Nơi người mù tìm lại ánh sáng cuộc đời (kỳ 3):

Chàng trai mù chơi thuần thục 4 loại nhạc cụ

Hạnh Linh

(Dân trí) - 20 năm sống với đôi mắt mù lòa, nhưng thế giới của Kiên luôn sôi động bởi tình yêu dành cho nghệ thuật. Kiên là một trong những đứa trẻ hiếm ở hội người mù chơi được 4 loại nhạc cụ.

Mỗi năm học một loại nhạc cụ

Gặp Vũ Quang Kiên (20 tuổi, thôn Nguyễn Phú Lâm, xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) vừa lúc kết thúc tiết mục biểu diễn bằng nhạc cụ trống sôi động. Kiên có nước da trắng, dáng cao, nổi bật hơn cả trong nhóm nhạc của nhiều lứa tuổi nhưng điểm chung của họ là đều bị mù lòa…

Kiên là con thứ hai trong gia đình có 3 anh chị em ở vùng quê nghèo. Em là đứa trẻ thiệt thòi khi bị mù bẩm sinh. Năm lên 10 tuổi, bố mẹ Kiên đưa con ra Trung tâm giáo dục dạy nghề, Hội người mù Thanh Hóa để học chữ nổi, hòa cùng các bạn đồng cảnh ngộ.

Chàng trai mù chơi thuần thục 4 loại nhạc cụ - 1

Vũ Quang Kiên chơi trống trong buổi tập cùng đội văn nghệ ở Hội người mù tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

Chàng trai mù chơi thuần thục 4 loại nhạc cụ

Xa nhà, những ngày đầu ở môi trường mới, Kiên lạc lõng, phải tự chăm sóc bản thân. Kiên từng có suy nghĩ tiêu cực rằng mù lòa thì sao có thể học, học thì để làm gì.

Nhưng rồi, ở trung tâm em gặp được nhiều người đồng cảnh ngộ. Thậm chí có nhiều người không những bị mù đôi mắt mà còn bị bại não, tăng động,… nhưng vẫn kiên trì nỗ lực. Kiên đã không còn tự ti, ngoài học chữ còn được thầy cô dạy nghề.

Khi học các môn nghệ thuật, Kiên rất hào hứng, yêu thích, học nhanh, hiểu bài. Đến nay, điều ít ai tin là chính Kiên, cậu bé từng có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân lại là chàng trai đa tài, có thể chơi thuần thục 4 loại nhạc cụ khác nhau như đàn guitar, piano, organ và trống.

Chàng trai mù chơi thuần thục 4 loại nhạc cụ - 2

Kiên đưa ra mục tiêu mỗi năm sẽ học một loại nhạc cụ (Ảnh: Hạnh Linh).

Kiên chia sẻ, từ nhỏ sống trong thế giới của bóng tối, mỗi khi nghe nhạc em đều thấy tâm hồn mình phấn chấn, nhẹ nhõm, yêu đời. Em không còn cô đơn khi có thêm những sắc màu của âm nhạc. Chính âm nhạc cho em nghị lực để sống, để yêu bản thân hơn.

Với một người mắt sáng, để học được các loại nhạc cụ đã khó, đằng này với một người khiếm thị như Kiên thì thử thách ấy càng nhân lên gấp bội. Theo Kiên, ban đầu em chưa định hình được các nốt nhạc nhưng nhờ sự chỉ dẫn tận tình của các thầy cô, em dần bắt nhịp một cách nhanh chóng.

Kiên cho biết, mỗi loại nhạc cụ đều có những cái khó riêng. Với trống thì phải học thuộc nhịp, đến guitar thì phải xác định được các nốt nhạc từ Đô đến Si để diễn tả được độ cao. Đàn piano, organ bắt buộc phải nhớ các nốt nhạc, biết kết hợp hài hòa nhịp điệu giữa hai tay để tạo ra bản nhạc hay,…

"Em bắt đầu niềm đam mê của mình với trống sau đó là đàn guitar, đàn piano rồi đến organ. Mục tiêu mỗi năm em sẽ học một loại nhạc cụ. Em nghĩ rằng không chỉ là tình yêu với nghệ thuật, mà mình chơi hay, chơi giỏi thì sau này mới có thể đi biểu diễn, thêm thu nhập, nuôi sống bản thân. Thời gian tới em học thêm một số loại nhạc cụ khác", Kiên trải lòng.

