Đắk Lắk: Tiểu thương bức xúc vì chính quyền không dứt khoát trong giải tỏa chợ cũ
(Dân trí) - Cho rằng chính quyền địa phương dù đã 2 lần tổ chức dời chợ nhưng đã không có các biện pháp triệt để trong việc giải tỏa chợ cũ để tập trung kinh doanh tại chợ mới. Tiểu thương tại chợ mới phải nhiều lần kéo lên ủy ban huyện để được giải quyết khi lâm vào tình cảnh buôn bán ế ẩm, thất thu.
Không dời chợ hiệu quả, tiểu thương khóc ròng
Những ngày giáp tết Nguyên đán, việc kinh doanh của hàng chục hộ tiểu thương kinh doanh hàng tươi sống tại khu chợ Trung tâm thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) vô cùng đìu hiu, chợ đông người bán nhưng vắng bóng khách hàng. Thậm chí, đến khoảng đầu giờ chiều không còn bóng dáng khách hàng, nhiều hàng thực phẩm thịt cá ôi thiu, rau củ héo úa phải đem đổ bỏ vô cùng lãng phí.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân chính dẫn đến là do công tác di dời chợ của chính quyền địa phương không hiệu quả, dứt khoát. Trong khi chợ mới xây dựng khang trang, sạch sẽ lại không buôn bán được còn chợ cũ kinh doanh ngoài đường lại đông đúc người mua kẻ bán.
Chị Nguyễn Thị Nhật - Tiểu thương kinh doanh cá, tôm cho biết: Sau khi chính quyền có chủ trương di chợ cũ về chợ mới tôi đã nhanh chóng chấp hành xuống khu chợ mới để lo buôn bán nhưng về chợ mới không thể nào buôn bán được. “Đã 2 lần huyện di dời nhưng vẫn không hiệu quả, chúng tôi buôn bán không được. Trước 3 thùng cá, tôm tôi bán sạch veo giờ thì 1 thùng cũng không hết, hàng dư hết bỏ tủ đá rồi đem đi đổ bỏ lãng phí vô cùng”, chị Nhật buồn bã nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hà - Kinh doanh thịt heo cũng bức xúc: “Tôi thấy các hộ kinh doanh tại chợ cũ tái phát nhưng chính quyền lại không dứt khoát khi xử lý vi phạm mà chỉ bảo…ngồi gọn gọn vào. Chúng tôi mất niềm tin vào lời hứa của chính quyền rồi vì hứa giải tỏa một đường giờ lại làm một nẻo”.
Chị Hà cũng cho biết, việc buôn bán gặp vô vàn khó khăn khi mỗi ngày chị phải đem đổ bỏ 20 - 30kg thịt heo. “Gần tết tới nơi mà ngày nào cũng thế này thử hỏi làm sao chúng tôi sống được đây, ý kiến mãi mà vẫn không thấy được giải quyết”, chị Hà lắc đầu thở dài.
Cảm thấy bất công vì đã chấp hành theo quyết định di dời chợ của UBND huyện nhưng nay lại không buôn bán được. Hàng chục hộ tiểu thương tại chợ mới đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại và kéo nhau lên trụ sở ủy ban huyện để đòi lại công bằng.
“Chúng tôi đề nghị UBND huyện chấp hành theo quyết định di dời chợ đã ký trước đó. Không thể để mãi việc dẹp chợ cũ không dứt khoát này để đưa tiểu thương chúng tôi vào vòng xoáy long đong này. Mỗi ngày tôi thất thu hàng triệu đồng, tiền bán hàng không đủ trả tiền quầy thì phải làm sao. Khi lên huyện thì được lãnh đạo hứa hẹn sẽ dẹp dứt điểm nhưng đâu lại vào đấy…”, tiểu thương Phạm Văn Chiến bức xúc.
