cho sinh viên. Sinh viên không thể nào lơ là với những buổi học trên lớp nếu như không muốn điểm tổng kết cuối kỳ của mình bị rớt thảm hại.
 
Việc cho điểm quá trình thoải mái của giảng viên là chuyện hiếm xảy ra, chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, bản thân tôi chưa từng gặp phải trường hợp này.
 
Về tình trạng chạy điểm thi. Là một sinh viên dưới mái trường này, phải nói thực, trước khi đọc bài viết này, tôi hoàn toàn không hề có một chút ý niệm gì về việc đi thầy, đi cô để được nâng điểm môn học. Những năm qua học ở Xây Dựng, tôi rèn luyện cho mình được ý chí phấn đấu rất tốt, tôi luôn có một suy nghĩ rằng: Học thật thì điểm thật. Và thầy cô đều là những người vô cùng tâm huyết với sinh viên. Ngay từ cách dạy, cách nói chuyện của thầy cô, sinh viên đã không hề mảy may có suy nghĩ gì tiêu cực, chỉ biết cố gắng học thật tốt, thi thật tốt để lấy điểm cao. Thực tế cũng chứng minh, chưa bao giờ sự cố gắng của tôi lại không được đền đáp cả. Ngoài những buổi học trên lớp, thầy cô còn tổ chức thêm các buổi học phụ đạo cho chúng tôi để chúng tôi có thêm thời gian làm bài tập và qua đó nắm bài chắc hơn. Thử hỏi, có nơi nào thầy cô được như nơi này chưa?
 
Nếu nói trường Xây Dựng tiêu cực thì chắc chắn sẽ có rất nhiều trường khác phải giật mình. Chuyện “học hành vất vả, kết quả theo tiền” chắc đã không còn lạ lẫm với sinh viên, đặc biệt là sinh viên ở một số trường kinh tế.
 
Những gì tôi viết ở trên hoàn toàn là những cảm nhận, suy nghĩ  thực tế của một sinh viên đang ngồi trên giảng đường Xây Dựng và không chỉ là của tôi mà còn của rất nhiều sinh viên khác.
 
Bạn đọc Nguyễn Tất Bách:

Tôi là một Sv từng học tập tại Hà Nội (2006-2011) và đã công tác. Khi đọc bài báo trên Dân trí ngày 7/12/2011, qua đánh giá về tình trạng học đại học hiện nay của trường XD, tôi thấy các vấn đề đưa ra đều sát với thực tế và cũng là tình trạng chung của rất nhiều trường ĐH (không riêng gì ĐH Xây Dựng), gồm cả hệ chính quy và tại chức. Các vấn đề này đã nảy sinh từ lâu và nhiều thứ nghiễm nhiên trở thành thông lệ và là thói quen xấu cần có sự quan tâm đúng mức nhằm giải quyết triệt để. Nếu không trong tương lai chất lượng giáo dục và đào tạo của nước nhà sẽ có nguy cơ đi xuống nghiêm trọng,ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thế hệ trụ cột trong tương lai cũng như sự phát triển chung của toàn đất nước. Theo tôi vấn đề đặt ra cần có cái nhìn nghiêm túc và chấn chỉnh lại như một cuộc cách mạng trong cải cách giáo dục.

 

LTSDân trí - Rất nhiều ý kiến đóng góp xung quanh bài viết về thực trạng dạy và học ở Đại học Xây dựng. Đấy là những ý kiến đóng góp thật chân thành và tâm huyết đối với Trường Đại học Xây dựng nói riêng và nền giáo dục Đại học nước nhà nói chung.

 

Nhiều ý kiến đã khẳng định, trong tình hình có nhiều mặt tiêu cực tồn tại trong việc dạy và học hiện nay của không ít các trường đại học thì Đại học Xây dựng về cơ bản vẫn giữ được nền nếp dạy thật và học thật, đặc biệt còn nhiều Thầy Cô giáo tâm huyết với nghề, khiến cho nhiều sinh viên sau khi ra trường nhiều năm vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về Thầy Cô giáo và mái trường thân yêu của mình.

 

Mong rằng Trường Đại học Xây dựng luôn giữ vững truyền thống tốt đẹp, phát huy đầy đủ những thế mạnh vốn có, đồng thời chủ động ngăn chặn những mầm mống tiêu cực còn phổ biến trong xã hội ngày nay có thể thâm nhập vào mái trường đáng tự hào của biết bao thê hệ sinh viên xây dựng.