(Dân trí) - Trận lũ lịch sử đã qua hơn 1 tháng nhưng người cựu binh Đỗ Cao Thắng ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang vẫn chưa hết bàng hoảng kể, lũ về nhanh quá, sợ nhà sập, vợ chồng ông chạy vội lên nhà thờ lánh nạn.

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhớ đêm nhanh chân chạy lũ, khi về nhà hoa màu mất trắng

Ngôi nhà lá 3 gian lợp lá cọ nằm dưới chân đồi, từ cánh cửa cho đến cột kèo đều bị mối mọt xuống cấp theo thời gian. Ông Đỗ Cao Thắng (SN 1952, trú tại thôn Nam Kha, xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) - người cựu binh từng vào sinh ra tử trong thời kì kháng chiến chống Mỹ kể, ngôi nhà này được các cụ thân sinh làm từ năm 1960 và để lại cho vợ chồng ông.

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 1

Ông Đỗ Cao Thắng - người cựu binh trong kháng chiến chống Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại, trận lũ lịch sử vừa qua nước dâng lên ngập ngang nóc nhà. Vợ chồng ông nhanh chân chạy lên nhà thờ lánh nạn trước khi lũ nhấn chìm toàn bộ xung quanh nhà (Ảnh: Quang Dương).

Ngồi bên cạnh ông, bà Tạ Thị Phong (1963) vợ ông Thắng thì nhớ, năm 1982, bà về làm dâu cho đến bây giờ đã 3 lần thay mái nhà. Bà bảo, giờ mà thay mái nhà, kiếm lá cọ cũng khó.

Khi chúng tôi đến, cây cối trong vườn nhà ông Thắng vẫn còn bám nguyên bùn đất sau trận lũ lịch sử vừa đi qua để lại. Người cựu binh nhớ lại, từ ngày mồng 8/9, trời đã bắt đầu mưa. Ngày mồng 9 tháng 9, mưa mỗi lúc một to, mưa như trút nước, gió rít lên từng hồi khiến mái nhà rung lên bần bật, cây cột cái kèo kẽo kẹt như muốn rơi ra.

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 2

Theo ông Thắng, ngôi nhà lá này của vợ chồng ông đang sinh sống là do các cụ làm từ năm 1960 và để lại cho vợ chồng ông. Căn nhà hiện đã xuống cấp, trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã khiến nhiều cột, kèo bị xô lệch, có thể đổ sập bất cứ lúc nào (Ảnh: Quang Dương).

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 3

Nhiều cây cột và cánh cửa nhà đã bị mối mọt gặm nhấm, hư hại (Ảnh: Quang Dương).

Đến chiều mồng 9 tháng 9, trời vẫn mưa rầm rầm, lúc này ông nhìn ra vườn thấy lũ đột ngột tràn về dâng cao. Ông Thắng khóa cửa nhà và xách theo 2 cái quạt điện là tài sản đáng giá nhất của gia đình rồi cùng bà chạy thục mạng ngược lên đỉnh đồi để vào nhà thờ nương náu.

Ông Thắng kể, gia đình ông theo đạo Công giáo, nhà ở ngay dưới chân nhà thờ. Theo quan niệm của người Công giáo, chạy lên nhà thờ vừa là nơi cao, vừa là để Chúa che trở.

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 4

Ông Thắng kể, vợ chồng ông cùng một số nhà hàng xóm đã may mắn thoát khỏi trận lũ nhờ được tá túc tại nhà thờ (Ảnh: Quang Dương).

Khi chạy được lên tới sân nhà thờ, ông Thắng nhìn xuống khu vườn nhà mình thì đã mênh mông nước, chỉ hở mỗi nóc nhà và vài ngọn cây. Vợ chồng ông Thắng cùng một số gia đình hàng xóm ở trên nhà thờ tránh lũ được 4 ngày thì nước lũ mới bắt đầu rút.

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 5

Toàn bộ vườn mía cùng hoa màu trong vườn nhà ông Thắng, bà Phong bị ngập úng, thân cây bị thối, cho cũng không ai lấy (Ảnh: Quang Dương).

Theo ông Thắng, những ngày tránh lũ ở nhà thờ, gia đình ông và hàng xóm đã được chính quyền địa phương và các đoàn từ thiện tiếp tế từ mì tôm, nước lọc và các loại lương thực, thực phẩm đủ dùng trong nhiều ngày.