Chính quyền than khó xử lý
Theo quyết định số 3687/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo đến năm 2030 có nêu rõ “Chợ 82 (chợ cũ) và các hộ dân gần khu vực chợ sẽ định hướng phát triển thành khu phố đi bộ để trao đổi mua bán (Nhà nước chỉ quản lý việc xây dựng và hướng hướng dẫn từng khu mua bán hàng hóa); Chợ trung tâm (chợ mới) bố trí tại vị trí đầu đường Trần Quốc Toản thuộc Tổ dân phố 6”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại khu vực chợ cũ mặc dù có tấm bảng cấm đỗ xe mua bán hàng tươi sống và có lực lượng trật tự đô thị túc trực nhưng nhiều quầy hàng vẫn bày bán tràn lan trên vỉa hè, người dân vẫn dừng đỗ xe mua hàng tấp nập.
Trao đổi về vụ việc, ông Trương Văn Đức - Chủ tịch UBND thị trấn Ea Đăng cho rằng việc xử lý triệt để việc mua bán là rất khó bởi lực lượng chức năng thị trấn đã bố trí lực lượng để kiểm tra, xử lý những hộ dân mua bán lòng đường lập lại trật tự còn các hộ lại buôn bán tại khu vực trong khuôn khổ nhà mình thì không dễ xử lý.
“Chính quyền phải tôn trọng dân và những tài sản của dân, không thể cấm dân mua bán những mặt hàng mà pháp luật không cấm. Nên người dân vẫn mua bán khi có diện tích, có ki ốt mà diện tích trong nhà để bán nên cấm triệt để là không cấm được”, ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, việc cấm kinh doanh tại khu vực nhà cửa của các các hộ dân là không thể mà chỉ vận động. Riêng những hộ vi phạm buôn bán ở lòng đường, vỉa hè và các xe dừng đỗ mua hàng sẽ bị xử lý theo quy định. Và theo kế hoạch kinh phí cho việc lập trật tự tại chợ đã vào khoảng 900 triệu đồng.
Ông Huỳnh Thiên Tử - Phó Ban Quản lý chợ Trung tâm thị trấn Ea Đrăng cho rằng việc di dời chợ không hiệu quả đã gây thiệt hại cho công ty vì đa phần các hộ tiểu thương chỉ mới đóng vài triệu đồng tiền ki ốt và đợi khi kinh doanh ổn định mới đóng toàn bộ số tiền nên đến nay công ty lâm vào tình trạng thất thu. Bên cạnh đó, các tiểu thương tại chợ mới buôn bán không được không đóng thuế cho nhà nước vì chưa có thu nhập.
“Tôi mong chính quyền địa phương thấy được nỗi khổ của nhà đầu tư, hỗ trợ di dời chợ có hiệu quả tạo điều kiện cho chúng tôi thu hồi vốn để tái đầu tư tiếp công trình chợ đang được xây dựng”, ông Tử nói.
Ông Đoàn Tử Minh - Phó Chủ tịch huyện Ea H’leo, cho biết biện pháp xử lý hiện tại là tiếp tục vận động tuyên truyền tại khu vực chợ cũ và kiên quyết xử lý các hộ vi phạm bằng hành chính, cưỡng chế. Cũng theo ông Minh, phía thị trấn vẫn chưa làm tốt như chỉ đạo và đầu tư của huyện, nguyên nhân do chưa thấy hết trách nhiệm và khó khăn trong tổ chức lực lượng trật tự thực hiện nhiệm vụ.
Riêng việc xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán tại khu vực chợ cũ, ông Minh cho rằng không thể xác định được lúc nào là kết thúc và lúc nào mất trật tự lại phải làm tiếp.
Trước đó, như Dân trí phản ánh Công trình chợ Trung tâm thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo được UBND tỉnh Đắk Lắk thống nhất chủ trương xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp. Do Công ty Cổ phần Đầu tư Quản lý chợ Ea H’leo làm chủ đầu tư với quy mô xây dựng 16.211m2, 427 ki ốt, tổng mức đầu tư là trên 32,8 tỷ đồng.
Đến nay, khu chợ B với tổng mức đầu tư trên 14,6 tỷ đồng để kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc di dời chợ đã được UBND huyện Ea H’leo triển khai 2 lần nhưng vẫn không hiệu quả.
Thúy Diễm