Con trai 11 tuổi của chị Thúy bị phát hiện mắc ung thư máu, cần 600 triệu đồng để chữa trị. Số tiền vượt quá khả năng của gia đình, cô giáo mầm non khẩn cầu cộng đồng giúp đỡ để con có cơ hội sống.
Gia đình chị Võ Thị Thanh Thúy (39 tuổi, ngụ ấp Bình Lộc, xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, Bến Tre) ở trong căn nhà lá lụp xụp nằm giữa vùng đầm nước mênh mông. Mảnh đất không có lối vào mà phải đi nhờ trên đường bờ ao ngoằn nghèo, lồi lõm của hàng xóm.
Ngôi nhà rộng chừng 20m2, được chia ra mấy góc chức năng cho tất cả các nhu cầu ở cơ bản của một gia đình. Ngay cửa vào không phải bàn tiếp khách mà là chiếc giường nhỏ, nơi bé Thịnh (11 tuổi, con trai chị Thúy) đang nằm.
"Em để con nằm đây cho thoáng, cháu nó mới về chiều hôm qua, ngày kia lại đi. Giờ cháu cứ định kỳ một tuần phải lên bệnh viện một lần, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà", chị Thúy nói với vẻ ngượng ngùng khi ngôi nhà nhỏ không có chỗ để mời khách ngồi.
Thịnh nằm im trên giường, thở khẽ. Cậu bé cố cười chào khách nhưng cũng không giấu được sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt.
Chị Thúy cẩn thận đắp cho con tấm chăn mỏng, mới xong đợt hóa trị nên cậu bé rất yếu. Người phụ nữ vừa vỗ về động viên, vừa ân cần đút cho con trai từng thìa sữa.
"Hôm trước Tết Nguyên đán 1 tuần cháu bỗng ho sốt, sụt cân thấy rõ. Vợ chồng em đưa con lên TPHCM khám thì bác sĩ lập tức yêu cầu cháu nhập viện truyền máu. Rồi mấy ngày sau, bệnh viện thông báo cháu bị ung thư máu.
Nghe tin như sét đánh, em đổ gục, khóc mấy ngày trời. Nhưng rồi cũng phải nén đau buồn để lo cho con. Kể từ đó đến nay cháu nhập viện nội trú, 2 vợ chồng cứ đi lên đi về với con", chị Thúy ngậm ngùi.
Người phụ nữ kể, chị là giáo viên mầm non, tiền lương không nhiều. Thế nhưng 5 năm nay lương của chị Thúy gần như là thu nhập duy nhất của gia đình, vì vậy nên "tiền trong nhà cứ tháng nào hết tháng đó".
Anh Hùng (41 tuổi, chồng chị Thúy) trước đây từng là tài xế xe tải. Tuy nhiên sau lần phẫu thuật 6 năm trước, sức khỏe không còn đảm bảo, từ đó anh ở nhà nuôi tôm.
Vậy nhưng xui rủi, mấy năm liền anh Hùng không trúng vụ tôm nào, vốn liếng mất sạch. Giờ đây anh đang nuôi tôm mướn cho người ta theo hình thức nếu có lãi thì được trả công, còn lỗ thì coi như làm không công.
Chị Thúy cho biết, thời điểm Thịnh nhập viện, trong nhà chị chỉ dư mấy triệu đồng lo Tết. Vợ chồng chị phải đi vay mượn khắp nơi để lo cho con.
Cũng theo chị Thúy, hiện mỗi tuần chi phí chữa bệnh cho Thịnh cần khoảng 10 triệu đồng. Quá trình điều trị sẽ kéo dài 2 năm, ước tính tốn khoảng 600 triệu đồng.
"Số tiền điều trị cho con vượt quá khả năng xoay xở của gia đình", chị Thúy buồn rầu.
Ông Nguyễn Văn Hiên, Phó chủ tịch UBND xã Đại Hòa Lộc xác nhận hoàn cảnh của gia đình chị Thúy đang gặp khó khăn do nuôi tôm thua lỗ kéo dài, vì vậy nên chi phí điều trị cho cháu Thịnh vượt ngoài khả năng gia đình có thể xoay xở.
"Chúng tôi được biết, cháu Thịnh đang học lớp 5, ngoan và học giỏi. Chị Thúy là giáo viên mầm non, mọi người cũng đều quý mến.
Biết cháu mắc bệnh, địa phương và nhà trường đã tổ chức kêu gọi giúp đỡ, nhưng chỉ được phần nào. Chúng tôi rất mong mạnh thường quân gần xa chung tay giúp đỡ để cháu có điều kiện chữa bệnh. Thay mặt chính quyền, tôi xin gửi lời cảm ơn đến những nhà hảo tâm giúp đỡ cho cháu", ông Hiên nói.