Nơi người mù tìm lại ánh sáng cuộc đời (kỳ cuối):

Cô gái khiếm thị 4 lần khăn gói đi tìm Giám đốc Sở đòi được học

Hạnh Linh

(Dân trí) - Cô gái mù lòa 4 lần đạp xe tìm gặp, xin Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo được đi học, chị Nguyễn Thị Mạo giờ đã thành nhân vật truyền cảm hứng cho những người cùng cảnh ngộ.

Lời tòa soạn

Đến Trung tâm giáo dục dạy nghề, Hội người mù tỉnh Thanh Hóa có thể nghe bao chuyện thân phận của những người khiếm thị. Thế giới của họ bị bủa vây bởi bóng đêm, vượt qua bóng tối là khoảng sáng của cuộc đời. Mái nhà chung đã "chắp cánh" cho những người khiếm thị không còn định hình được sắc màu của cuộc sống, nuôi sống bản thân, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Báo Dân trí cùng ghi lại những câu chuyện truyền cảm hứng đó trong loạt bài "Nơi người mù tìm lại ánh sáng cuộc đời".

Đạp xe mấy chục cây số tìm gặp Giám đốc Sở 

Chị Nguyễn Thị Mạo (45 tuổi) có một căn phòng nhỏ tại Hội người mù tỉnh Thanh Hóa. Đây là phòng làm việc riêng, cũng là mái ấm của hai mẹ con chị. Đồ đạc trong căn phòng tối giản, được xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Cô gái khiếm thị 4 lần khăn gói đi tìm Giám đốc Sở "đòi" được học (Video: Hạnh Linh).

Gần 30 năm qua, chị Mạo không còn oán trách người gây ra tai ương, khiến chị vĩnh viễn mất đi đôi mắt sáng. Chị cho đó là một thử thách khắc nghiệt trong cuộc sống mà bản thân phải vượt qua.

Chị Mạo kể, năm 18 tuổi, do biến cố trong tình yêu, chị trở thành nạn nhân trong một vụ tạt axit dẫn đến mù đôi mắt.  

Cô gái khiếm thị 4 lần khăn gói đi tìm Giám đốc Sở đòi được học - 1

Chị Nguyễn Thị Mạo - Phó Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

Kể từ đó, cuộc sống của chị thuộc về thế giới của bóng đêm. Bị mù, chị Mạo nghỉ học, sống khép mình. Thấy con ngày càng gầy mòn, tự ti, bố mẹ đưa chị đến Hội người mù huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa để học lớp chữ nổi.

Sau thời gian học, sử dụng chữ nổi thành thạo, năm 2000, chị Mạo vượt qua được biến cố cuộc đời, tự tin trở lại trường học cũ với hy vọng tái hòa nhập cùng các bạn. Nhưng chị không biết, ở thời điểm đó, không ai dám nhận một học sinh mù.

"Thầy hiệu trưởng cầm đơn xin học của tôi và nói, trong nhiều năm đứng bục giảng, thầy chưa dạy học sinh khiếm thị nào. Rồi thầy bảo tôi phải đến Sở Giáo dục và Đào tạo xin, có ý kiến của Sở, thầy sẽ đồng ý nhận", chị Mạo nhớ lại.

Cô gái khiếm thị 4 lần khăn gói đi tìm Giám đốc Sở đòi được học - 2

Chị Mạo trong một lần lên lớp, trò chuyện với học sinh khiếm thị tại Trung tâm dạy nghề, Hội người mù tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

Dù bố mẹ và thầy cô nói không thể đi học với đôi mắt mù lòa nhưng khát khao được đến trường trỗi dậy, chị Mạo nhờ em trai tìm đường xuống thành phố, rồi cùng chiếc xe đạp vượt 20km tìm gặp Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Sau 4 lần đạp xe "gõ cửa" Sở Giáo dục và Đào tạo, chị gặp được bà Chu Thị Huệ, quyền Giám đốc Sở lúc bấy giờ.

"Tôi gửi đơn và nói cháu muốn được đi học như các bạn mắt sáng. Không chần chừ, cô Huệ phê vào tờ đơn xin học của tôi với nội dung đề nghị nhà trường cho em Nguyễn Thị Mạo được tiếp tục quay lại học lớp 10 tại trường", chị Mạo xúc động nói.

Có ý kiến của giám đốc Sở, chị Mạo được quay lại trường học. Năm 2003, chị được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc cách cấp bằng tốt nghiệp THPT.

