An Giang:

Thu nhập đầu người ở xã nông thôn mới đạt hơn 47 triệu đồng

(Dân trí) - Từ xã thuần nông, Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên, An Giang) mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp… Nhờ đó, kinh tế địa phương phát triển, thu nhập đầu người tăng từ 29 triệu đồng lên 47,2 triệu đồng chỉ sau 3 năm.

Người dân biết đến xã Mỹ Hòa Hưng không chỉ là xã cù lao nằm giữa sông Hậu mà còn là vùng đất sản sinh ra vị lãnh đạo tài ba cho đất nước là cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

Mỹ Hòa Hưng có diện tích tự nhiên trên 2.100ha với hơn 5.400 hộ dân, đa phần người dân sống bằng nghề nông nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi Mỹ Hòa Hưng được UBND TP Long Xuyên chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, đời sống, kinh tế văn hóa, hạ tầng giao thông xã cù lao “thay da đổi thịt”, nhất là khi xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Xã Mỹ Hòa Hưng là quê hương cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng
Xã Mỹ Hòa Hưng là quê hương cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng

Theo báo cáo kinh tế - xã hội năm 2018 của UBND xã Mỹ Hòa Hưng cho thấy các chỉ tiêu, nhiệm vụ của xã đề ra trong năm đều đạt. Cụ thể, về chỉ tiêu nông nghiệp, nổi bật nhất là thực hiện Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất rau màu an toàn với diện tích 48,5ha và trồng cây ăn trái 50 ha (thí điểm trồng xoài Cát Chu 7ha). Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 1ha là 151 triệu đồng.

Từ khi xã Mỹ Hòa Hưng đạt chuẩn nông thôn mới vào 2015, bộ mặt nông thôn xã thay đổi rõ nét, đời sống, kinh tế người dân phát triển
Từ khi xã Mỹ Hòa Hưng đạt chuẩn nông thôn mới vào 2015, bộ mặt nông thôn xã thay đổi rõ nét, đời sống, kinh tế người dân phát triển

Diện tích lúa xuống giống cả năm được 1.154,5ha, năng suất bình quân 6,26 tấn/ha; cây màu xuống giống 284,5ha (trong đó, mè trên đất lúa 119,6ha, năng suất bình quân 1,2 tấn/ha, còn lại chủ yếu là rau dưa các loại).

Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng được quan tâm và tiếp tục nâng chất. Sản phẩm cung cấp mỗi ngày từ 500 – 700kg rau các loại. Chăn nuôi thủy sản ổn định, toàn xã hiện có 573 lồng bè và 69ha ao hầm. Đã di dời xong 42 lồng, bè bến sông khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Các trường học trên địa bàn xã khang trang và hiện nay có 4 trường đạt chuẩn quốc gia
Các trường học trên địa bàn xã khang trang và hiện nay có 4 trường đạt chuẩn quốc gia

Ở lĩnh vực Văn hóa - xã hội, Mỹ Hòa Hưng giữ vững và nâng chất các chuẩn phổ cập giáo dục, huy động học sinh đến lớp ở các bậc học đạt chỉ tiêu; tỷ lệ học khá giỏi tăng hàng năm, có 04 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Hội Khuyến học xã vận động tiền, hiện vật trị giá 306 triệu đồng hỗ trợ học bổng tiếp bước đến trường cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2018, còn 36 hộ (giảm 69 hộ); hộ cận nghèo 365 hộ (giảm 02 hộ); hộ khó khăn 387 hộ (tăng 51 hộ). Để giúp bà con hộ khó khăn có việc làm, thời gian qua, UBND xã đã mở 04 lớp dạy nghề (gồm: trồng xoài, nuôi cá, lươn, đan gia công sản phẩm mỹ nghệ nhựa giả mây…) với 139 học viên tham gia và đã giới thiệu việc làm cho hơn 700 lao động, đạt 115%.

Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng quyết tâm tiếp tục chung tay nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới và quyết tâm xây dựng làng quê thanh bình, đoàn kết
Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng quyết tâm tiếp tục chung tay nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới và quyết tâm xây dựng làng quê thanh bình, đoàn kết

Hiện nay, Mỹ Hòa Hưng là xã được UBND TP Long Xuyên chọn là xã điểm nâng chất nông thôn mới. Qua kiểm tra, đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Mỹ Hòa Hưng đạt 19/19 tiêu chí và 49/49 chỉ tiêu. Điểm nổi bật cũng như sự phát triển dễ nhận ra của Mỹ Hòa Hưng chính là thu nhập người dân hiện nay đạt đến 47 triệu đồng/người.

Theo lãnh đạo xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, xây dựng nông thôn mới xã Mỹ Hòa Hưng dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Gần đây, địa phương phát triển thêm các mô hình HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, phát triển mô hình du lịch homstay… Nhờ đó, thu nhập người dân tăng lên đáng kể.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục bám sát vào mục tiêu kinh tế của xã, nhất là đây mạnh chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để góp phần làm tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân hơn nữa.

Nguyễn Hành