Nhìn từ một vụ đình công

Một nhóm công nhân của Cty TNHH vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam (Hà Nội) bị bảo vệ Cty dùng xe tải lao thẳng vào, làm 7 công nhân nữ bị thương, 1 người tử vong. Vụ lao xe dẹp đình công kinh hoàng này đã làm chấn động dư luận.

Công nhân của Cty Gia Đức Việt Nam tổ chức đình công đòi tăng phụ cấp, bổ sung khẩu phần ăn là quyền của họ. Ai cũng biết do vật giá leo thang nên nhiều người không sống nổi với đồng lương rẻ mạt.

Thời lạm phát cũng khiến cho suất ăn trong nhà máy bị khuyết đi về số lượng, giảm về chất lượng nên sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng. Cho nên những đòi hỏi của công nhân Cty Giai Đức Việt Nam là chính đáng. Thế nhưng họ đã bị bảo vệ Cty đối phó một cách thô bạo, dẫn đến thương vong và chết người.

Từ trước đến nay, chưa có cuộc đình công nào gặp phải phản ứng dẫn đến tai nạn thương tâm như vậy. Có thể người bảo vệ của Cty không cố ý giết người, nhưng hành động liều lĩnh và thiếu kiểm soát của anh ta đã dẫn đến một vụ án giết người. Còn một vấn đề cần phải làm rõ trong vụ án này, đó là bảo vệ của Cty chủ động dẹp đình công bằng lái xe lao vào công nhân hay có sự chỉ đạo của ban giám đốc Cty? Một nhân viên bảo vệ khó có thể dám làm cái việc tày trời và vô lương tâm đó nếu như không có sự thúc ép của ông chủ. Đây là điểm mấu chốt không thể bỏ qua.

Nhiều công nhân công ty Giai Đức vẫn còn hoảng loạn sau khi vụ việc xảy ra.

Nhiều công nhân công ty Giai Đức vẫn còn hoảng loạn sau khi vụ việc xảy ra.

Từ vụ đình công thành vụ án giết người này đặt ra cho các doanh nghiệp một bài học để rút kinh nghiệm. Đó là quan tâm hơn đến đời sống của người lao động, tăng phụ cấp, nâng chất lượng bữa ăn cũng như điều kiện đi lại. Để cho người lao động quá khổ thì khó tránh khỏi những phản ứng lãn công, đình công. Điều quan trọng khác là khi xảy ra đình công, doanh nghiệp cần phải có cách giải quyết  kịp thời với thái độ thiện chí. Để xảy ra án mạng như trường hợp trên thì sạt nghiệp đi liền với tù tội.

Bộ Tài chính vừa đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong đời sống công nhân, trong đó có kiến nghị không tính thuế giá trị gia tăng đối với suất ăn giữa ca trong trường hợp doanh nghiệp tự nấu cho người lao động. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản yêu cầu các địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ giá, đảm bảo không tăng giá xe buýt công cộng.

Vào thời điểm khó khăn này, những đề xuất trên rất có ý nghĩa. Nếu như các đề xuất của Bộ Tài chính được chấp thuận, người lao động sẽ được thụ hưởng quyền lợi một cách trực tiếp, doanh nghiệp có điều kiện để tăng chất lượng suất ăn. Hạn chế đình công và góp phần ổn định sản xuất không chỉ là nỗ lực của doanh nghiệp, mà cần có sự hỗ trợ từ các chính sách phù hợp và kịp thời. 

Theo Lê Thanh Phong
 
Lao Động