28 năm trận hải chiến Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2016):
“Đến khi chết, cha mẹ tôi vẫn đinh ninh chú Dương sẽ về”
(Dân trí) - Nghe thông tin trên Đài tiếng nói Việt Nam lẫn cả khi nhận được giấy báo tử, ông Phạm Văn Hược, bà Đặng Thị Hai vẫn không tin người con trai út Phạm Văn Dương đã hi sinh. Cả đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông bà vẫn đinh ninh con trai sẽ trở về.
Những ngày tháng 3, chúng tôi tìm về gia đình liệt sỹ Phạm Văn Dương (SN 1967, xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An). Những thông tin về liệt sỹ Dương được chắp nối qua hai người chị dâu và người anh trai bởi bố mẹ liệt sỹ Dương đã qua đời cách đây khá lâu.
Liệt sỹ Phạm Văn Dương là con út trong gia đình có 9 người con. “Nhà nghèo nhưng ông bà Hược cũng cố gắng cho con ăn học đến nơi đến chốn. Thằng Dương thì hiền lắm, lại siêng năng và thương cha mẹ. Đi học một buổi, một buổi hắn đi làm ruộng hay vào núi phát đất vỡ hoang. Học hết cấp 3 thì xung phong đi bộ đội, đã về thăm nhà được lần nào đâu…”, bà Nguyễn Thị Lân – chị họ liệt sỹ Dương nhớ lại.
Thời điểm anh Phạm Văn Dương nhập ngũ thì người anh trai Phạm Văn Luật cũng vừa kết thúc nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào. “Tháng 3/1986, chú Dương đi bộ đội thì cha mẹ cũng đã cao tuổi, người anh trai kế tôi cũng ốm yếu luôn. Lúc đó tôi đưa gia đình vào Nam làm kinh tế thì chú ấy nhắn về, nhờ tôi thay chú chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Được 2 năm sau thì gia đình nhận được tin dữ”, anh Luật kể.
Trong ký ức của mình, bà Đặng Thị Châu vẫn dành nhiều tình cảm cho người em trai chồng. “Chú ấy hiền lắm, thương cha mẹ, thương các cháu lắm. Thằng con đầu của tôi cũng do chú ấy đặt tên. Hôm chú ấy đi bộ đội, tôi đang mang thai cháu thứ hai. Được mấy tháng thì chú ấy viết thư về hỏi chị đã sinh cháu chưa, nhớ đặt tên cho cháu là Bắc. Hai anh em Miền – Bắc chị nhé, chị nhớ nói với các cháu là em thương các cháu nhiều lắm. Hôm nào về em sẽ mang san hô về làm quà cho các cháu.
Lúc đó chú ấy cũng có tình cảm trên mức bạn bè với một cô gái trong xóm nhưng hôm đi, chú ấy bảo “việc nước phải lo trước, bao giờ em về mới tính đến chuyện vợ con”. Giờ cô gái ấy đã yên bề gia thất còn chú ấy vẫn không biết đang nằm nơi mô”, người chị dâu đưa tay áo lên chấm nước mắt.
Anh Luật vẫn không thể quên được ngày 15/3/1988, hôm đó anh đi công việc trên ủy ban xã, nghe đài phát thanh phát đi thông báo về sự kiện xảy ra ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. “Tôi nghe người ta đọc danh sách các cán bộ chiến sỹ hi sinh và mất tích, trong đó có tên chú Dương. Tôi không tin vào tai mình nên đi hỏi lại những người cùng ở đó. Người ta khẳng định đúng là có tên chú Dương. Tôi không dám về nhà mà mượn xe đạp, đi đến nhà anh Nam (anh trai anh Luật) thông báo về tin vừa nhận rồi cùng nhau bàn bạc nói như thế nào để bố mẹ đừng sốc”.
Nhận tin dữ, ông Hược, bà Hai vẫn không tin là sự thật. “Người ta nhầm thôi, không có chuyện thằng Dương chết được, nó còn trẻ thế làm sao mà chết được. Nhà mình phúc to lắm, chắc thằng Dương bị người ta bắt đi thôi”. Người cha, người mẹ già nua ấy cố gắng bấu víu vào hi vọng mong manh đó để tin rằng con mình vẫn còn sống.