Khi vợ chồng ông Thắng trở về nhà thì đồ đạc trong nhà trôi mỗi thứ một nơi. Gia đình ông chăn nuôi thêm mấy con lợn, con gà cũng bị lũ cuốn. Vườn mía trước đây bán một bó cũng được trăm nghìn đồng thì giờ ngập úng, thối cây cho cũng không ai lấy.

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 6

Bà Phong xót xa bên vườn mía. Nếu vườn mía không bị hỏng thì mỗi vác mía vợ chồng bà cũng bán được 100 nghìn đồng, có thêm thu nhập mỗi ngày (Ảnh: Quang Dương).

Chính quyền xã mong muốn các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ gia đình cựu binh

Người cựu binh đã ở cái tuổi ngoài 70 nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn. Ông kể, tham gia đi lính từ những năm 1970 ở Trung đoàn Đặc công chiến đấu từ chiến trường Tây Nguyên rồi kéo quân về giải phóng Sài Gòn.

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 7

Người cựu binh đôi mắt ậng đỏ nhớ lại những ngày tháng ở chiến trường. Ông bảo, mình vẫn còn may mắn được trở về quê hương, lập gia đình. Nhiều đêm ông nằm mơ thấy cảnh chiến trường ngày xưa mà giật mình hét toáng lên khiến gia đình thức giấc (Ảnh: Quang Dương).

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 8

Những trang hồ sơ cách đây đã ngót 50 năm vẫn được ông Thắng lưu giữ cẩn thận (Ảnh: Quang Dương).

Người cựu binh đôi mắt ậng đỏ, ông bảo nhớ nhất là những trận đánh ở ngã 3 Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn. Nhưng ông không muốn nhắc đến nữa vì chiến tranh quá khốc liệt. 50 năm rồi nhưng đến giờ nhiều đêm nằm ngủ ông vẫn mơ thấy và hét lên khiến cả nhà giật mình tỉnh giấc.

Người cựu binh tâm sự, ông được lành lặn trở về quê hương xây dựng gia đình là may mắn lắm rồi. Nhiều đồng đội của ông đã phải nằm lại chiến trường, có người bây giờ vẫn còn chưa được tìm thấy.

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 9

Người cựu binh và chiếc Huân chương cao quý đầy ắp kỉ niệm (Ảnh: Quang Dương).

Ông Thắng cho biết thêm, năm 1982 thì ông lập gia đình. Năm 1984 ông xuất ngũ trở về quê hương, đến nay có 4 người con, trong đó có 3 con gái và 1 con trai đã dựng vợ, gả chồng, mỗi đứa một nơi, gia đình còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, vợ chồng ông bà sống với nhau nhờ đồng tiền trợ cấp do ông Thắng bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin tới 61%. Ngoài ra, ông bà cũng nuôi thêm con lợn, con gà, trồng ít mía để tăng thu nhập nhưng trận lũ vừa qua khiến lợn gà bị cuốn trôi, vườn mía cũng bị ngập úng thối hết.

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ - 10

Bà Tạ Thị Phong, người vợ tần tảo của người cựu binh Đỗ Cao Thắng (Ảnh: Quang Dương).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Tuyền, cán bộ Văn hóa - Xã hội, phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội của xã Trung Hòa cho biết, hoàn cảnh gia đình ông Thắng hết sức khó khăn. Nguồn ngân sách của xã từ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" mỗi năm cũng chỉ có 5-7 triệu đồng lại phải chia đều cho nhiều hộ gia đình khác nên muốn giúp đỡ gia đình ông Thắng thật sự cũng rất khó.

Vì vậy, chính quyền địa phương rất mong muốn thông qua báo Dân trí, được các mạnh thường quân, bạn đọc ủng hộ để ông Thắng có điều kiện xây ngôi nhà kiên cố, tránh mưa, tránh bão và là nơi ở của vợ chồng ông khi đã ở tuổi xế chiều.

Mã số 5374:

Người cựu binh trong căn nhà sắp sập, nhanh chân chạy lên nhà thờ tránh lũ

03/11/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng hoàn cảnh

Báo Dân trí