Bạn đọc viết:

Máu nhân đạo cần minh bạch

Có lẽ, hiến máu là một trong chỉ số phản ánh lòng nhân ái cao nhất của con người dễ thấy cũng như dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên, không ít người cho máu thắc mắc máu của họ sẽ về đâu và ai là người được hưởng lợi xứng đáng nhất từ thiện tâm của họ.

Thực tế, những người nghèo đến bệnh viện đều phải trả giá cao so với túi tiền của họ trong khi đó người đến cho máu chỉ nhận được vài chục ngàn khuyến khích và giấy xác nhận đã hiến máu.

 

Ai hưởng lợi dễ nhất từ ngân hàng máu?

 

Thành ngữ “bà chúa đứt tay bằng ăn mày sổ ruột” luôn đúng trong mọi thời đại. Bởi vậy người giàu vào viện cần máu và được đáp ứng rất dễ dàng vì tiền không phải là vấn đề của họ. Còn người nghèo có được hưởng lợi từ nguồn máu do những người có thiện tâm đóng góp không? Câu trả lời là có, tuy nhiên họ cũng phải trả tiền như người giàu hoặc họ phải huy động họ hàng con cháu, người quen trả máu lại cho bệnh viện. Điều này chứng tỏ rằng lượng máu hiến cũng không giúp được gì cho người nghèo cả. Việc hiến máu ch đáp ứng được nhu cầu về máu mà thôi chứ không có sự rạch ròi giữa lòng thiện tâm của người cho máu dành cho người nghèo cả. Chị Lê Thị Thoa, một công chức tại Hà Nội, chia sẻ: “Hồi sinh viên tôi cũng đi hiến máu vài lần. Việc cho máu là nhu cầu tự thân muốn giúp đỡ những người cần máu, đặc biệt là người nghèo. Khi biết những người nghèo cũng phải mua máu mình hơi chạnh lòng”. Bạn Nguyễn Thu Hà - Học viện Ngoại giao, nói:Em cũng đi hiến máu vài lần nhưng không biết máu của mình sẽ đi đâu và ai được hưởng lợi”.

 

Cần ưu đãi cho người nghèo

 

Theo chị Lê Thị Thoa,người giàu tìm đâu chẳng ra máu do đó máu hiến tặng cần chia sẻ cho người nghèo. Trong tâm lý đi hiến máu ai cũng muốn dành cho người yếu thế hơn”. Năm 2009, bà Nguyễn Thị Lài - xã Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh, một bệnh nhân cực nghèo mổ tim ở bệnh viện Bạch Mai cần một dung tích số máu là 800 cc. Không có tiền nên con bà phải cầu cứu nhiều người để xin máu bù vào số máu bệnh viện đã cung cấp. Rất may con trai bà tìm được người đồng hương làm công tác xã hội nên đã huy động  4 sinh viên trường Đại học Kinhh tế cho đủ cơ số máu trả lại cho bệnh viện, con bà đã được trả lại chứng minh thư sau khi đã có máu bù. Điều này cho thấy người nghèo không nhận được ưu đãi nào từ nguồn máu hiến tặng.

Bạn Đặng Thị Thu Hường - trường Cao đẳng kinh tế Hà Nội chia sẻ:Cứ 85 ngày em đi hiến máu một lần và em mong muốn được hiến trực tiếp cho người nghèo”. Bạn Nguyễn Thị Thảo, sinh viên khoa CNTT - Đại học công nghiệp, thì nói:Vì muốn cho trực tiếp bệnh nhân máu nên em và các bạn chọn vài bệnh nhân cần máu thương xuyên và cho họ”. Chị Hạnh, quê Phù Yên tỉnh Sơn La là người hưởng lợi thường xuyên từ Thảo và các bạn.

 

Thiết nghĩ, máu hiến là từ tâm thì những giọt máu quý giá với mục tiêu phục vụ tất cả các bệnh nhân nhưng đối với người nghèo cần có sự ưu đãi nhất định để người hiến máu cảm thấy lòng từ tâm của mình đã được thỏa mãn và sẽ tiếp tục hiến máu trong các lần khác.

 

Minh bạch nguồn máu ủng hộ để tạo niềm tin

 

Một đồng nghiệp của tôi đã chia sẻ “lần trước em họ em cấp cứu ở bệnh viện Thái Bình và cần máu gấp, chồng nó cùng nhóm máu có thể cho được. Nhưng thủ tục lại là: Chồng nó phải ký vào giấy bán máu cho bệnh viện rồi vợ lại phải mua lại máu đó”. Nghịch lý này có  lẽ không chỉ ở một bệnh viện và chính nghịch lý này sẽ là yếu tố tiêu cực ít nhất sẽ ngăn chặn những người trực tiếp được nghe câu chuyện này đến bệnh viện hiến máu. Cuối cùng, người không được hưởng lợi là bệnh nhân. Biết đâu, bệnh nhân đó lại là họ anhh em họ hàng chúng ta.

 

Chị Thoa và một số sinh viên khác chia sẻ “nếu việc cho máu được minh bạch và người nghèo được ưu đãi từ nguồn máu hiến tặng thì số người cho máu sẽ nhiều hơn”.

Do thiếu những thông tin trong việc nguồn máu hiến sẽ đi và chứng kiến người nghèo không được ưu đãi gì từ nguồn máu đó nên một số người đi cho một lần và không muốn cho nữa. Thậm chí có một số tình nguyện viên đã lập ra ngân hàng máu di động để ủng hộ trực tiếp cho nạn nhân khi được bạn bè hay người thân liên lạc.

 

Thiết nghĩ  bên cạnh minh bạch và ưu đãi cho người nghèo, các bệnh viện cần thiết lập mạng lưới với tình nguyên viên để họ cung cấp máu cho từng đối tượng trực tiếp. Nếu làm được việc này, không những bệnh viện không còn phải lo thiếu máu mà con tạo nên văn hóa chia sẻ trong xã hội trên quy mô sâu và rộng hơn.

 

Nguyễn Quang Thạch

Dòng sự kiện: Hiến máu nhân đạo