Chàng trai mù chơi thuần thục 4 loại nhạc cụ - 3

Một buổi học hát Chầu Văn của học sinh khiếm thị tại Hội người mù tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

Nói về những buổi biểu diễn trên sân khấu, Kiên cho biết, em cũng rất run nhưng nghe âm thanh reo hò, cỗ vũ của khán giả, em tự tin hơn. Khi diễn xong những tràng pháo tay vang lên cùng những lời tán thưởng giúp chàng trai thiếu may mắn  có thêm động lực để tiếp tục chinh phục thử thách. 

Xây ước mơ cho người khiếm thị

4 năm học nghệ thuật, Kiên cùng các bạn ở trung tâm đã được đi lưu diễn ở nhiều nơi như thư viện, trường học, bưu điện tỉnh… Thấy Kiên được đi diễn, chơi được nhiều loại nhạc cụ các bạn trong trung tâm ai cũng tán dương. Rồi tạo thành trào lưu học nhạc với ước mơ sau này có thể đi diễn để nuôi sống bản thân. Nhưng không phải ai cũng có thiên phú như Kiên.

Là cô giáo dạy môn nghệ thuật nhạc cụ dân tộc dân gian, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thiên Hương cho biết, sở dĩ ở đây có nhiều con hát hay, đàn giỏi và chơi được nhiều nhạc cụ như Kiên đó là do các em có niềm đam mê, có ý chí, nghị lực.

Chàng trai mù chơi thuần thục 4 loại nhạc cụ - 4

Các em luyện tập hăng say với mong muốn sau này có thể tự lực nuôi sống bản thân bằng việc đàn, hát (Ảnh: Hạnh Linh).

Dù đôi mắt không nhìn thấy cô, các bài hát chỉ được nghe, chép ra chữ nổi, song các học trò phản xạ rất nhanh, nắm bắt bài hát, nhịp nhạc rất tốt.

Lớp học bộ môn này có 14 học sinh. Một tuần có 8 tiết học nhưng các học sinh đã rất cố gắng, chỉ sau 2 tuần là các em đã tự tin biểu diễn trước hàng trăm khán giả.

"Học hát nhạc dân gian không chỉ phát triển đam mê, bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mà sau này các em có thể đi biểu diễn để kiếm thu nhập, nuôi sống bản thân", Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thiên Hương nói.

Bà Nguyễn Thị Mạo, Phó chủ tịch Hội người mù tỉnh Thanh Hóa cho biết, cùng với lớp dạy chữ, trung tâm cũng mở các lớp dạy nghề và đào tạo nâng cao tay nghề cho hội viên. Các ngành nghề chính được đào tạo như sản xuất tăm sơ chế, tăm thành phẩm, tẩm quất cổ truyền, xông hơi, bấm huyệt…

Hơn 20 năm qua có hơn 1.000 lượt hội viên được học các ngành nghề khác nhau. Số lượng người mù có việc làm ngày càng tăng. Đến nay, thu nhập bình quân của người mù có việc làm là 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.

Chàng trai mù chơi thuần thục 4 loại nhạc cụ - 5

Học nghệ thuật giúp trẻ Khiếm thị tự tin, hòa nhập (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo bà Mạo, với mong muốn, người khiếm thị không chỉ dừng lại ở những công việc như tẩm quất hay bán tăm tre mà trung tâm đã đưa vào học các môn nghệ thuật để giảng dạy, đào tạo với hi vọng có thêm cái nghề cho các học viên. Từ tháng 9/2022 trung tâm thuê người dạy các em hát Chầu Văn, hát Xẩm.

"Việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho Chầu Văn và Xẩm rất tốn kém. Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn trong việc thuê giáo viên dạy bộ môn nghệ thuật này, bởi kinh phí thuê cao, nhiều người không muốn dạy. Ý tưởng lấy nghệ thuật làm "bàn đạp" để các học viên sau này tự nuôi sống bản thân dù thiết thực nhưng cũng đang gặp khó nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ", bà Mạo nói.