Dự án làm xấu bộ mặt TPHCM được "thay áo" rồi lại tháo dỡ một phần
(Dân trí) - Từ khi được khởi công xây dựng đến nay đã 16 năm, dự án Saigon One Tower vẫn chưa xong. Sau khi được công ty thuộc Vạn Thịnh Phát thay kính, dự án này giờ cũng chưa rõ sẽ ra sao.
Hồ sơ dự án làm xấu bộ mặt TPHCM
Cùng với 2 công trình khác là tòa tháp SJC và Lavenue Crown, Saigon One Tower từng bị lãnh đạo TPHCM chỉ ra là một trong 3 dự án làm xấu bộ mặt TPHCM. Cả 3 dự án này đều tọa lạc trên những mảnh "đất vàng" trung tâm quận 1.
Được khởi công xây dựng từ năm 2007, Saigon One Tower có chiều cao theo thiết kế là 195m (41 tầng), từng trong top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam và top 3 tòa nhà cao nhất TPHCM sau Bitexco Financial Tower và Vietcombank Tower (khi chưa có Landmark 81). Với vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, tọa lạc góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt, dự án từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng kiến trúc của thành phố hoa lệ.
Ban đầu, dự án do Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư, liên doanh của Công ty cổ phần M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ. Dự án dự kiến được hoàn thành năm 2009 nhưng sau đó, đến năm 2011 thì dự án dừng thi công dù đã được hoàn thiện phần thô.
Toàn bộ dự án này từng là tài sản thế chấp cho khoản vay tín dụng tính cả gốc và lãi đến năm 2017 hơn 7.000 tỷ đồng tại MSB và DongA Bank, trở thành khoản nợ xấu, thuộc một vụ án hình sự, đã được Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) thu giữ năm 2017.
Từ đó đến nay, dự án trải qua nhiều lần "giông gió". Năm 2019, VAMC từng công bố sẽ đem đấu giá dự án với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng nhưng đến nay chưa thực hiện.
Thời điểm này, bàn về cách "giải cứu" để dự án thoát khỏi cảnh bỏ hoang, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) - nói đây là trường hợp điển hình về cách xử lý nợ xấu là tài sản bất động sản. Ông Châu cho rằng nếu đấu giá (năm 2019), thời gian sử dụng đất còn lại của dự án chỉ còn 29 năm (trừ đi 11 năm do đã có quyết định giao đất năm 2008). Vì vậy, giá trị của dự án đã bị giảm đi và kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Do đó, cần bổ sung cách tính thời hạn sử dụng đất từ thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thuộc loại đất được giao, thuê đất có thời hạn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận). Ví dụ, dự án có thời hạn sử dụng đất 50 năm, bị "trùm mền" 10 năm được chuyển nhượng thì đề nghị cho bên nhận chuyển nhượng được sử dụng đất 50 năm.
Ngoài ra là cần bổ sung cách tính thời hạn sử dụng đất từ thời điểm trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc loại đất được giao, thuê đất có thời hạn thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, bao gồm cả trường hợp đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản "nợ xấu". Như dự án Sài Gòn One Tower nếu được tính lại thời hạn 50 năm kể từ ngày trúng đấu giá, thì giá khởi điểm đấu giá có thể được xác định cao hơn 6.110 tỷ đồng, đảm bảo được lợi ích các bên có liên quan, trong đó có lợi ích của ngân hàng có tài sản bảo đảm của khoản "nợ xấu" và hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Khi câu chuyện "giải cứu" Saigon One Tower chưa ngã ngũ, buổi đấu giá cũng chưa được thực hiện thì năm 2020, một doanh nghiệp trong nước có đăng ký với UBND TPHCM, xin đầu tư dự án. Nhưng khi đó, thực lực doanh nghiệp này cũng là vấn đề cần xem xét khi tài sản chưa tới 9 triệu đồng, vốn thực góp chỉ khoảng 10 triệu đồng, tính tới cuối năm 2019.
Sự xuất hiện của Viva Land và câu chuyện chỉ thay kính cho dự án
Năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Viva Land xuất hiện với cái tên là đơn vị quản lý và phát triển dự án. Dự án cũng được đổi tên thành IFC One Saigon với biển hiệu bên ngoài "The one the only", thể hiện giá trị "là một là duy nhất".
Viva Land được biết đến là một thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cùng với việc xuất hiện tại IFC One Saigon, Viva Land còn tăng sự hiện diện ở nhiều dự án hạng sang trên đất vàng TPHCM như One Central HCM đối diện chợ Bến Thành… Viva Land cũng giới thiệu trên website nhiều dự án đình đám khác thuộc danh mục quản lý, phát triển như dự án Mũi Đèn Đỏ (quận 7, TP HCM), tòa nhà văn phòng Capital Place có giá 550 triệu USD ở Hà Nội, 2 ô đất tại siêu dự án Đảo Tuần Châu (Quảng Ninh)…
Sau khi về tay Viva Land, IFC One Saigon được thay toàn bộ lớp kính bên ngoài. Khi đó, nhiều thông tin về việc dự án được tái khởi động, song thực tế thì phía doanh nghiệp chỉ thực hiện thay kính bên ngoài.
Một số diễn đàn khi đó còn cho biết dự án sẽ được tiếp tục triển khai và bán với giá 1 tỷ đồng/m2 cho sản phẩm căn hộ. Tưởng rằng dự án sẽ được khởi công trở lại nhưng Sở Xây dựng TPHCM cho biết công trình đã ngưng thi công nhiều năm dẫn đến khả năng các khung kính chịu lực kém, gây mất an toàn cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Vì vậy, TPHCM cho phép chủ đầu tư lắp khung kính mới nhằm chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn cho người dân và phải xong trước 1/9/2022. Các hạng mục khác, chủ đầu tư không được làm vì hiện dự án này đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Số phận của IFC One Saigon vẫn "đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ" thì tháng 10/2022, một số lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT.
Theo ghi nhận của Dân trí tại ngày 20/4, dự án đã bị tháo lớp kính ở 6 tầng bên dưới tòa nhà. Lớp kính bên trên vẫn được giữ nguyên. Công trình khóa cửa im ỉm, bên trong không bóng người, vật liệu ngổn ngang. Một số ý kiến cho rằng các lớp kính bên dưới không phải bị chủ động tháo dỡ mà do bị vỡ nên cần được thi công lại, việc này xảy ra tháng 9/2022, trước khi lãnh đạo Vạn Thịnh Phát bị bắt.
IFC One Saigon không phải trường hợp "đứng hình" ngoại lệ trong nhóm các dự án Viva Land nói riêng và của Tập đoàn Vạn Phát nói chung sau biến cố của những người lãnh đạo. Dự án One Central HCM đối diện chợ Bến Thành đã bị thay thế hoàn toàn tên Viva Land ở biển hiệu bên ngoài công trình. Căn biệt thự 35 triệu USD tại Võ Văn Tần, quận 3 cũng dừng trùng tu, cải tạo…