Trận hải chiến trong ký ức người lính trở về từ Gạc Ma

(Dân trí) - Với những người lính trở về từ Gạc Ma, sự kiện ngày 14/3/1988 ở đảo Gạc Ma, thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là một ký ức đau thương không thể nào quên!

Ngày cưới vội của chàng lính Hải quân

Trận hải chiến Trường Sa đã lùi xa 30 năm, những người lính trận năm xưa giờ trở về với với cuộc sống bình dị, miệt mài lao động trên mảnh đất quê hương. Chúng tôi tìm về xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để thăm lại người thương binh Lê Văn Đông (SN 1966), anh là một trong 9 người lính bị bắt giữ sau sự kiện Gạc Ma và bị cầm tù hơn 3 năm tại Trung Quốc.

Anh Đông sinh ra và lớn lên tại xóm Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ vào năm 1985, công tác tại Trung đoàn Công binh 83 Hải Quân (nay là Lữ đoàn 83).


Cựu binh Lê Văn Đông (thứ 2 từ trái qua) trong một lần gặp lại đồng đội

Cựu binh Lê Văn Đông (thứ 2 từ trái qua) trong một lần gặp lại đồng đội

Vào đầu tháng 3/1988, anh Đông được đơn vị cho nghỉ phép về quê, trong dịp này, anh đã làm lễ cưới với chị Nguyễn Thị Thương, một người cùng quê. Chỉ sau ngày cưới đúng 1 ngày, Hạ sĩ Đông nhận được thông báo của đơn vị nên vội lên đường nhận nhiệm vụ.

“Tôi được đơn vị cho về nghỉ phép, công tác xa nhà, lâu lâu mới về nên tôi và vợ, lúc đó là người yêu cũng tranh thủ để làm cái lễ cưới nhỏ. Vừa tổ chức lễ cưới xong thì tôi nhận được điện từ đơn vị thông báo lên đường làm nhiệm vụ mới. Cũng từ đó tôi với vợ không được liên lạc gì cho đến khi Trung Quốc thả tự do”, anh Đông nhớ lại.

Anh Đông sau đó cùng nhiều đồng đội của mình di chuyển đến Quân cảng Cam Ranh, sẵn sàng lên tàu ra đảo Gạc Ma thực hiện nhiệm vụ xây dựng đảo.

Trận chiến không cân sức và những năm tháng lao tù

17h chiều 13/3/1988, tàu HQ 604 ra đến Gạc Ma, ngay sau đó có 3 tàu Trung Quốc xuất hiện và dùng loa yêu cầu những người lính Việt Nam rời khỏi đảo. Trước những yêu cầu vô lý từ phía tàu Trung Quốc, những người lính trên tàu HQ 604 vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Những tàu Trung Quốc này sau đó đã rời đi.

“Đêm 13/3/1988 hầu như không ai ngủ, người thì tiếp tục bốc hàng hóa trên tàu sang thuyền nhôm để đưa vào đảo, người thì theo dõi động tĩnh từ tàu Trung Quốc. Đến khoảng 6h sáng 14/3, những chiếc tàu của Trung Quốc tiếp tục quay trở lại. Sau đó lính Trung Quốc đã tràn lên đảo, giành giật cờ của mình. Phía Trung Quốc có trang bị súng chứ phía mình được có mấy khẩu thôi.

Khi tôi đang bốc hàng thì nghe tiếng súng nổ, họ bắn đồng chí Nguyễn Văn Phương khi anh đang giữ lá cờ đỏ sao vàng giữa đảo. Sau đó tàu Trung Quốc cũng nổ súng, pháo bắn xối xả về phía đảo và tàu HQ 604. Tôi bị trúng mảnh đạn vào lưng rồi lịm đi. Khi tỉnh dậy đồng đội hy sinh gần hết rồi, còn tàu thì đang chìm. Lúc đó, ai nổi lên trên mặt nước là bị bắn, tôi bám vào mảnh gỗ trôi trên biển khi tỉnh khi mê, không biết tàu Trung Quốc không thấy hay bắn trượt mà không bị dính đạn”, anh Đông tiếp.

Anh Đông với cuộc sống bình dị trên mảnh đất quê hương...
Anh Đông với cuộc sống bình dị trên mảnh đất quê hương...

Sau hơn 15 phút bán phá tàu HQ 604 và những người lính Việt Nam trên đảo Gạc Ma, tàu Trung Quốc đã rời đi. Cuộc chiến không cân sức đã làm 64 chiến sỹ của chúng ta hy sinh, trong đó Quảng Bình nhiều nhất với 13 người ngã xuống.

Hạ sĩ Lê Văn Đông may mắn với được mảnh gỗ và sau đó là chiếc áo phao tiếp tục trôi dạt trên biển với vết thương trên lưng. Cùng với anh Đông lúc này còn có hạ sĩ Nguyễn Văn Thống, quê tại Bố Trạch (Quảng Bình) cũng đang bị thương rất nặng. Đến 17h chiều ngày 14/3, anh Đông và anh Thống bị một tàu Trung Quốc bắt lên tàu.

Trên tàu Trung Quốc lúc này còn có 7 chiến sỹ khác bị bắt giữ và trói lại trên boong. 9 người lính của chúng ta bị bỏ đói, và đưa về đất liền Trung Quốc.

“3 ngày 3 đêm chúng tôi không được ăn uống gì, nhiều người bị thương cũng không được băng bó. Khi về đến đất liền Trung Quốc thì tôi cùng nhiều chiến sỹ bị thương khác được đưa đi mổ lấy mảnh đạn. Họ trói chúng tôi lại rồi mổ chứ không thuốc thang gì cả. Khi mổ xong họ đưa chúng tôi vào nhà giam rồi mới cho người một bát cháo loãng”, cựu binh Lê Văn Đông kể.


Chị Nguyễn Thị Thương ngay sau ngày cưới cho đến suốt hơn 3 năm sau đó, không hề nhận được dòng tin nào của chồng.

Chị Nguyễn Thị Thương ngay sau ngày cưới cho đến suốt hơn 3 năm sau đó, không hề nhận được dòng tin nào của chồng.

Trong thời gian bị cầm tù, anh Đông cùng các chiến sỹ khác nhiều lần bị đưa ra tra khảo, thế nhưng câu trả lời mà địch nhận được chỉ là “không biết”, “tôi mới nhập ngũ không rõ”.

Sau gần 3 năm rưỡi bị cầm tù, anh Đông cùng 8 chiến sỹ trên tàu HQ 604 mới được trả tự do và đưa trở về Việt Nam. Cũng từ đây anh Đông ra quân và trở về xã Tây Trạch, tiếp tục cuộc sống lao động bình dị trên mảnh đất quê hương.

“Những ngày nghe tin anh mất tích, nhiều chiến sỹ hy sinh tui đã nhiều đêm không ngủ được, cứ nghĩ rằng anh hy sinh rồi. Phải sau hơn 1 năm gia đình mới biết anh còn sống và đang bị cầm tù, hơn 3 năm sau thì vợ chồng mới gặp lại được nhau”, chị Thương, vợ cựu binh Lê Văn Đông chia sẻ.

Sau khi trở về, anh Đông và vợ lại miệt mài lao động, xây dựng kinh tế trên mảnh đất quê hương. Vợ chồng hiện đang đầu tư, trồng cao su trên diện tích 2ha. Bên cạnh đó gia đình anh cũng đang mở rộng mô hình chăn nuôi trang trại, thu nhập mỗi tháng cũng đạt gần 10 triệu đồng.

Tiến Thành - Đặng Tài