Trả lại con sông thơ mộng cho Hà Nội

Trong nội thành Hà Nội xưa và trong “đô thị hạt nhân” của Thủ đô chúng ta ngày nay, sông Tô Lịch vốn là một con sông huyền thoại có ý nghĩa lịch sử sâu đậm trong tâm thức người Việt mình.

 
Trả lại con sông thơ mộng cho Hà Nội - 1

Đội quản lý sông cử người chèo thuyền đi vớt rác theo suốt dọc sông (hình1)
 
Chuyện kể rằng Nhà Vua Lý Thái Tổ (khi dời Đô Hoa Lư Ninh Bình về Hà Nội), đã từng đi thuyền trên con sông này. Người có ngự thuyền tại vùng chợ Bưởi (bên sông Tô Lịch) và được nhân dân ở đây chào đón hân hoan… Cảm động trước tấm lòng của đồng bào, Vua Lý Thái Tổ đã đặt tên Nghĩa Đô cho dải đất bên sông ở vùng chợ Bưởi (bây giờ thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
 
Nước sông Tô Lịch ngày xưa trong lành, đầy chất lãng mạn và nên thơ:
           
          “Nước sông Tô vừa trong vừa mát

            Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”…

Song, đã hơn 20 năm rồi (chứ không phải hơn 10 năm như một tác giả nêu) nước sông Tô Lịch bị đục đen như nước điếu thuốc lào và liên tục bốc mùi hôi kinh khủng, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống ở Hà Nội. Mặc dù có những khúc sông đã được xây kè đá 2 bên bờ, đồng thời hàng ngày Đội quản lý sông (thuộc Công ty Thoát nước) cử người chèo thuyền đi vớt rác theo suốt dọc sông (xem trong ảnh 1)…; nhưng như thế mới chỉ giải quyết được “phần ngọn” của việc làm sạch nước sông.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Vì lý do từng ngày, từng giờ đang tồn tại (và còn tiếp tục gia tăng) những lỗ ống cống chẩy nước bẩn thải ra sông (xem trong ảnh 2) và thậm chí khá nhiều các cửa cống cỡ bự thải thẳng nước nhiễm bẩn đủ loại xuống lòng sông , thì việc chèo thuyền vớt rác nêu trên không thể trả lại sự trong lành cho nước sông vốn bị ô nhiễm trầm trọng.

Nước sông bị ô nhiễm như thế, chả lẽ Hà Nội chịu bó tay? Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, trong đa số chúng ta đều rất hoan nghênh ý tưởng hồi sinh sông Tô Lịch. Và nếu xếp theo hàng dọc kế hoạch đầu tư, dự án hồi sinh sông Tô Lịch nhất định phải đứng trước dự án xây dựng tuy-nen (đường hầm) xuyên qua dưới đáy sông Hồng (nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên).
 
Trả lại con sông thơ mộng cho Hà Nội - 2

Những lỗ ống cống chẩy nước bẩn thải ra sông... (hình 2)


Tuy nhiên để ý tưởng, dự án hồi sinh sông Tô Lịch không viển vông-phi thực tế, thì chúng ta phải có phương án khả thi, giải quyết được “phần gốc” của việc làm sạch nước sông.

Chẳng hạn, có thể thiết kế hệ thống cống công cộng chạy dọc ngầm dưới hè đường, suốt 2 bên bờ sông, để cho tất cả các lỗ cống có đường kính nhỏ chảy vào (hệ thống cống công cộng) và qua các ga xử lý nước thải-trước khi chảy xuống lòng sông. Đối với những cống cỡ bự, cần thiết kế ga xử lý nước thải tại phía trước cửa cống, rồi mới cho chảy ra sông.

Việc xác định kích thước, cấu tạo cũng như “quy trình công nghệ” các ga xử lý nước thải ra sao-thuộc về cơ quan chức năng, khi có chủ trương kế hoạch lập dự án hồi sinh sông Tô Lịch. Với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật thế kỷ 21, tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải xây dựng những nhà máy xử lý nước thải thật đồ sộ, cồng kềnh. Mà chỉ cần giao cho cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư, cùng những công xưởng, xí nghiệp gây ra “nguồn nước thải bẩn” 2 bên sông chịu trách nhiệm lắp đặt các ga xử lý nước thải có “quy trình công nghệ” hiện đại, cũng giải quyết được “tận gốc” vấn đề hồi sinh sông Tô Lịch. Không những thế, 3 con sông: Kim Ngưu, Lừ và Sét cùng với 116 hồ tại Hà Nội cũng có thể ứng dụng được phương án hồi sinh sông Tô Lịch.

Và ước gì từ năm nay- kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đến năm 2015, chúng ta sẽ hồi sinh sông Tô Lịch huyền thoại để nhân dân Hà Nội được thưởng ngọan vẻ đẹp và sự trong lành vốn có của nó, hơn nữa điều đó còn phần cải thiện môi trường sống ở Thủ đô.

Mong rằng trong tương lai không xa, sông Tô Lịch lại “vừa trong, vừa mát”, tấp nập du khách bơi thuyền trên sông vào những ngày nghỉ, nhất là những đêm trăng, để thưởng thức cảnh thơ mộng lãng mạn mà cha ông ta đã từng được thưởng thức.

 

                                                             Nguyễn Thành Lập

                                                                        Hà Nội

           

LTS Dân trí- Ý tưởng đề xuất của tác giả viết bài trên đây vừa thể hiện tính lãng mạn vừa có ý nghĩa hiện thực, và chắc chắn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thủ đô, nhất là những người sống dọc theo hai bên bờ sông.

Tất nhiên việc thực hiện ý tưởng này không đơn giản và cũng tốn kém không ít. Nhưng thiết nghĩ có nhiều dự án triển khai cho thủ đô mở rộng còn tốn kém hơn. Mong rằng các cấp, các ngành có trách nhiệm và đủ thẩm quyền xem xét nên quan tâm tới ý tưởng đề xuất này và nếu thấy hợp lý và có tính khả thi thì nên đua vào kế họach triển khai để trả lại con sông có tính huyền thọai của thủ đô ta.