Bạn đọc chia sẻ với ý kiến của nguyên Bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc

Sau khi đăng bài viết góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (ảnh), chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh và bày tỏ đồng tình với những đóng góp tâm huyết này.

Là người từng bàn nhiều về dân chủ  theo nghĩa là mọi người dân đều phải được hưởng quyền làm chủ, ông Nguyễn Đình Lộc nêu rõ: nhận thức về dân chủ là cả quá trình, không ai có thể tự nói rằng mình đã nhận thức đầy đủ, có một quan niệm rõ ràng về dân chủ. Dân chủ cũng là thói quen, nếp sinh hoạt, không phải dễ dàng mà thực hiện dân chủ, nhất là với những người đang có quyền.  

 

Bạn Duy Phúc  - email: dphuc07@gmail.com hoan nghênh:

 

Cảm ơn bác! Bác nói hay quá, làm cháu hiểu ra nhiều điều. Mong rằng sẽ có thêm nhiều bài phát biểu tâm huyết và thẳng thắn như thế này được đăng báo để thế hệ trẻ chúng cháu nâng cao hiểu biết về chính trị nước ta”.

 

Cũng theo ông Lộc, thì khi nói đến Đảng cầm quyền, thì đó là quyền của dân, và dân trao cho Đảng. Đảng không phải đơn vị sản xuất, Đảng là tổ chức lãnh đạo, nghĩa là mọi hoạt động của Đảng đều động chạm đến quyền lực của nhân dân. Vì thế, để đảm bảo dân chủ, mọi việc Đảng làm thì dân phải được biết, Đảng cũng phải hoạt động theo pháp luật. Điều lệ Đảng đã khẳng định, mọi tổ chức của Đảng đều hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.

Chính vị trí cầm quyền của Đảng đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng phải được thể chế hóa thành pháp luật.  Đảng đã có điều lệ rồi, thì nay có thể thể chế hóa điều lệ đó để thành luật. Trong luật cũng sẽ phân định rõ mọi quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, với Chính phủ (hành pháp), Quốc hội (lập pháp) và Tòa án (tư pháp). Chính pháp luật sẽ giúp Đảng biết đâu là ranh giới của quyền hạn. Chính pháp luật cũng khiến dân có thể giám sát dễ hơn, và như thế sẽ tin Đảng hơn.

Bạn đọc Nguyễn Lương Thanh – email: nlthanh55@gmail.com chia sẻ:

 

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của anh Lộc. Cần luật hóa Điều lệ Đảng để tổ chức Đảng hoạt động tốt hơn, nhất là lãnh đạo Đảng ở cấp cơ sở. Tôi thấy không ít chi bộ Đảng hiện nay hoạt động còn hình thức, lúng túng. Việc gì cũng muốn dính vào nhưng những việc quá phức tạp thì lại né tránh, ví dụ như tổ chức Đảng trong các doanh nghiêp cổ phần..."

 

Về  việc cần thay đổi phương thức sinh hoạt như họp chi bộ, ông Lộc nói: “Tôi về hưu, họp chi bộ ở khu phố, ra họp cũng chủ yếu để nghe phổ biến chứ có bàn thảo gì đâu, ai đó đã quyết định hết rồi. Chúng tôi cũng thấy trong Đảng như thế là chưa dân chủ. Phải thay đổi phương thức sinh hoạt lâu nay.

 

Bạn Vũ Văn Chiến – email: vuminhchien79@gmail.com bày tỏ:

 

Cháu rất vui khi bài viết của bác đã làm toát lên bao nhiêu điều mong muốn của nhiều người trong đó có cháu. Vì cháu cũng như bao người dân bình thường khác đã và đang chứng kiến nhiều vấn đề về cách thức cũng như cách làm mà ở nhiều cuộc họp ở cấp thôn xã đã làm. Kiểu cách như vậy mà không có cách thức thay đổi thì khó có lòng tin cao, chứ đừng nói là tuyệt đối như ngày trước..”

.

Tôi rất đồng ý với ý kiến của bác Lộc. Cách đây 10 năm khi còn đang học luật ở trường ĐHQG Hà Nội, tôi đã được dạy rằng mọi quan hệ xã hội, dân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế... đều cần phải có luật điều chỉnh thì xã hội mới phát triển ổn định. Tôi vinh dự được các thầy có nhiều kinh nghiệm về luật giảng dạy. Tuy nhiên khi tôi đề cập đến vấn đề, rằng chúng ta nên có luật về hoạt động của Đảng với một thầy giáo rất có uy tín, thì thầy trả lời có vẻ lảng tránh mặc dù tôi hiểu trong thâm tâm thấy cũng muốn thế ... Nay có bác Lộc mạnh dạn góp ý cho Đảng, tôi hết lòng ủng hộ.... " – bạn Long Trần – email: tranthanhlong.ttl@gmail.com chia sẻ…

 

K. A tổng hợp