Nhiều người chưa hiểu làm thế nào để có một đơn vị máu an toàn

(Dân trí) - Trước những ý kiến thắc mắc về việc sử dụng nguồn máu nhân đạo hiện nay còn chưa công bằng, ThS. Nguyễn Thị Thanh, GĐ TT Huyết học và Truyền máu, BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã có những chia sẻ rất thẳng thắn.

Nhiều người chưa hiểu làm thế nào để có một đơn vị máu an toàn - 1
Hiến máu nhân đạo đang cần cả xã hội quan tâm

Trước dư luận về sự bất bình đẳng trong việc sử dụng nguồn máu nhân đạo, ThS. Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc TT Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đối với việc hiến máu nhân đạo thì chi phí cho mỗi trường hợp như thế là 140.000đ gọi là “tiền quà”. Tuy nhiên với những đơn vị máu lấy vào đó mới chỉ là máu nguyên liệu. Từ những đơn vị máu nguyên liệu đó phải trải qua các khâu xét nghiệm như: Viêm gan B, HIV, Giang mai... Với một đơn vị máu như thế nếu tính riêng tiền xét nghiệm, Trung tâm phải bù lỗ 153.000đ. Theo quy định của Nhà nước thì mỗi đơn vị máu an toàn bán ra là 415.000đ, thiếu thì bệnh viện có trách nhiệm bù vào. Còn đối với những bệnh nhân nghèo, có thẻ BHYT thì sau đó các đơn vị đó sẽ có trách nhiệm thanh toán lại cho bệnh nhân sau. Còn nguồn máu nhân đạo hay máu người nhà vào đều như nhau không phân biệt vì đều phải làm xét nghiệm, xác định nhóm máu”.

Bà Thanh cho biết thêm: “Hầu hết người dân và kể cả cán bộ Nhà nước chưa hiểu hết được làm thế nào để có một đơn vị máu an toàn. Tất cả các nguồn máu về đều chung một chế độ không phân biệt và đều nhằm mục đích phục vụ bệnh nhân”.

Thực tế cùng với tình trạng thiếu máu chung của cả nước, thì Trung tâm chỉ thu gom và cung cấp được 40-50% so với nhu cầu sử dụng máu của bệnh nhân trên địa bàn. Còn lại phải huy động người nhà, trường hợp không đủ phải dùng thuốc kích thích tăng hồng cầu.

 

Trong năm 2010, Trung tâm huyết học truyền máu, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thu gom và cung cấp được 8.500 đơn vị máu, 1.500 đơn vị huyết tương và 500 đơn vị tiểu cầu cho các bệnh viện tuyến TƯ đóng trên địa bàn tỉnh như: Bệnh viện Lao phổi, Bệnh viên 71 TW và các bệnh viện tuyến tỉnh, cùng 27 huyện, thị, thành phố trực thuộc.
 
Được biết, để chuẩn bị nguồn máu phục vụ trong dịp tết Tân Mão năm 2011, Trung tâm huyết học và truyền máu đã có 700 đơn vị máu. Trong dịp tết Canh Dần năm 2010, với công tác chuẩn bị tốt nên không xảy ra tình trạng thiếu máu.
 
Kon-Tum: Bệnh nhân nào cần máu cũng được truyền máu
 

Tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum, việc sử dụng truyền máu cứu người được thực hiện trên tinh thần kịp thời và công bằng. Nghĩa là bất kỳ bệnh nhân nào vào viện cần phải truyền máu đều được đáp ứng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân không thuộc đối tượng chính sách thì thu tiền theo qui định; nếu bệnh nhân thuộc đối tượng ưu tiên như đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gai đình chính sách…thì được miễn.

 

Năm 2010, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã sử dụng khoảng 1.700 đơn vị máu, trong đó có trên 1.200 đơn vị máu từ nguồn hiến máu nhân đạo. Kon Tum luôn có "ngân hàng máu sống", khi cần sẽ có ngay đội thanh niên tình nguyện sẵn sàng hiến máu cứu người…

 

Duy Tuyên - Đại Hòa

Dòng sự kiện: Hiến máu nhân đạo