Một cách nhìn khác về Đại học Xây dựng

(Dân trí) - Tôi cũng học trường ĐH Xây dựng, rồi ở lại trường đến nay là mười một năm. Đọc xong bài viết của bạn đồng nghiệp Trần Tấn Bình, tôi thấy trào dâng một cảm giác khó tả và thấy cần nói lên những suy nghĩ chân thành của mình...

Đọc bài này, đầu tiên tôi cũng phân vân tự hỏi, chẳng nhẽ con đường mình quyết tâm chọn ở lại trường là quyết định sai lầm hay sao?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Về bản thân, đến giờ phút này tôi vẫn thấy tự hào về mái trường của mình, tự hào khi luôn có dòng máu xây dựng chảy trong người, vẫn luôn thấy quyết định của mình là hoàn toàn chính xác. Đến lúc này, trước mắt tôi có nhiều sự lựa chọn, tôi hoàn toàn có thể rời khỏi trường vào cơ quan nhà nước với những vị trí phát huy được khả năng của mình, có thể tham gia các công ty với mọi loại hình tư nhân, liên doanh,… mà tôi tin rằng có thể thích ứng được công việc ở đó, hoặc đơn giản có thể là một chuyên gia hoặc tự lập cho mình một công ty tư vấn thiết kế,… Nhiều lựa chọn, nhưng không, tôi vẫn gắn bó với ngôi trường, vẫn hàng ngày làm những công việc với đồng lương phải nói là khiêm tốn hơn rất nhiều những công việc liệt kê ở trên.

Bạn Bình may mắn hơn tôi khi ở trong một gia đình có truyền thống với Xây dựng. Trước tiên, bạn là người có tâm huyết nên đã nói lên những tâm sự rất thật của mình với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của trường. Nhưng phải nói, những góp ý của bạn tạo trước mắt tôi một màu đen bi quan, cho nên tôi muốn cùng bạn trao đổi để hiểu rõ thêm thực chất của vấn đề nhé. Tôi sẽ đi theo những gì bạn viết để có cái nhìn khách quan hơn.

1-Về chất lượng đầu vào của sinh viên:

Bạn Bình nói rằng "giảm sút nghiêm trọng" bạn so sánh với 10 năm trước khi điểm vào trường luôn nằm trong tốp đầu và bây giờ không còn được như thế. Cùng nhau nhìn nhận nào: năm nay trường ta điểm chuẩn chung KV3 là 18 điểm (vào khoa xây dựng và cầu đường: 21,5 điểm - chỉ xem xét đến khối A để so sánh thôi thé); ĐH Bách Khoa Hà Nội, khoa cao nhất: Công nghệ thông tin, điện tử điểm chuẩn là 21,5, còn các khoa khác điểm từ 17 đến 19,5; điểm chuẩn của ĐH Giao thông năm nay là 16,5 cho tất cả các ngành; ĐH Thủy lợi từ 15 đến 17,5;  ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh từ 15 đến 19 điểm. Như vậy, xét qua mặt bằng chung một số trường kỹ thuật có uy tín, tình hình chưa đến nỗi là "rất nghiêm trọng" đúng không.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, khối các ngành kỹ thuật hiện nay có vẻ kém hấp dẫn hơn so với khối kinh tế, tài chính, ngân hàng. Nên chất lượng đầu vào bị ảnh hưởng bởi nhu cầu của xã hội là điều tất yếu.  


Một cách nhìn khác về Đại học Xây dựng - 1

 Hình ảnh lễ kỷ niệm 45 năm thành lập trường ĐH Xây dựng

2. Về các lớp chính quy: 
 
Bạn Bình có nói đến vấn đề thực hiện quy chế 43, thực sự đây cũng là vấn đề nóng khi Xây dựng bắt đầu thực hiện theo quy chế này.
Với quan điểm của tôi, quy chế 43 thực sự không phải là một cái gì đó quá mới mẻ. Thực chất, quy chế chỉ lượng hóa những vấn đề trước đây đã thực hiện. Quyền quyết định vẫn thuộc về người thầy cơ mà. Quy chế quy định điểm quá trình chiếm 40%, nhưng nó bao gồm rất nhiều khía cạnh: điểm chuyên cần, điểm kiểm tra, điểm đánh giá thái độ tham gia đóng góp vào môn học,…

Trước đây, những vấn đề này vẫn được xét đến, nhưng kết quả nằm trong cái nhìn tổng thể của giáo viên mang tính cảm tính. Nên bây giờ cụ thể ra sẽ giúp công tác đánh giá điểm thuận lợi hơn chứ. Một điều chắc chắn rằng, đối với từng bộ môn của Xây dựng đều đã có những thống nhất về vấn đề này theo đặc điểm của từng môn học. Cho nên không thể đổ tại quy chế dẫn đến tình trạng chạy điểm thi như bạn nói. Về vấn đề bạn đưa ra: sinh viên điểm quá trình 10, nhưng điểm thi 1,2 nên có cái nhìn tổng quát với số liệu cụ thể để đánh giá, vì đây là những trường hợp hết sức cá biệt.

