1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cần đóng cửa ngân hàng quá yếu kém

(Dân trí) - Đánh giá về tái cấu cấu 9 ngân hàng yếu kém, đại biểu Quốc hội kiến nghị cơ quan điều hành cần đóng cửa ngân hàng quá yếu và không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ xấu qua VAMC một cách tình thế như hiện nay.

Hôm nay 31/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, vấn đề tái cơ cấu ngân hàng lại làm “nóng” nghị trường.

Lãi suất giảm nhưng tăng trưởng tín dụng chậm.
Lãi suất giảm nhưng tăng trưởng tín dụng chậm.

Ngân hàng “lớn” không đồng nghĩa với “khỏe”!

Theo đánh giá của đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), báo cáo về đề án tổng thể tái cơ cấu của nền kinh tế của Chính phủ tại kỳ họp này đã khá chi tiết và đầy đủ. Đặc biệt, trong lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng, báo cáo đã không còn nhắc lại nguyên nhân của những vướng mắc khiến cho quá trình tái cơ cấu lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém hiện ra chậm hơn so với dự kiến là do quyền lợi cá nhân một số cổ đông lớn của ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, vấn đề quan trọng số 1 trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là nhóm ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng rộng bao gồm cả của nhà nước. “Phải có đủ lượng vốn thực cần thiết đảm bảo yêu cầu hoạt động an toàn đặt trong bối cảnh rủi ro kinh doanh đang ở mức cao. Tôi muốn nhấn mạnh ngân hàng lớn không đồng nghĩa với khỏe, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là một ví dụ”, đại biểu nói.

Đại biểu Đồng cũng tỏ ý băn khoăn với báo cáo của cơ quan điều hành khi chỉ ra nhóm 9 ngân hàng cổ phần yếu kém - tội đồ chính gây bất ổn hệ thống đang được tái cơ cấu. Do đó, theo đại biểu, ngân hàng muốn đạt yêu cầu đủ vốn trước hết phải có đợt kiểm tra lại sức khỏe tổng thể cần đánh giá lại chất lượng tài sản ngân hàng, bao gồm nợ tín dụng một cách thực chất.

Trong quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, đại biểu Đồng cho rằng: “Vốn trong nước không đủ phải gọi vốn nước ngoài, nếu không được phải cắt bỏ thu hẹp quy mô hoạt động đóng cửa ngân hàng. Không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ xấu qua VAMC một cách tình thế và kiên cường như hiện nay”. Bởi theo đại biểu, “cách làm này dễ tạo ra số nợ ảo, thực trạng ảo, cũng như về cơ bản ngân hàng làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu, việc này ngân hàng nhà nước khó có đủ năng lực để làm được. Cần tổ chức những đoàn hỗn hợp có chuyên gia quốc tế lo khâu kỹ thuật để hỗ trợ ngân hàng nhà nước thực thi nhiệm vụ này”.

Còn đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại nhận xét: “Trong các giải pháp của Chính phủ, tôi thấy vai trò nòng cốt của chính sách tiền tệ là không thể phủ nhận. Ngành ngân hàng trong những năm gần đây được giao trọng trách rất lớn vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý, vừa thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước, lại vừa làm tốt công tác an sinh xã hội nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân”.

Đại biểu Vinh cũng cho hay: Trong số các lĩnh vực thì lĩnh vực ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, từ việc liên tục giảm nhanh lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động và tổ chức tín dụng, đặc biệt đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cơ cấu lại nợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn cho đến những nỗ lực cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, đặc biệt ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu nhằm khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Đây là kết quả ban đầu đề nghị Chính phủ bám sát thực tế, điều hành linh hoạt, đảm bảo tính bền vững.

2014 - năm khó của chính sách tiền tệ

Ghi nhận những kết quả tích cực mà chính sách tiền tệ đem lại trong thời gian vừa qua, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cố gắng duy trì việc ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay vốn, kể cả những doanh nghiệp vỡ nợ nhưng đang có điều kiện làm ăn để trả nợ.

Cùng với đó, đại biểu Trần Du Lịch “cũng thấy khó khăn của chính sách tín dụng sắp tới, bởi vì từ năm 2014, lượng trái phiếu Chính phủ phát hành quá lớn. Đây là một điểm làm khó khăn trong vấn đề giảm lãi suất và vấn đề phân bố nguồn lực tín dụng cho các thành phần kinh tế khác”.

Là người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho hay: Năm 2013, Ngân hàng nhà nước cơ bản sắp xếp xong 9 ngân hàng yếu kém đã triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, hoạt động của các hệ thống ngân hàng được kiểm soát và đảm bảo an toàn. Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại, hoàn thiện các quy định về an toàn và tăng cường giám sát thanh tra hoạt động của các tổ chức tín dụng.

“Công ty VAMC của Ngân hàng Nhà nước hoạt động từ tháng 7/2013 với nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận. Dự kiến trong quý IV sẽ xử lý được khoảng 35 nghìn - 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu là những điểm nhấn về xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhờ nỗ lực của ngân hàng nhà nước và của từng tổ chức tín dụng quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu, tốc độ tăng nợ xấu đã giảm”, đại biểu nhấn mạnh.

Trước việc ngân hàng liên tục hạ lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng chậm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề xuất, trong điều kiện đặc biệt thì thủ tục vay vốn của ngân hàng cũng phải có thủ tục đặc biệt. Đại biểu ví von: “Gặp đèn đỏ nhưng cảnh sát dẫn đường, thì đoàn vẫn đi và ngân hàng cũng cần vậy. Ngân hàng phải có điều kiện đặc biệt, phải dẫn doanh nghiệp đi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Cho nên, tôi đề nghị chúng ta khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp để tạo điều kiện tăng nguồn thu”.

Nguyễn Hiền