Nộp tiền cam kết thi hành án nhưng vẫn bị mang tài sản bán đấu giá: Động thái khó hiểu!
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Nộp tiền cam kết thi hành án nhưng vẫn bị mang tài sản bán đấu giá”, chiều ngày 26/10, gia đình bà Nguyễn Kim Xuân (tỉnh Sóc Trăng) cho biết đã nộp đủ tiền cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng cách đây 1 tháng, nhưng bà lại nhận được thư mời của ngân hàng để giải quyết nợ quá hạn.
Bà Nguyễn Kim Xuân (ngụ tại số 244, đường Trương Công Định, khóm 5, phường 2, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Gia đình bà đã nộp đủ tiền thi hành án cho Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Sóc Trăng cách đây 1 tháng. Tuy nhiên, ngày 24/10, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (Ngân hàng Đông Á) chi nhánh Hậu Giang có thư mời với nội dung mời gia đình bà ngày 27/10 đến trụ sở chi nhánh ngân hàng để giải quyết nợ quá hạn.
Theo bà Nguyễn Kim Xuân, ngày 27/9, gia đình bà đã nộp đủ số tiền phải thi hành án là hơn 2,338 tỷ đồng tại Cục THADS tỉnh Sóc Trăng. Kể từ ngày nộp xong tiền, gia đình bà đã đến Cục THADS Sóc Trăng đề nghị giải quyết thủ tục trả lại nhà cho gia đình bà, nhưng Cục THADS Sóc Trăng chưa giải quyết.
Mới đây, cán bộ Cục THADS Sóc Trăng lại hẹn ngày 8/11/2017 sẽ xem xét. Việc chần chứ này khiến gia đình bà Xuân lo ngại không biết cán bộ cơ quan này đang… “tính bài gì”.
Như Dân trí đã phản ánh, năm 2008, gia đình bà Nguyễn Kim Xuân thế chấp tài sản nhà và đất tại số 244 (đường Trương Công Định, phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, đứng tên con trai là Tạ Hoàng Trung). Trong đó, đất có diện tích 558,2 m2 (439 m2 là đất ở đô thị, 119,2 m2 là đất lâu năm khác), căn nhà 1 trệt 2 lầu có diện tích sử dụng 435,95 m2 để vay 2,5 tỉ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á chi nhánh Hậu Giang, vào việc nuôi cá tra và tôm.
Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, dịch bệnh kéo dài nên công việc thất bại dẫn tới không trả nợ hết cho ngân hàng, nên gia đình bà Xuân bị khởi kiện ra TAND tỉnh Sóc Trăng.
Ngày 7/9/2010, phía bà Xuân và ngân hàng thỏa thuận được việc trả nợ cho ngân hàng, được TAND tỉnh Sóc Trăng ghi nhận bằng quyết định công nhận. Tuy nhiên, sau đó do chồng bà là ông Tạ Hoàng Dầu lâm bệnh nặng phải điều trị dài ngày, chi phí điều trị tốn kém nhưng không qua khỏi nên việc trả nợ bị ngưng trễ.
Trước thực trạng này, gia đình bà Xuân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị phía ngân hàng cho bà được trả nợ nhiều kỳ và khoanh lãi suất theo Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra nhưng không được phía ngân hàng chấp nhận.
Ngân hàng có văn bản ký ngày 11/8/2014 nêu lý do: “Các khoản nợ quá hạn từ ngày 31/12/2013, được các tổ chức tín dụng xét thấy khách hàng có thiện chí trả nợ nhưng chỉ tạm thời gặp khó khăn, có phương án trả nợ khả thi sau thời gian khoanh nợ. Riêng trường hợp ông Tạ Hoàng Trung nợ quá hạn từ lâu, chỉ mới trả được một phần nợ, không có thiện chí trả nợ, không hợp tác với ngân hàng cùng thi hành án để kê biên đấu giá tài sản trả nợ. Do đó ngân hàng xem xét không khoanh nợ”.
