Phản hồi bài viết: Máu nhân đạo cần minh bạch

(Dân trí) - Tôi là sinh viên năm thứ 6 trường đại học y Hà Nội. Là người đã có nhiều lần đi hiến máu nhân đạo (HMNĐ) và từng bỏ nhiều công sức để vận động mọi người tha gia HMNĐ, tôi không khỏi có nhiều suy nghĩ trước bài viết của bạn.

Trước hết, tôi chia sẻ vói bạn rằng, HMNĐ làmột trong những chỉ số cao nhất phản ánh lòng nhân ái của mỗi con người. Tôi tin tưởng rằng, không chỉ nhân dân ta, mà là mọi dân tộc trên thế giới, đâu đâu người ta cũng sẵn sàng hiến máu để cứu sống đồng loại mình.

Nhưng tại sao ở Việt Nam vẫn thiếu máu và ít nguời HMNĐ? Tôi nghĩ rào cản lớn nhất là ở niềm tin của mọi người đối với phong trào HMNĐ nói riêng và đối với ngành y tế nói chung, mọi người vẫn luôn tự đặt những câu hỏi như: Liệu máu cuả mình có đựoc dùng cho những người thực sự cần nó và đuợc sử dụng thực sự nhân đạo hay không?

1. Có cần thiết phải minh bạch thông tin trong HMNĐ và minh bạch những thông tin gì?

Bản thân tôi đã 9 lần HMNĐ, và mỗi lần HMNĐ tôi đều tự nhủ rằng, HMNĐ là việc làm trước hết tốt cho chính mình, vì nó giúp làm đẹp cho tâm hồn mình và giúp tự giáo dục mình luôn biết sống hướng thiện.

Chính vì thế mà tôi không cần quan tâm xem cụ thể là ai được nhận nguồn máu từ mình. Tôi không cần một sự hàm ơn của người nhận máu phải giành cho mình.

Và tôi biết rằng, máu của tôi sẽ cứu được, dù là người giàu hay người nghèo thì cũng đều dáng quý cả. Tôi hoàn toàn tự nguyện hiến đi một phần máu của mình vào ngân hàng máu.

Hoàn toàn tự nguyện, không đòi hỏi sự hàm ơn hay yêu cầu về vật chất là yêu cầu cực kỳ cần thiết để có được những đơn vị máu an toàn.

Người đi hiến máu mà vì những lợi ích kinh tế, hay những mưu toan cá nhân, hoặc đôi khi là sự cả nể sẽ đem lại những đơn vị máu không an toàn. Bởi vì nó đã bỏ qua sự kiểm tra đầu tiên của chính những người đi HM, là phải thực sự khoẻ mạnh và không có yếu tố nguy cơ thì hãy đi HMNĐ.

Nhiều khi những người không hoàn toàn tự nguyện sẽ bỏ qua những yếu tố nguy cơ (ví dụ: mới quan hệ tình dục không an toan -> nhiễm HIV ở giai đoạn của sổ, lúc này thì xét nghiệm HIV không phát hiện ra đựơc) và như thế người bệnh sẽ có thể phải nhận thêm mầm bệnh vào mình. Truyền máu là con dao hai lưỡi là vì như vậy.

Hiến đi một phần máu của mình là một việc làm đầy ý nghĩa và đáng trân trọng. Nó đáng được "biết ơn". Nhưng những người đã hoàn toàn tự nguyện đi HMNĐ thì không bao giờ cần sự hàm ơn ấy cả. Và cũng không bao giờ muốn người nhận nó phải chịu sự hàm ơn. Sự hàm ơn khi nhận máu là một gánh nặng đối với bệnh nhân, mà tôi tin là nó nặng hơn gánh nặng vật chất rất nhiều.

Do đó tôi nghĩ rằng không cần thiết, và cũng không nên minh bạch thông tin về người cho máu cũng như ngưòi nhận máu. Miễn sao hãy có đựơc những đơn vị máu an toàn cho người bệnh là được rồi.

2. Tại sao người bệnh lại phải mua máu, có hay không việc người giàu hưởng lợi nhiều hơn từ máu hiến tình nguyện và cần phải ưu đãi cho bệnh nhân nghèo như thế nào?

Máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ những người bệnh thực sự thiếu mới cần dùng nó, và khi đó nếu không có máu để truyền họ có thể chết. Còn những người khoẻ mạnh, cho dù rất giàu có cũng không thể dùng nó như một loại thuốc bổ được. Như vậy thì chẳng một  người giàu khoẻ mạnh nào có thể hưởng lợi từ những người hiến máu tình nguyện cả.

Còn khi có nhiều người cùng cần máu trong khi chỉ có it máu trong nhân hàng máu, người đựơc nhận máu sẽ là người bệnh nặng hơn và có khả năng cứu sống cao hơn. Điều này hoàn toàn do bác sĩ điều trị quyết định. Tuyệt đối không có chuyện ai giàu có và trả tiền cao hơn thì được dùng máu.

Mọi người, dù là người giàu hay nghèo khi đã cần máu thì đều xứng đáng và cần thiết đuợc nhận những đơn vị máu an toàn cả. Đó là những đơn vị máu từ những người hoàn toàn tự nguyện.

Bất đắc dĩ bệnh viện mới cần thiết phải huy động bắt buộc người nhà bệnh nhân hiến bù lại vào ngân hàng máu (theo tôi trực tiếp quan sát tại các bệnh viện khi đi thực tập, thường thì điều đó xảy ra mỗi năm hai lần, vào dịp tết nguyên đán và mùa hè - Khi luợng máu hiến từ sinh viên - đối tượng HMNĐ chủ yếu bị giảm mạnh) và khi đó, ấy là những đơn vị máu bị giảm đi tính an toàn mất rồi. Cả người nhà của người giàu hay người nghèo thì khi đi hiến máu không tự nguyện sẽ đều mang theo những yếu tố nguy cơ cả!

Khi bạn hiến máu, bạn hoàn toàn tình nguyện. Nhưng khi người bệnh nhận máu, họ phải trả một số tiền, mà theo tôi được biết sẽ vào khoảng hai phần ba các chi phí: xét nghiêm, dụng cụ, bảo quản... Giá thành cho một đơn vị máu. Đó cũng là thể hiện tính ưu việt trong chính sách y tế của nhà nước: Người bệnh chỉ phải trả một phần chi phí y tế mà thôi.

Không chỉ trong việc nhận máu nhân đạo mà trong bất cứ việc gì, người bệnh nghèo cũng cần thiết được quan tâm ưu ái. Và bạn cũng có thể làm nhiều việc khác nữa cho người bệnh nghèo...

 

Trên đây là nhhững chia sẻ của tôi, dưới góc độ của một người nhiều lần hiến máu tự nguyện và tham gia tình nguyện vận động mọi người HMNĐ. Tôi biết chắc hẳn còn nhiều chỗ chưa đựơc thuyết phục. Mong nhận được phản hồi từ các bạn.

Nhân đây cũng xin gửi lời chúc đến các bạn của tôi - Những người đang trần đầy nhiệt huyết tình nguyện vận động mọi người HMNĐ, chúc các bạn luôn trẻ trung, yêu đời và sẽ thành đạt trong cuộc sống. Chúc cho phong trào HMNĐ sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nữa để người bệnh không còn phải khổ vì thiếu máu truyền. Tôi luôn yêu quý và khâm phục các bạn rất nhiều!

Mai Văn Bằng

Dòng sự kiện: Hiến máu nhân đạo