"Tôi là người mù đầu tiên ở Thanh Hóa tốt nghiệp THPT. Từ đó về sau, những người khiếm thị như tôi khi học hết cấp 3 đều được đặc cách cấp bằng mà không phải thi tuyển. Biết tôi đi học được giao lưu với các bạn, được biết chữ, sau này có thêm nhiều người khiếm thị khác cũng nỗ lực học tập, học hết cấp 3 rồi cao đẳng, đại học", chị Mạo nói.

Mẹ đơn thân, mù lòa truyền cảm hứng

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị Mạo được tuyển vào làm giáo viên tại Trung tâm Hội người mù huyện Thiệu Hóa. Cũng từ đó, ánh sáng cuộc đời dường như trở lại với chị.

Công tác tại trung tâm, cô giáo Nguyễn Thị Mạo trở thành điểm tựa tinh thần, thắp sáng niềm tin cho nhiều thế hệ người mù ở địa phương. Nỗ lực vượt lên chính bản thân mình, sau nhiều năm, chị được bầu làm Chủ tịch Hội người mù huyện Thiệu Hóa vào tháng 11/2003.

Cô gái khiếm thị 4 lần khăn gói đi tìm Giám đốc Sở đòi được học - 3

Chị Mạo trao đổi công việc với đồng nghiệp trong cơ quan (Ảnh: Hạnh Linh).

Đến năm 2006, chị quen và kết hôn với một người đàn ông cũng chung khiếm khuyết giống mình. Những ngày đầu, đôi vợ chồng mù lòa sống một cuộc sống hạnh phúc, bình yên. Năm 2008, chị sinh con gái đầu lòng.

"Ngày sinh con gái, tôi như vỡ òa trong hạnh phúc. Lúc y tá đặt con lên tay, tôi chỉ ước giá như có thể nhìn thấy gương mặt của con gái", chị Mạo tâm sự.

Những tưởng có con, có gia đình, cuộc đời chị bước sang trang mới, thế nhưng, một lần nữa biến cố lại xảy đến, thử thách người phụ nữ ấy. Khi con gái vừa tròn 1 tuổi, vợ chồng chị Mạo đổ vỡ. Cuộc sống gia đình của hai người mù quá vất vả, chồng chị nói lời chia tay để lại một mình chị gồng gánh nuôi con.

Chia tay chồng, chị Mạo phải đóng cùng lúc hai vai, vừa làm mẹ, vừa làm bố. Cuộc sống chông chênh, vất vả, đôi lúc chị cảm thấy bế tắc nhưng nghĩ về con gái, chị lại có thêm động lực, mạnh mẽ bước qua chuỗi ngày khó khăn.

Nhắc về cô con gái, chị Mạo cho biết đó là một hành trình đầy gian nan của hai mẹ con.

"Việc mang bầu với người mù đã rất khó khăn, đến khi sinh nở, nuôi nấng, chăm sóc con càng khó khăn gấp bội. Không có chồng bên cạnh, một mình tôi chật vật chăm con. Thời gian đầu pha sữa, tôi thường xuyên bị bỏng nước sôi. Rồi khi con tập bò, tập đi trong nhà, vì sợ va vào con nên tôi đeo vào chân bé cái dây trang sức gắn lục lạc để biết con đang ở hướng nào", chị Mạo tâm sự.

Cô gái khiếm thị 4 lần khăn gói đi tìm Giám đốc Sở đòi được học - 4

Chị Mạo cùng con gái Phương Anh (Ảnh: Hạnh Linh).

Thời gian trôi qua, cuộc sống của mẹ con chị Mạo giờ đây đã khác. Chị cho biết, con gái vừa thi đậu THPT. Bản thân chị hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thanh Hóa.

Chia sẻ về mẹ, con gái chị Mạo xúc động nói, mẹ là người đã truyền nghị lực để em vươn lên trong cuộc sống.

"Mẹ bảo rằng ở đời không có con đường cùng chỉ có những ranh giới và điều quan trọng là phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới đó. Cháu sẽ chăm chỉ học hành, nuôi ước mơ trở thành cô giáo và nguyện làm đôi mắt sáng, mang niềm vui về thế giới tươi đẹp đến với mẹ", cô nữ sinh nói.

Đánh giá về người phụ nữ đầy nghị lực ấy, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Xuân Trung cho biết: "Cô Mạo là một trong 3 người ở Hội người mù tỉnh Thanh Hóa vừa làm quản lý vừa tham gia giảng dạy. Dù đôi mắt không nhìn thấy học trò nhưng cô luôn biết học trò đang trong tâm thế nào. Cô còn là người truyền cảm hứng giúp các em bị mù lòa dần bỏ qua mặc cảm, sống tích cực, nỗ lực hơn".