Những “con chuột chạy cùng sào” và sự lựa chọn “ngoài ra” !
(Dân trí) - Xin được “gửi lời chia buồn sâu sắc” đến ngành sư phạm, nơi ươm những mầm non của Tổ quốc. Ôi!. Tương lai đất nước sẽ đi về đâu trong thời đại khoa học kỹ thuật 4.0 này khi mà sư phạm vẫn là nghề của những “con chuột chạy cùng sào”, là sự lựa chọn “ngoài ra” khi không còn sự lựa chọn nào khác?
Cho được nói ngay, đó là cảm giác ngỡ ngàng khi biết điểm chuẩn của hai ngành rất quan trọng trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua. Trong đó, nhiều trường sư phạm lấy bằng điểm chuẩn (15,5).
Riêng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), các ngành đào tạo Tin học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hóa học điểm qui chuẩn là 12,75. Trong khi điểm chuẩn cao nhất là các trường thuộc lực lượng công an (29,5 điểm).
Xin chúc mừng lực lượng Công an đã tuyển chọn những thí sinh ưu tú nhất để phục vụ cho một ngành rất cần tài năng và trí tuệ.
Ngược lại, xin được “gửi lời chia buồn sâu sắc” đến ngành sư phạm, nơi ươm những mầm non của Tổ quốc. Nơi khởi đầu có tính quyết định sự tồn vong, hưng thịnh của một đất nước.
Thật ra, đây không phải lần đầu, ngành sư phạm bị “rẻ rúng”. Từ những năm giữa thế kỉ trước (XX), trong thế giới học đường đã từng truyền tụng các câu như “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” hay “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, ngoài ra Sư phạm”…
Để khắc phục tình trạng “chuột chạy cùng sào” này, cách đây ít lâu, Nhà nước đã có chính sách miễn học phí nhằm thu hút sinh viên.
Công bằng, chính sách “khuyến mại” này lúc đầu tỏ ra có tác dụng. Điểm vào các trường sư phạm tuy không cao nhưng cũng không đến mức thê thảm như hiện nay.
Vậy vì sao một ngành nghề cao quý, được xã hội tôn vinh là “thầy”, theo quan niệm của người Việt Nam xưa thì “Sư phụ như huynh… Thầy dạy như cha” lại “hạ giá” đến như vậy?
Có lẽ có ba lý do chính.
Thứ nhất, là khâu đầu ra. Không hiểu sao đây là ngành đầu “cầu” rất lớn nhưng lại rất khó xin việc làm. Chen chân vào được nơi nào đó được coi như “kỳ tích”. Vả lại, có chỗ “ngon” nào thì thành phần 4 ệ “làm cả”.
Thứ hai, thu nhập thấp. Trừ những thầy cô giáo ở các trung tâm kinh tế thì lương của giáo viên thấp, rất thấp. Sinh viên mới ra trường dao động từ 2,4 – 3,5 triệu đồng/tháng tùy theo từng vùng.
Trong khi đó, lương công nhân bình thường tại các khu công nghiệp từ 3,5 – 4,5trđồng/tháng, có nơi 6-7tr/tháng.
Nói cách khác, thu nhập của một giáo viên 30 ngày chỉ bằng lương ông thợ xây khoảng 15 ngày.
Trong khi ngày xưa, các cụ ta có câu: “Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng”. Giờ thì ngược lại!
Thứ ba, qua tìm hiểu tâm tư giáo viên, thời gian gần đây, giáo dục “được” coi là “nghề nguy hiểm” bởi áp lực xã hội, chỉ một sơ xuất nhỏ làm phật lòng phụ huynh là mất việc như chơi. Thậm chí, đã không ít thầy cô “nuốt cay đắng vào lòng” vì sợ… học trò.
Đó là chưa kể theo dư luận, “giá sàn” để vào nghề này khá cao.
Trong khi ai cũng biết nghề “trồng người” là vô cùng quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào. Ông Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nói đại ý “Thất bại trong giáo dục là thất bại toàn diện”. Mà trong giáo dục, yếu tố then chốt, có tính chất quyết định là người thầy. “Không thầy đố mày làm nên”.
Con người như cái cây. Một hạt giống tốt chưa đủ, một thời tiết tốt chưa đủ, một mảnh đất tốt cũng vẫn chưa đủ nếu thiếu một bàn tay chăm sóc tốt.
Ôi! Tương lai đất nước sẽ đi về đâu trong thời đại khoa học kỹ thuật 4.0 này khi mà sư phạm vẫn là nghề của những “con chuột chạy cùng sào”, là sự lựa chọn “ngoài ra” khi không còn sự lựa chọn nào khác?
Bùi Hoàng Tám