Quốc hội với kỳ họp của những thay đổi lớn về nhân sự

(Dân trí) - Hôm nay (23/10), kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Ngay trong tuần đầu của kỳ họp quan trọng này, đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn các Tờ trình thay đổi nhân sự, trong đó ít nhất có 2 sự thay đổi về nhân sự thành viên Chính phủ. Đây là những sự thay đổi lớn về tổ chức nhân sự so với nhiệm kỳ trước.

Quốc hội với kỳ họp của những thay đổi lớn về nhân sự - 1

Cụ thể, theo dự kiến chương trình kỳ họp, chiều ngày 24/10, Quốc hội sẽ nghe đọc Tờ trình về miễn nhiệm nhân sự và thảo luận về Tờ trình này. Chỉ một ngày sau (25/10), Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm nhân sự và tiếp tục nghe báo cáo về bổ nhiệm nhân sự thay thế. Việc phê chuẩn nhân sự mới được thực hiện vào chiều ngày cuối tuần (27/6) và được công bố công khai cùng ngày.

Dù trong chương trình dự kiến không nói rõ những vị trí nhân sự sẽ thay đổi nhưng ít nhất, có thể khẳng định, trong những dự kiến thay đổi nhân sự kỳ này là có việc miễn nhiệm chức vụ thành viên Chính phủ tại Bộ Giao thông Vận tải và Thanh tra Chính phủ.

Như Dân trí đã đưa tin trong nhiều bản tin trước đó: Với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thay cho ông Nguyễn Xuân Anh (đã bị cách chức). Còn tại Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cũng vừa có đơn xin thôi chức vào cuối tuần qua.

Như vậy ít nhất, ngay tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ phải xem xét, phê chuẩn thay đổi nhân sự tại 2 cơ quan trên: Hai người được miễn nhiệm và 2 người mới được bầu, phê chuẩn làm tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải và tân Tổng Thanh tra Chính phủ.

Có thể nói, kỳ họp cuối năm của Quốc hội đã "nóng" ngay từ tuần đầu với những thay đổi trên. Nếu so sánh với nhiệm kỳ Chính phủ khóa trước-một khóa hầu như không có sự thay đổi nhân sự nào giữa chừng thì ở nhiệm kỳ này, việc thay đổi cùng lúc một số nhân sự tại 2 bộ, ngành trên là sự thay đổi lớn.

Nguyên nhân của những thay đổi nhân sự đó thì có vị trí đã khá rõ ràng (Bộ Giao thông Vận tải) nhưng với Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Phan Văn Sáu xin nghỉ với lý do sức khỏe và gia đình có thể sẽ được giải đáp khi Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn trong Tờ trình trước Quốc hội.

Thế còn các vị trí Bộ trưởng- "tư lệnh ngành" khác thì sao? Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020 đến nay đã gần nửa nhiệm kỳ, có những lĩnh vực có sự tiến bộ nhất định nhưng cũng có những bộ, ngành, sự chuyển biến trong các lĩnh vực do Bộ, ngành đó phụ trách còn chậm. Nhưng Quốc hội sẽ xem xét những tiến bộ, yếu kém của từng lĩnh vực như thế nào để có thể "chấm điểm", đánh giá năng lực, khả năng điều hành của từng vị Bộ trưởng, trưởng ngành?

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội sẽ dành khá nhiều thời gian thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, thực hiện công tác giám sát tại chỗ bằng hình thức chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ về những vấn đề nổi bật mà cử tri quan tâm qua các ý kiến, kiến nghị gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Qua các phiên thảo luận, chất vấn này và kết quả các cuộc kiểm tra, giám sát trước đó, Quốc hội sẽ phần nào đánh giá những tiến bộ, hạn chế trong từng lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục... và vai trò, năng lực điều hành của từng vị Bộ trưởng sẽ phần nào được thể hiện.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, đến nay, vẫn chưa có thêm những biện pháp giám sát, đánh giá về hiệu quả thực tế công tác điều hành, chỉ đạo của các vị Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ ngoài những biện pháp "truyền thống trên".

Còn nhớ, trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa trước, việc bỏ phiếu tín nhiệm với nhiều chức danh trong bộ máy nhà nước, trong đó có cả các thành viên Chính phủ được tiến hành thường xuyên hơn (dù cách thức bỏ phiếu còn gây nhiều tranh cãi) nhưng ít nhiều gây sức ép nhất định lên trách nhiệm của các vị Bộ trưởng trên lĩnh vực phụ trách của mình.

Và ngay cả khi có những biện pháp như vậy, đến hết nhiệm kỳ, cơ quan thanh tra, kiểm tra mới phát hiện có những vị "nguyên" Bộ trưởng có rất nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng như nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng mà sau đó, ông Hoàng khi về hưu mới bị xử lý.

Trong khi kỳ họp Quốc hội lần này, biện pháp bỏ phiếu tín nhiệm cũng chưa được thực hiện thì đây là điều có lẽ khiến không ít cử tri sẽ băn khoăn.

Mạnh Quân