Xe biển xanh, biển đỏ không có quyền "đòi" ưu ái được vi phạm giao thông!

(Dân trí) - Xe biển xanh, biển đỏ đang bị một số đối tượng lợi dụng “đòi” quyền ưu tiên; phát hiện xe mang logo báo chí giả để trục lợi cá nhân. Luật sư khẳng định, xe công vụ vẫn phải tuân thủ theo quy định của của pháp luật khi tham gia giao thông; dùng logo báo chí giả sẽ bị phạt nặng.

Lâu nay, nhiều người vẫn hiều ngầm xe biển xanh, biển đỏ là xe được ưu tiên. Trên thực tế mỗi khi lưu thông trên đường, không chỉ người dân mà ngay cả những người nắm quyền điều hành, kiểm soát giao thông nếu gặp phải những xe này cũng ngại va chạm và “né” xử lý những xe kiểu này nếu có vi phạm.

Cũng chính vì những “đặc quyền” đó nhiều đối tượng lợi dụng điều này đã “hô biến” biển kiểm soát (BKS) xe cá nhân thành xe biển xanh, thậm chí dùng BKS giả để có thể dễ dàng đối phó với cảnh sát giao thông cũng như “đòi” quyền ưu tiên. Không chỉ mang biển kiểm soát giả, chủ xe còn gắn thêm logo của các cơ quan Báo chí, Bộ Công an…. Tình trạng xe tư nhân mang BKS giả, BKS của các cơ quan công quyền và hoặc gắn logo các cơ quan báo chí, Bộ Công an lưu thông trên đường đang gây dư luận xấu.

PV Dân trí có buổi trao đổi về vấn đề này với Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng luật sư Interla - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) Luật sư Nguyễn An, Hãng Luật Cộng Đồng:


Xe biển xanh vi phạm bị CSGT Hà Nội xử phạt nghiêm khắc. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Xe biển xanh vi phạm bị CSGT Hà Nội xử phạt nghiêm khắc. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Thưa luật sư Trương Quốc Hòe, xin ông cho biết, theo quy định của pháp luật thì những xe nào thuộc đối tượng được cấp biển xanh?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Về việc cấp biển số xe được quy đinh tại thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ công an về đăng ký xe. Theo quy định tại Điều 31 Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ công an về đăng ký xe thì những xe được cấp biển xanh bao gồm:

“6. Biển số xe của cơ quan, tổ chức trong nước

a) Biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe của các cơ quan của Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các Ban chỉ đạo Trung ương; Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập; Ban quản lý dự án có chức năng quản lý nhà nước.

b) Biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng có ký hiệu “CD” cấp cho xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân sử dụng vào mục đích an ninh.”

Nhìn vào quy định trên có thể thấy, những xe thuộc đối tượng được cấp biển xanh đều là xe của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính sự nghiệp của nhà nước và phục vụ vào mục đích “công” nên thường được gọi là xe công. Hiện nay tôi chưa thấy có quy định nào về việc cấp biển xanh cho xe tư nhân cả.

Thông tư này cũng nêu rõ, việc sản xuất, cung cấp biển số xe được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan đăng ký xe. Các cơ sở sản xuất biển số, Công an các địa phương có điều kiện đầu tư dây chuyền sản xuất biển số xe và được Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội – Bộ Công an kiểm tra, nghiệm thu đạt tiêu chuẩn quy định thì được phép sản xuất biển số xe. Biển số xe phải được quản lý chặt chẽ theo chế độ quy định.

Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện việc cấp biển xanh cho những đối tượng trên?