Về vấn đề chạy điểm, xin được đánh giá lại một lần nữa vì đó là vấn đề hết sức nhạy cảm. Theo quan điểm cá nhân tôi, trường Xây dựng luôn là một trong những trường hết sức nghiêm túc trong vấn đề này. Nói chung, khi ở lại trường làm giảng viên, cán bộ trẻ chúng tôi không bao giờ xác định lấy tiền của sinh viên làm nguồn thu nhập chính, vì nếu cần nguồn tài chính khá hơn, chúng tôi ra ngoài công tác sẽ tốt hơn rất nhiều. Đối với giảng viên Xây dựng, chúng tôi có thể thu nhập thêm từ việc tham gia các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học trong và ngoài trường.

Về vấn đề xử lý sinh viên, chắc chắn đến thời điểm này không còn sinh viên học ở Xây dựng đến 10 năm. Tình trạng này trước đây có tồn tại vì nhiều lí do, cái này hãy để các nhà quản lý trả lời thì chính xác hơn. Quay lại vấn đề bạn Bình nói, theo thông tin tôi được biết, hiện trạng này đã được xử lý, vấn đề đặt ra là phải từng bước một, không thể một lúc đuổi hàng nghìn sinh viên ra ngoài xã hội. Tuy vậy đến nay, trường đã xử lý tất cả những trường hợp là sinh viên từ khóa 47 trở về trước. Và tất nhiên, mỗi năm tiếp theo sẽ tiếp tục xử lý tiếp những khóa sau này.

Về  vấn đề số buổi và thời gian giáo viên lên lớp, có lẽ số cán bộ lên lớp chưa đến 10/15 buổi ở ĐH Xây dựng không nhiều đâu, còn từ cái cảm quan của tôi thì là không có. Vì sao? Vì bộ máy thanh tra đào tạo của Xây dựng làm việc rất nghiêm ngặt, hàng tháng họp giao ban chúng tôi luôn nhận được những danh sách những môn học, tiết học vi phạm quy chế, có trường hợp chi tiết đến giáo viên đến muộn 15 phút cũng đã nằm trong danh sách này rồi.

 

Một cách nhìn khác về Đại học Xây dựng - 2
“Nhà ở đa năng-bán di động” ứng phó biến đổi khí hậu của SV ĐHXD đạt giải Nhất cuộc thi của Bộ TN-MT
 
Xin phép được mở rộng vấn đề này ra một chút, hiện nay theo hình thức dạy tín chỉ, sinh viên có thời gian tự học, hệ thống hỗ trợ như giáo trình, tài liệu còn thiếu thốn nhưng chắc chắn so với trước kia đã tốt hơn rất nhiều. Nên theo cách nhìn của tôi, hãy để giảng viên chủ động hơn trong việc truyền đạt kiến thức. Giám sát chúng tôi, có thanh tra đào tạo, hình như còn có cả camera và chính xác hơn ai hết có hàng chục sinh viên mỗi lớp. Cho nên một mặt Nhà trường cần xem xét xử lý những trường hợp cụ thể vi phạm quy chế như bạn Bình nói, mặt khác thiết nghĩ cũng cần tìm phương pháp thích hợp để vừa kiểm soát được giảng viên, nhưng cũng phát huy được tính chủ động của giảng viên và sinh viên. Mục đích cuối cùng của giảng dạy là chất lượng sinh viên, việc thực hiện quy chế 43 mới được ít năm, chắc chắn sẽ có những va vấp, nhưng cũng phải quyết tâm thực hiện và có kế hoạch đánh giá, nhìn nhận và điều chỉnh dần.
 
3. Về các lớp tại chức:
 
Thời gian học đến 21h20, theo tôi được phân công thì trước kia đúng là như thế, nhưng hiện nay, theo lịch tôi nhận thực hiện, các lớp tại chức, bằng 2 học tại trường được bố trí mỗi buổi tối 3 tiết, nên thời gian kết thúc là 20g30.
 
Đối với các lớp tại chức ngoài trường, đúng là có việc bố trí theo kế hoạch là một ngày chỉ dạy 1 buổi 5 tiết, nhưng các thầy thường thực hiện 2 buổi 10 tiết, ngay cả tôi cũng thực hiện như vậy. Theo suy nghĩ cá nhân, việc bố trí 1 buổi sẽ rất lãng phí, sinh viên tại chức đa phần vừa đi làm vừa đi học, họ đã mất công xin nghỉ, thì việc nửa ngày còn lại để giải quyết công việc sẽ không có lợi bằng rút ngắn số ngày nghỉ để tập trung cho công việc. Đến lớp 1 bây giờ còn học 2 buổi, nên chẳng có lý do gì trình độ đại học mà không chịu nổi học 2 buổi nhất là những người đã trưởng thành. Kế hoạch do con người lập nên thì sẽ có thể sửa đổi. Việc kéo dài số ngày, sẽ tốn kém cho cả thầy và sinh viên về thời gian cũng như vật chất: chi phí ăn nghỉ sẽ tăng lên, thời gian toàn tâm toàn sức cho công việc sẽ bị ảnh hưởng,… Vấn đề bạn Bình đưa ra cần xem xét tới là việc bố trí lịch thi cho hợp lý để việc nắm bắt kiến thức của sinh viên có hiệu quả hơn.
 
