Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

“Tôi làm gì cũng không nghĩ để đánh bóng mình”

(Dân trí) - “Tâm sự thật là tôi làm cái gì cũng không nghĩ sẽ tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng mình. Trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng, làm cho tốt Nghị quyết đã là tốt rồi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.

Ngay sau lễ bế mạc Đại hội XI, tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp báo quốc tế để trả lời các câu hỏi của báo chí trong, ngoài nước và chia sẻ một số suy nghĩ của mình.
“Tôi làm gì cũng không nghĩ để đánh bóng mình” - 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bầu Bộ Chính trị, số dư lên tới 70%

Tổng Bí thư khẳng định, không khí đại hội XI là rất dân chủ, thẳng thắn: “Những nội dung cơ bản cương lĩnh, chiến lược, báo cáo chính trị, điều lệ Đảng… khi ra Đại hội còn tranh luận. Đến phút cuối chuẩn bị thông qua Điều lệ vẫn còn có ý kiến. Khi thảo luận về bản giải trình tiếp thu những nội dung vấn đề lớn, khó vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và tiếp tục tranh luận.

Tôi cũng tham gia tranh luận. Như vậy thấy rằng Đại hội rất dân chủ. Cuối cùng Nghị quyết cũng đã thông qua với 100% tán thành”, tân Tổng Bí thư nói.

Cũng theo Tổng Bí thư, phần rất quan trọng của Đại hội là khâu nhân sự và mọi người quan tâm xem ai là Tổng Bí thư, ai vào Bộ Chính trị…  và có lẽ hiếm có đại hội nào, bầu BCH TƯ với số dư nhiều như lần này (24,4%). Giới thiệu ủy viên TƯ dự khuyết, một số xin rút rồi mà trong danh sách số dư vẫn còn 140%. Người trúng cử thấp nhất cũng đạt số phiếu là 67%.

Hay như bầu Bộ Chính trị, cũng có số dư lên tới 70%. Bầu Ban Bí thư còn nhiều hơn nữa. Bầu Ủy ban kiểm tra TƯ cũng đưa ra 26 người để bầu 21 người.

“Như vậy, quá trình thảo luận, lắng nghe, tiếp thu nên kết quả bầu cử rất tốt. Bầu Tổng Bí thư có cả quá trình chuẩn bị lấy phiếu giới thiệu, đặc biệt là lấy phiếu giới thiệu Đại hội. Tuy Đại hội không bầu trực tiếp nhưng phiếu giới thiệu cực kỳ quan trọng”, Tổng Bí thư chia sẻ.

Tổng Bí thư cũng khẳng định, từ đại hội này tỏa ra niềm tin mới, toát lên khí thế mới, sự đoàn kết đồng thuận  thực chất sau khi đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn trao đổi  chứ không phải dân chủ hình thức, chuẩn bị để mang ra trình diễn.

“Không có chuyện chỉ dân chủ hình thức”

Vấn đề chất vấn trong Đảng đã được đề cập nhưng thực tế việc chất vấn còn rất hạn chế. Là người có kinh nghiệm trong việc điều hành và thực hiện nhiều phiên chất vấn rất thành công tại diễn đàn Quốc hội, Tổng bí thư sẽ thực hiện chất vấn trong đảng như thế nào? Với tư cách là Tổng bí thư , ông có sẵn sàng để các đảng viên chất vấn mình?

Đại hội X đã có chủ trương thực hiện chất vấn trong Đảng, trong mỗi kỳ hội nghị TƯ cũng nêu ai có vấn đề gì cần chất vấn thì cứ nêu, nhưng thời gian qua chất vấn trong Đảng còn ít.

Theo tôi, có thể là do chất vấn khác với ở Quốc hội. Ở QH là những vấn đề sôi động hàng ngày, nóng bỏng, liên quan nhiều đến đời sống nhân dân, đến an sinh xã hội, còn khi bàn ở Trung ương là các chủ trương chiến lược, quyết sách lớn, vì thế hỏi cũng khó chứ không phải dễ.

Hiện nay, trong Đảng chưa có chất vấn nhiều nhưng tôi tin với sự phát triển chung thì cần có sự chất vấn trong Đảng và  cũng cần xây dựng qui chế để tạo điều kiện cho mọi người cùng có thể trao đi, đổi lại. Như tôi từng nói ở QH, chất vấn là trước hết là để đôi bên hiểu nhau, cùng  giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Thực hiện văn kiện đại hội Đảng là vấn đề lớn, trên cương vị của mình, Tổng Bí thư có kế hoạch gì để tạo dấu ấn?

Xin tâm sự thật là tôi làm cái gì cũng không nghĩ sẽ tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng mình, không phải làm để tỏ ra ta là thế này. Trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên là phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng, cứ làm cho tốt Nghị quyết đã là tốt rồi.

Đương nhiên, khi thực hiện văn kiện thì cũng cần có trọng tâm, trọng điểm  và trong văn kiện cũng nói rõ rồi. Chủ đề của Đại hội là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đó là việc trước hết Tổng Bí thư và BCH Trung ương phải lo. Vấn đề xây dựng Đảng đang được nhân dân rất quan tâm, rồi phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công cuộc đổi  mới...

Chúng ta đang đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới hệ thống chính trị, hội nhập quốc tế… và quan trọng là phấn đấu trong năm năm tới, chúng ta đặt nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, hiện đại với 3 mũi đột phá đã được xác định đó là hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và thể chế.

Tổng Bí thư có cảm giác gì  khi Đại hội  biểu quyết vấn đề gây nhiều tranh cãi là “công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu” được ghi trong dự thảo Cương lĩnh Đại hội XI?

Tôi đã phát biểu tại Đại hội rồi, cái này là quyền của Đại hội, Đại hội quyết thế nào thì đó là ý chí của toàn Đảng, chúng tôi nghiêm túc chấp hành. Dù thế nào đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; từng bước đi lên, trước mắt phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Nói gọn lại là: Kinh tế thị trường định hướng  Xã hội chủ nghĩa.

Nhiều đại biểu thừa nhận đây là Đại hội dân chủ nhưng còn có ý kiến băn khoăn khi đại đa số danh sách trúng cử  là do Trung ương giới thiệu?

Theo tôi, câu hỏi đang mang ý nghĩa trả lời rồi. Vì Trung ương chuẩn bị quá trình công phu từ dưới lên. Các cơ quan tổ chức, bộ máy phải nghiên cứu, đề  xuất thẩm tra đánh giá toàn diện, cung cấp thông tin về người được giới thiệu. Còn những người được giới thiệu tại Đại hội ít ai biết như thế nào? Công tác ra sao? mà đó chỉ là 1, 2 ý kiến giới thiệu.

Lâu nay vẫn nói vui, có khi giới thiệu để có quân xanh, quân đỏ nhưng thực tế đâu phải thế. Có trường hợp giới thiệu vẫn trúng nhưng ngược lại có trường hợp TƯ giới thiệu đại hội không bầu. Tôi đếm ra  có 7 trường hợp TƯ giới thiệu nhưng đại hội không bầu. Không trúng cử mặc dù quá bán. Như vậy, ở đây không có chuyện chỉ dân chủ hình thức.

Tôi đã tham dự nhiều đại  hội Đảng và thấy chưa có Đại hội nào giới thiệu nhiều như Đại hội lần này. Tất cả đều vào danh sách, sau đó ai xin rút, ai không xin rút mới chốt lại danh sách để bầu.

Xin cảm ơn Tổng Bí thư

Đức Hòa - Hồng Hạnh