Luật sư Trưởng Quốc Hòe: Xe biển xanh là xe công vụ, được cấp cho một số cơ quan, tổ chức theo quy định. Tuy nhiên việc đăng ký biển số xe vẫn được thực hiện như đối với các loại phương tiện giao thông khác và được quy định cụ thể tại Điều 3, thông tư 15/2014/TT-BCA. Theo quy định tại Điều luật này thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký xe bao gồm: Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt của Bộ Công an; Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an tỉnh; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Theo quy định, trách nhiệm của cơ quan và cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe là phải thực hiện đúng quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác đăng ký xe. Nghiêm cấm quy định thêm các thủ tục đăng ký xe trái quy định, cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe phải kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ với thực tế xe

Xe biển xanh, biển đỏ không có quyền "đòi" ưu ái được vi phạm giao thông! - 2

Theo đúng luật xe biển xanh có phải là xe ưu tiên khi tham gia giao thông?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Luật giao thông đường bộ đã quy định rất rõ về các đối tượng xe ưu tiên. Theo đó, trong một số trường hợp, xe biển xanh là xe ưu tiên. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rõ là chỉ trong một số trường hợp (được quy định trong luật), còn ngoài những trường hợp được quy định thì người điều khiển xe biển xanh cũng vẫn phải tuân thủ nghiêm các quy định về giao thông đường bộ như chủ các phương tiện khác. Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe như sau:

“1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật, xe đi làm nhiệm vụ (biển xanh) mà không có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định thì vẫn phải tuân thủ theo quy định của Luật giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Thưa Luật sư Nguyễn An, mức xử phạt và hình thức xử phạt đối với những đối tượng cố tình sử dụng xe biển xanh vào mục đích cá nhân, thậm chí sử dụng biển số giả khi lưu thông phương tiện giao thông?

Luật sư Nguyễn An: Theo các quy định của pháp luật, chủ xe phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đăng ký xe; có hồ sơ xe theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của xe và hồ sơ đăng ký xe; đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra và nộp lệ phí đăng ký, cấp biển số xe theo quy định. Trường hợp chủ xe cố tình vi phạm, có thể áp dụng quy định tại khoản 5 điều 16 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó phạt tiền từ bốn triệu đồng đến sáu đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:

“d) Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;”

Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là: Bị tịch thu biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng;

Ngoài ra, cần áp dụng thêm quy định tại khoản 2 điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì mức xử phạt trong trường hợp này có thể được xác định là: “Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô” khi không thực hiện đúng quy định về biển số. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện đúng quy định về biển số.


Luật sư cảnh báo xe gắn logo , phù hiệu giả sẽ bị xử phạt nặng.

Luật sư cảnh báo xe gắn logo , phù hiệu giả sẽ bị xử phạt nặng.

Đã có một số sự việc bị phát hiện đối tượng không phải nhà báo dùng logo báo chí giả, thẻ nhà báo giả lưu thông trên đường. Với những trường hợp này, hình thức xử phạt ở mức nào?

Luật sư Nguyễn An: Thủ đoạn của các đối tượng này là gắn các dạng bìa cứng, tương đương khổ A4 in chữ Bộ Công an kèm theo BKS xe ô tô có in chéo màu đỏ theo khổ giấy, các phù hiệu này được cấp cho cán bộ đang công tác trong Bộ Công an để xe thuận tiện cho công tác bảo vệ, không có tác dụng thay thế cho nhân thân người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Còn đối với xe để phù hiệu báo chí, các đối tượng sử dụng logo của các cơ quan báo chí tên tuổi gắn vào xe, đây là loại phù hiệu cấp cho xe phục vụ báo chí thuận tiện khi tham gia giao thông tùy từng kỳ cuộc như họp Quốc hội, diễn ra các sự kiện lớn…

Người sử dụng phù hiệu, logo giả của các cơ quan nhà nước để tham gia giao thông thuận tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự, cụ thể tội danh này được quy định như sau:

“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

A) Có tổ chức; B) Phạm tội nhiều lần; C) Gây hậu quả nghiêm trọng; D) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”

Thực tế cho thấy ngày càng nhiều đối tượng sẵn sàng làm giả BKS công vụ, hoặc logo giả và coi như “lá bùa hộ mệnh” nhằm nhận ưu tiên khi lưu thông phương tiện. Thiết nghĩ cơ quan CSGT cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các phương tiện. Đồng thời xử nghiêm, xử nặng nếu có vi phạm, dù người điều khiển phương tiện là ai, của cơ quan nào.

Cảm ơn các Luật sư!

Thanh Trầm (ghi)