Trong khi đó, ngày 28/5/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 3623/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, điều kiện được khoanh nợ là “khách hàng được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận gặp khó khăn, không trả được nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh…)”; “Khoản nợ vay của khách hàng đã quá hạn đến thời điểm 31/12/2013 và hiện vẫn còn dư nợ tại tổ chức tín dụng”, …. Đối chiếu với qui định này, gia đình bà Xuân là đối tượng được khoanh nợ.
Gia đình bà Xuân gửi đơn xin cứu xét đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngày 11/9/2014, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 6665/NHNN-TD gửi Ngân hàng Đông Á với nội dung: “Ngân hàng Nhà nước đề nghị Ngân hàng Đông Á xem xét trả lời đơn xin cứu xét của ông Tạ Hoàng Trung. Ngân hàng Đông Á thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước kết quả xử lý trước ngày 16/9/2014. Nội dung báo cáo cần nêu rõ tình hình và việc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng của Ngân hàng Đông Á theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp phát sinh khó khăn, vượt thẩm quyền, Ngân hàng Đông Á báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để được xem xét, xử lý”. Thế nhưng, mọi việc vẫn rơi vào im lặng, gia đình bà Xuân vẫn bị “siết nợ”.
Sau khi đã trả được một số nợ, gia đình bà còn thiếu Ngân hàng trên 2,3 tỉ đồng nên Cục THADS tỉnh Sóc Trăng kê biên tài sản nhà đất ở số 224 đem bán đấu giá. Ngày 25/8/2017, Công ty TNHH TV và DV BĐG TS Nguyên Tâm (chi nhánh Sóc Trăng) đã thông báo bán đấu giá toàn bộ nhà đất của gia đình bà với giá khởi điểm là 2.338.030.401 đồng (bằng số tiền gia đình bà Xuân thiếu nợ ngân hàng). Thời gian tổ chức đấu giá là ngày 21/9/2017.
Trước nguy cơ tài sản còn lại duy nhất của gia đình bị mất, bà Xuân và các con đã đến Cục THADS tỉnh Sóc Trăng xin tạm dừng phiên đấu giá ngày 21/9 để gia đình lo tiền trả nợ cho ngân hàng. Yêu cầu đó được chấp nhận. Phiên đấu giá được ấn định lại vào ngày 28/9/2017.
Ngày 26/9, gia đình bà Xuân vay mượn được 1 tỉ đồng mang đến Cục THADS Sóc Trăng gặp chấp hành viên Ngô Nam Trung xin nộp trước 1 tỉ đồng trả nợ ngân hàng; số còn lại trên 1,3 tỉ đồng, gia đình cam kết trả trong thời gian 1 tháng. Nếu trong thời gian này không trả thì Cục THADS cho bán đấu giá tài sản của bà để thi hành án nhưng chấp hành viên Trung không đồng ý mà yêu cầu phải nộp đủ số tiền trên 2,3 tỉ đồng; còn nộp 1 tỉ đồng thì Cục THADS vẫn nhận nhưng ngày 28/9 vẫn đấu giá tài sản.
Nghe chấp hành viên nói như vậy, ngày 27/9, gia đình bà Xuân đã nộp đủ số tiền thi hành án nhưng không hiểu sao phía ngân hàng vẫn mời gia đình bà đến trả nợ.
Để có thông tin từ Cục THADS Sóc Trăng, PV đã liên lạc nhiều lần với ông Lê Trọng Nguyên (Cục trưởng Cục THADS Sóc Trăng) nhưng không được.
Tại sao tiền gia đình bà Xuân đã nộp đủ cho cơ quan thi hành án cách đây một tháng nhưng đến nay ngân hàng vẫn đòi nợ bà Xuân ? Vậy trách nhiệm của cơ quan thi hành án ở đâu ?
Bạch Dương