Ngày 18/3/1988, gia đình liệt sỹ Dương nhận được thư của Bộ Tư lệnh Hải quân. Trong thư viết “… ngày 14/3/1988 Trung Quốc đã cho nhiều tàu chiến có trang bị đại bác cỡ lớn và tên lửa khiêu khích, bắn cháy và bắn chìm 3 tàu vận tải 604, 605, 505 không có vũ trang của ta ở khu vực đá ngầm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Bằng những vũ khí tự vệ, cán bộ, chiến sỹ ta trên các tàu đã anh dũng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển và trên quần đảo Trường Sa.
Bộ Ngoại giao ta đã nhiều lần gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu họ phải rút ngay các tàu chiến và lực lượng của họ ra khỏi vùng biển nước ta, phải chấm dứt ngay những hành động khiêu khích để các tàu cứu hộ mang cờ chữ thập của ta đến tìm kiếm người mất tích. Trong khi tàu chiến Trung Quốc uy hiếp, đe dọa và khiêu khích, các tàu cứu hộ của ta bất chấp hiểm nguy, bất chấp hi sinh, không kể gian khổ vất vả, ngày đêm bằng mọi biện pháp tìm kiếm, cấp cứu đồng chí mình bị nạn. Nhưng đến đây vẫn còn 76 đồng chí đang bị mất tích, trong đó có đồng chí Phạm Văn Dương là con em của gia đình ta…”.
Trong bức thư của Bộ tư lệnh Hải quân cũng khẳng định “…Tổ quốc ta, nhân dân ta và gia đình ta “khắc cốt ghi xương” tội ác mới man rợ của nhà cầm quyền Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa, viết thư gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vạch mặt và phản đối hành động xâm lược trắng trợn chủ quyền lãnh thổ nước ta, yêu cầu họ phải rút ngay lực lượng quân sự ra khỏi vùng biển nước ta, tiến hành đàm phán để giải quyết những tranh chấp về quần đảo Trường Sa và trao trả ngay cho ta những người mà họ bắt được”.
Đến ngày 22/5/1989, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Dương. Mặc dù vậy, ông Hược, bà Hai vẫn đinh ninh rằng anh Dương không thể chết, anh sẽ trở về với bố mẹ, với gia đình. Mặc dù vậy, cú sốc lớn khiến ông Hược nằm liệt giường, 4 năm sau ông mất.
“Trước khi mất, cha tôi vẫn tin chú Dương đang còn sống. Ông bảo chú ấy nhất định sẽ trở về… Nhưng gần 30 năm trôi qua rồi, chúng tôi không có bất kỳ thông tin gì của chú ấy”, anh Luật tâm sự.
28 Tết năm 2000, cụ bà Đặng Thị Hai cũng qua đời khi vẫn canh cánh trong lòng số phận của người con trai út mà bà hết mực yêu thương. Trước khi về với tổ tiên, bà Hai chỉ dặn dò các con cố gắng dò hỏi tin tức về Dương rồi nhắm mắt xuôi tay. Lời trăng trối của bà Hai vẫn là nỗi trăn trở của anh Luật, của bà Lan, bà Châu và các cháu. Một dạo, niềm hi vọng được thắp lên khi có đoàn về lấy máu của anh Luật và một người anh trai cùng mẹ khác cha của liệt sỹ Dương để kiểm tra ADN cho số hài cốt tìm kiếm được ngoài khơi.
“Từ đó đến nay cũng không thấy người ta báo kết quả, có lẽ chú Dương không ở trong số đó. Tôi nghe các đồng đội của chú Dương kể lại, khi sự việc xảy ra, chú ấy đứng trên boong tàu, có thể đã rơi xuống biển rồi. Chỉ mong một ngày sớm nhất gia đình được đón chú ấy trở về, để hương hồn cha mẹ có thể ngậm cười nơi chín suối”, anh Luật buồn bã.
Hoàng Lam