(Dân trí) - Mẹ bỏ đi biệt tích, để Hoàng và em gái 16 tháng tuổi sống cùng ông, bà ngoại. Mới đây, bà ngoại bị đột quỵ qua đời, 3 ông cháu rơi vào tình cảnh khó khăn.
Dưới mái hiên của căn nhà nhỏ, với những mảnh tường nứt toác, sắp sập Nguyễn Ngọc Kim Hoàng (8 tuổi, thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) với chiếc áo cũ, rộng thùng thình đang làm bài tập lớp 3, để chuẩn bị cho năm học mới.
Viết dở nửa trang giấy, nhưng thấy em gái 16 tháng tuổi chạy chân đất, nheo nhóc dưới sân phơi nóng rát, Hoàng vội bỏ bút xuống bàn nhựa cũ rích để bế em vào nhà.
"Từ lúc nhỏ đến năm 6 tuổi con mới biết mặt mẹ, khi mẹ về sinh em. Sinh em được nửa tháng mẹ bỏ đi biệt tích, không về nữa", giọng buồn bã Hoàng kể.
Con gái bỏ đi, buổi sáng ông Nguyễn Ngọc Giỏi (45 tuổi) đi bán trứng gà tại các xã vùng cao, còn vợ ông ở nhà trông 2 cháu nhỏ. Đến chiều ông về trông cháu, bà lại đi phụ bán cá viên chiên ở con đường trung tâm xã. Dù thiếu trước hụt sau, nhưng các cháu vẫn có cơm ăn bữa rau, bữa thịt.
Số phận trớ trêu, khi vào giữa tháng 5, vợ ông Giỏi đột quỵ, ngã lăn ra đất. Dù đã được gia đình đưa đi cấp cứu, nhưng bà không qua khỏi.
Thế là gánh nặng lại đè lên vai ông Giỏi khi vừa phải trông nom, vừa phải lo cái ăn, cái mặc đến chuyện học hành cho 2 cháu.
Theo ông Giỏi, hiện tại, nếu các cháu không đau ốm, ông sẽ chở trứng gà đi bỏ mối sỉ, kiếm được chừng 50.000-70.000 đồng/ngày để lo cái ăn cho 2 cháu. Số tiền kiếm được ít ỏi, nên ông Giỏi không thể chăm sóc, nuôi dưỡng Hoàng và em gái đủ đầy như nhiều gia đình khác.
"Nhiều lúc em đói, khát sữa, ông ngoại chắt nước nấu cơm khuấy với đường cho em uống", Hoàng kể lại.
Biết ông vất vả, nên hôm nào ngoại đi bán trứng, Hoàng ở nhà chăm em, nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Có hôm ông về trễ, Hoàng vừa làm chị, vừa làm mẹ đút cơm cho em ăn rồi ru em ngủ, nằm chờ ngoại về mới cắp sách đến trường.
Cô Nguyễn Thị Hồng Tân (giáo viên chủ nhiệm lớp 2 của Hoàng), Trường Tiểu học Xuân Phước số 1, cho biết Hoàng là đứa trẻ lanh lợi, chăm ngoan nhưng tuổi thơ lắm bất hạnh khi mẹ bỏ đi từ nhỏ, sống cùng ông ngoại trong cảnh thiếu thốn vất vả.
"Các bạn khác đều được bố mẹ đưa đón, còn Hoàng có hôm phải lủi thủi ngồi chờ ở sân trường vì ông ngoại đi bán về trễ, nhìn rất thương. Biết cháu hoàn cảnh côi cút nên nhà trường, thầy cô đều quan tâm, động viên cháu trong chuyện học hành", cô Tân nói.
Ông Nguyễn Ánh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phước, cho biết hộ ông Giỏi trước đây cũng khó khăn, tuy nhiên 2 vợ chồng còn độ tuổi lao động nên vẫn mưu sinh để sống qua ngày. Mới đây, vợ của ông Giỏi mắc bệnh rồi qua đời, ông một mình chăm 2 cháu ngoại.
Theo ông Tuấn, Hoàng và em gái sống với ông Giỏi từ nhỏ, vì khi sinh các cháu ra người làm mẹ bỏ con, đi biệt tích khỏi địa phương.
"Với những khó khăn đang gặp phải, sắp tới địa phương sẽ bình xét đưa gia đình ông Giỏi vào diện hộ nghèo. Thông qua báo Dân trí, tôi mong mạnh thường quân quan tâm, giúp đỡ để ông Giỏi có điều kiện sửa lại nhà cửa và kinh phí nuôi các cháu ăn học nên người", Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phước chia sẻ.