1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

200 người đóng đủ bảo hiểm vẫn bị "treo" lương hưu: 3 hướng giải quyết

Hoa Lê

(Dân trí) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã báo cáo 3 phương án giải quyết quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó hàng trăm người đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Trong báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi Chính phủ mới đây, đơn vị cho biết, tính đến 30/5/2023, có 3.567 chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có 275 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

Xét theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội, có 1.334 người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 15 năm, trong đó có 380 trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu, 200 người đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo quy định của pháp luật, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

Do việc này thực hiện không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng chế độ, trong đó có nhiều trường hợp đã đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Trước thực trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất 3 phương án giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Phương án 1: Tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chế độ tương ứng và đưa nội dung này vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Về đề xuất này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận thấy sẽ đảm bảo nguyên tắc đóng, hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm.

200 người đóng đủ bảo hiểm vẫn bị treo lương hưu: 3 hướng giải quyết - 1

Quá trình đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của một chủ hộ kinh doanh cá thể (Ảnh: NVCC).

Phương án này kịp thời việc giải quyết các chế độ, đặc biệt là hưu trí đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu. Các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu và có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thực hiện đóng bù bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng ngay lương hưu.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, phương án 1 sẽ giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với chủ hộ kinh doanh 

Bên cạnh đó, khi giải quyết chế độ hưu trí, giúp chủ hộ kinh doanh cá thể ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, không phát sinh đơn thư, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 28.

Phương án 2: Hoàn trả tiền đã đóng và thu hồi số tiền đã chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ các chủ hộ.

Việc giải quyết theo phương án này giúp nhiều chủ hộ tuổi cao sẽ không còn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để có lương hưu. Từ đó, dẫn đến đời sống của họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi về già, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tạo áp lực cho ngân sách nhà nước khi phải trợ cấp xã hội khi cao tuổi và có thể phát sinh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Phương án 3: Tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chế độ theo quy định đối với chủ hộ và đưa nội dung này vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi như phương án 1.

Đối với trường hợp chủ hộ muốn thay đổi nguyện vọng, có nhu cầu hoàn trả thì cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện hoàn trả số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Từ các phương án nêu trên, cơ sở đề xuất, đánh giá tác động rõ ưu nhược điểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất phương án 1 để giải quyết những vướng mắc cho chủ hộ kinh doanh cá thể.