Về chuyện sinh viên tại chức các địa phương chiều giáo viên cũng cần trao đổi thêm. Xét về góc độ kinh tế, 1 thầy đến địa phương giảng dạy chắc chắn sẽ ít tốn kém hơn chi phí 50 sinh viên về Hà Nội học. Xét về tình cảm con người, Thầy cũng như khách đến nhà, có quà đặc sản của địa phương mang ra mời khách có gì sai không? Lo lắng cho sức khỏe của khách mà chăm lo đến các bữa ăn cũng không có gì quá đà? Tôi không bào chữa cho những việc này, về cá nhân tôi cũng rất ngại khi đi dạy tại chức, chẳng muốn có gì phiền hà tới sinh viên.

Quay lại vấn đề là các thầy cô có gợi ý, bắt buộc sinh viên phải làm thế  hay là sự tự nguyện. Tranh luận về vấn đề nhạy cảm và mang tính cá nhân này không nên đi sâu. Nhưng tôi xin nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, đó là quan hệ giữa thầy và trò của trường Xây dựng. Chắc chắn nếu chỉ có tài chính tiền bạc thì mối quan hệ này sẽ rất lỏng lẻo, nếu không muốn nói đến là đối kháng, nhưng theo cá nhân tôi, một trong những lý do mà tôi ở lại trường chính là mối quan hệ này, tôi có những người thầy mà tôi luôn coi như cha mình, và chính những tình cảm trong sáng đối với sinh viên mà tôi quyết định làm giảng viên cho đến giờ. Tôi thấy tình cảm thầy trò Xây dựng thiêng liêng lắm, đi đến đâu chúng tôi cũng gọi nhau là "dân xây dựng" không phân biệt địa vị, sang hèn. Chúng tôi vẫn gặp những sinh viên sau nhiều năm, lúc đó giữa chúng tôi chẳng còn ràng buộc hay áp lực nào khác, tất cả chỉ là sự tự nguyện và đồng cảm chung một cái tên "dân xây dựng", nếu chỉ có tiền bạc thử hỏi có mua được tình cảm này không? Hãy đừng để những điều hết sức đời thường này ảnh hưởng đến tình cảm thầy trò, nếu lúc nào cũng đánh giá, chắc giảng viên chúng tôi luôn phải mang những bộ mặt sắt đá đối diện với sinh viên và ngược lại. Tất nhiên, nhà trường cũng nên xem xét và xử lý nếu có những trường hợp giáo viên gợi ý, tạo áp lực để gây phiền hà cho sinh viên.
 
4. Về vấn đề các lớp cao học:
 
Học cao học dễ hơn so với đại học là điều bình thường chứ. Đối tượng học là những người đã nắm chắc lý thuyết và đã có thực tế rồi cơ mà. Nếu so sánh với những chương trình cao học nước ngoài, có những khóa học chỉ 12 đên 18 tháng, tính cả thời gian học tiếng chứ không kéo dài đến 24 - 32 tháng như của ta. Tôi biết nhiều bạn tôi, học Xây dựng ra nhưng chọn trường khác học cao học vì họ bảo học tại Xây dựng khó lắm. Vấn đề là cách nhìn nhận về mục đích của học cao học là thế nào thôi. Theo quan điểm cá nhân tôi, cao học không phải là cái gì đó có trình độ vượt hơn đại học, đây chỉ là bước chuyển tiếp để học viên tiếp cận cách nghiên cứu để có thể độc lập, chủ động ở những công việc mà họ theo đuổi sau này.
 
Những ý kiến trên đây cũng là cách nhìn cá nhân, nhìn ở một khía cạnh khác để đánh giá đúng cả những mặt tích cực của  Nhà trường, từ đó cùng chung sức xây dựng trường  chúng ta ngày càng trưởng thành xứng đáng với vị thế của một trường đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
 
Bùi Quang Trung

                  Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường Đại học Xây dựng

 

LTS Dân trí - Đánh giá một hiện trạng, thậm chí chỉ là một sự việc cũng cần có ý kiến trao đổi của nhiều người để có sự nhìn nhận toàn diện và khách quan.

 

Vì vậy, chúng tôi rất hoan nghênh đông đảo bạn đọc đã nhiệt tình đóng góp ý kiến về bài viết “Thực trạng dạy và học ở Trường ĐH Xây dựng”.

Đặc biệt, bài viết trên đây của tác giả cũng là cán bộ giảng dạy của trường muốn đóng góp ý kiến với đồng nghiệp để có cái nhìn lạc quan hơn về mái trường thân yêu của mình.

Cùng có nhiệt huyết và đều mong muốn thiết tha được đóng góp vào việc duy trì và phát huy truyền thống vốn tốt đẹp và đáng tự hào về mái trường này, chắc chắn họ sẽ tìm thấy tiếng nói chung và mục tiêu chung để mãi xứng đáng là những thành viên đứng trong ngôi nhà chung của “Dân Xây dựng”.