16 người mắc kẹt hoảng loạn trong thang máy: Cư dân có quyền yêu cầu bồi thường

(Dân trí) - 16 cư dân trong vụ bị “giam” trong thang máy hơn 30 phút hoàn toàn có quyền yêu cầu được bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Như Dân trí đã đưa tin chiều 23/3 tại Block D, khu căn hộ chung cư 584 đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM đã xảy ra sự cố kẹt thang máy, “giam” 16 người hơn 30 phút khi thang máy này đang vận hành lên các tầng cao.

Sự việc khiến những người bị kẹt trong thang máy vô cùng hoảng loạn. Trên thực tế, hiện thang máy là phương tiện đi lại chính của các chung cư cao tầng nhưng nó lại là nỗi ám ảnh kinh hoàng của không ít cư dân. Nhưng trong thời gian gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến thang máy ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.

Nhiều chung cư xảy ra tình trạng thang máy được coi là tài sản chung, nên đã xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, dẫn đến nhưng sự cố nguy hiểm trong quá trình vận hành thang máy.

PV đã có cuộc trao đổi với ông Luật sư Chu Văn Tiến - Công ty Luật TNHH An Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhằm làm rõ những trách nhiệm của chủ đầu tư và quyền lợi của cư dân trong các tòa nhà chung cư khi có sự cố tương tự xảy ra.

Lực lượng cứu hộ giải cứu các nạn nhân bị kẹt trong thang máy ra ngoài
Lực lượng cứu hộ giải cứu các nạn nhân bị kẹt trong thang máy ra ngoài

PV: Thang máy là hợp phần hoạt động cực kỳ quan trọng tại các khu nhà chung cư. Theo quy định việc bảo trì thang máy sẽ tính thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Chu Văn Tiến: Quy định của Luật nhà ở 2014 đã nói rõ thì chủ đầu tư phải trích 2% giá trị hợp đồng mua, bán căn hộ chung cư để thực hiện việc bảo trì nói chung, nếu số tiền trên không đủ thì các hộ đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích sở hữu riêng.

Đối với những nhà chung cư có thang máy thì việc quản lý vận hành nhà chung cư phải do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện. Việc thuê đơn vị này là do các chủ sở hữu (đại diện là Ban quản trị nhà chung cư) và chủ đầu tư tiến hành tiến hành quyết định thông qua đơn vị nào sẽ thực hiên việc quản lý tại Hội nghị và ban quản trị nhà chung cư có nghĩa vụ kí kết hợp đồng dịch vụ với đơn vị đã được thông qua” .

Cụ thể, nếu như đã có hợp đồng cung cấp dịch vụ với đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư thì đương nhiên trách nhiệm sẽ thuộc đơn vị này. Cụ thể, theo quy định tại Điều 16 Quyết định 08/2008/QĐ-BXD về ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư thì đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư có các nghĩa vụ sau:

“1. Thực hiện cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo hợp đồng đã ký, đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn, quy phạm quy định;

2. Ký kết hợp đồng phụ với các doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ cho nhà chung cư (nếu có); giám sát việc cung cấp các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư đối với các doanh nghiệp nêu trên để đảm bảo thực hiện theo hợp đồng đã ký;

3. Thông báo bằng văn bản về những yêu cầu, những điều cần chú ý cho người sử dụng khi bắt đầu sử dụng nhà chung cư; hướng dẫn việc lắp đặt các trang thiết bị thuộc phần sở hữu riêng vào hệ thống trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư;

4. Định kỳ kiểm tra cụ thể, chi tiết, bộ phận của nhà chung cư để thực hiện việc quản lý vận hành nhà chung cư;

5. Thực hiện ngay việc ngăn ngừa nguy cơ gây thiệt hại cho người sử dụng nhà chung cư và sửa chữa bất kỳ chi tiết nào của phần sở hữu chung hoặc trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư bị hư hỏng đảm bảo cho nhà chung cư hoạt động được bình thường;

6. Thu phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Quy chế này khi được Ban quản trị nhà chung cư uỷ quyền. Trường hợp nhà chung cư có một chủ sở hữu thì thực hiện việc thu kinh phí quản lý vận hành theo thoả thuận giữa chủ sở hữu và người sử dụng.

7. Phối hợp với Ban quản trị đề nghị các cơ quan cấp điện, nước ngừng cung cấp, nếu người sử dụng nhà chung cư không thực hiện đóng góp đầy đủ, đúng hạn chi phí quản lý vận hành nhà chung cư và vi phạm các quy định tại Điều 23 của Quy chế này mà không khắc phục;

8. Định kỳ 6 tháng một lần, báo cáo công khai về công tác quản lý vận hành nhà chung cư với Ban quản trị và phối hợp với Ban quản trị lấy ý kiến của người sử dụng nhà chung cư về việc cung cấp dịch vụ cho nhà chung cư;

9. Phối hợp với Ban quản trị, tổ dân phố trong việc bảo vệ an ninh, trật tự và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình quản lý vận hành nhà chung cư.”

16 người mắc kẹt hoảng loạn trong thang máy: Cư dân có quyền yêu cầu bồi thường - 2

PV: Liên quan đến sự việc 16 cư dân bị giam trong thang máy gần 30 phút tại Block D, khu căn hộ chung cư 584 đường Lũy Bán Bích, TPHCM, sự việc khiến nhiều người hoảng loạn. Trong trường hợp này nhóm đối tượng nào sẽ phải chịu trách nhiệm thưa Luật sư?

Luật sư Chu Văn Tiến: Trong trường hợp này, rõ ràng đơn vị quản lý, vận hành và bảo trì đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, không kịp thời có mặt sửa chữa và khắc phục sự cố nên đương nhiên phải chịu trách nhiệm bồi thường và có thể phải trả tiền phạt hợp đồng nếu như trong hợp đồng dịch vụ giữa hai bên có quy định.

Tuy nhiên, nếu ban quản trị tòa nhà đã nhận tiền quản lí, vận hành, bảo trì thang máy từ chủ đầu tư và các hộ chung cư nhưng không kí kết hợp đồng dịch vụ vận hành, bảo trì thì tất cả những người trong Ban quản trị đều phải chịu trách nhiệm bồi thường trong vụ việc này.

Theo đó, những cư dân trong chung cư có thể yêu cầu bồi thường những thiệt hại sau:

Những người bị thiệt về sức khỏe phải đi cấp cứu sẽ được bồi thường tiền khám chữa bệnh, tiền cấp cứu và tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe sau khi ra viện. Nếu do quá sự hãi ảnh hưởng đến sức khỏe phải nghỉ làm thì được bồi thường phần thu nhập thực tế bị mất, giảm sút trong những ngày nghỉ việc phù hợp với tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, những người bị tổn hại về sức khỏe còn có thể yêu cầu bồi thường về tinh thần do sức khỏe giảm sút, lo lắng quá độ. Mức bồi thường này do hai bên tự thỏa thuận.

Không những được bồi thường về sức khỏe mà cả chung cư còn được bồi thường khoản tiền tương ứng với thiệt hại về tài sản do việc thực hiện cứu hộ gây ra, chi phí chi trả cho bên thực hiện việc cứu hộ.

Xin cảm ơn Luật sư!

Thanh Trầm (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm