Trong khi con trai phải điều trị ung thư phổi thì ông Sửu cũng nhập viện vì ung thư trực tràng. Cảnh cha già mặc áo bệnh nhân, chăm con trên giường bệnh khiến ai cũng xót xa.
Cha già khoác áo bệnh nhân chăm con ung thư di căn
Căn bệnh ung thư phổi di căn khiến anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1983, nằm tại khoa Điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An) phải nhờ sự hỗ trợ của bình oxy, thở một cách khó nhọc. Thỉnh thoảng anh Sơn bật ra một tràng ho dài, như muốn vỡ tung cả lồng ngực.
Cụ ông mặc bộ quần áo bệnh nhân, ngồi cạnh giường bệnh anh Sơn lóng ngóng đứng dậy, vỗ vỗ vào lưng giúp anh dễ thở hơn. Ông là Nguyễn Văn Sửu (SN 1949, trú xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), cũng là bệnh nhân và là bố anh Sơn.
"Sơn bị ung thư phổi di căn, còn tôi bị ung thư trực tràng. Hai cha con ở hai khoa điều trị khác nhau. Tôi phát hiện bệnh hồi tháng 8, còn Sơn phát hiện từ tháng 5 năm ngoái. Bình thường vợ Sơn chăm chồng, tôi khỏe hơn một chút, có thể tự lo cho mình. Hôm nay, con dâu về quê xoay tiền, tôi sang khoa này trông con", ông Sửu tâm sự.
Ông Sửu gầy còm trong bộ quần áo bệnh nhân dường như quá rộng, khuôn mặt rầu rĩ. Nhìn cảnh cha già bệnh tật chăm con ốm đau, nhiều người cùng phòng bệnh không khỏi thương cảm.
Anh Sơn là con trai thứ 4 của ông Sửu, phát hiện bị ung thư phổi từ tháng 3/2023. Thời điểm đó, bệnh ung thư của anh đã ở giai đoạn IIIB. Sau 3 tháng hóa xạ trị đồng thời, sức khỏe của anh ổn định hơn. Tuy nhiên, 8 tháng sau, người đàn ông này phải tái nhập viện vì căn bệnh ung thư tái phát, di căn hạch thượng đòn, màng phổi.
Do gia đình không đủ điều kiện kinh tế điều trị đích (sử dụng các thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan tràn của bệnh ung thư), bệnh nhân được tiếp tục điều trị bằng hóa chất. Tuy nhiên, bệnh nhân Sơn bị dị ứng với một số hóa chất nên phải ngừng lại.
Trước tình cảnh này, chị Trần Thị An (vợ anh Sơn) phải vay nóng để thực hiện điều trị đích cho chồng.
Sau 3 tuần điều trị đích, bệnh nhân đáp ứng kém, tổn thương phổi, hạch lan rộng chèn ép trung thất, bác sĩ quyết định chuyển hướng sang xạ trị giảm nhẹ triệu chứng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, khoa Điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết:
"Bệnh nhân tràn dịch màng phổi nhiều, tổn thương viêm phổi bội nhiễm lan tràn, khó thở tăng lên, không đủ điều kiện để xạ trị nên chúng tôi quyết định chuyển tập trung điều trị triệu chứng để hy vọng bệnh nhân cải thiện được. Khi các triệu chứng này cải thiện, chúng tôi mới thực hiện được các bước điều trị tiếp theo".
"Tôi già rồi, chỉ thương con còn trẻ, cháu thơ dại..."
Gần trưa, chị Trần Thị An tất tả đến phòng bệnh của chồng. Người phụ nữ khuôn mặt mệt mỏi nhưng vẫn cố nở nụ cười, hỏi thăm chồng và bố chồng.
Hơn một năm chồng đi viện, chị An phải bỏ công việc trong nhà máy để theo chăm sóc. Nghỉ việc, đồng nghĩa với nguồn thu nhập duy nhất của gia đình cũng mất. Chị cuống cuồng lo cho bệnh tật của chồng, vừa chạy vạy vay mượn tiền bạc thuốc thang, vừa lo cho 2 con nhỏ.
Những lo toan ngày càng chồng chất khi bố chồng chị nhập viện. Nhà vốn đã neo người, mẹ chồng già yếu, chị An phải chạy đi chạy lại giữa 2 khoa điều trị để chăm sóc chồng và bố chồng.
Thương con trai, con dâu, ông Sửu cố gắng tự làm mọi việc. Người đàn ông một thời trận mạc, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin từng mất một người con, tự trách, phải chăng vì bản thân nên con trai mới bị bệnh ung thư.
Nỗi day dứt càng bủa vây khi ông nhìn cảnh con dâu tất tả, lo lắng, con trai bệnh ngày càng trầm trọng. Khoản tiền chế độ dành cho người bị nhiễm chất độc da cam, 2 triệu đồng mỗi tháng, cũng chỉ giúp ông Sửu trang trải một phần chi phí thuốc thang, ăn uống dè sẻn, chứ không hỗ trợ được con dâu chi phí điều trị cho con trai.
"Tôi già rồi, trời kêu lúc nào thì dạ lúc đó. Nhưng thằng Sơn còn trẻ quá, hai đứa con nhỏ dại, đứa út mới có 3 tuổi", ông nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Công, Trưởng khoa Điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, hầu như đội ngũ y, bác sĩ đều biết hoàn cảnh của cha con ông Sửu. Trong khả năng của bệnh viện và của khoa, đã có sự hỗ trợ nhất định đối với bệnh nhân và người chăm sóc về chi phí sinh hoạt cũng như các suất ăn từ thiện.
"Trong hoàn cảnh cùng lúc 2 người đi viện, sẽ là áp lực kinh tế và tinh thần rất lớn đối với cả bệnh nhân cũng như người thân của họ. Chúng tôi rất mong sự sẻ chia của cộng đồng, để bệnh nhân Sơn và bệnh nhân Sửu có thêm kinh phí, phục vụ cho quá trình điều trị lâu dài và tốn kém", bác sĩ Công cho hay.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Chị Trần Thị An (vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Sơn).Địa chỉ: Xóm 11, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Số điện thoại: 0347143455
Số tài khoản: 1041155045 (chủ tài khoản Trần Thị An, Ngân hàng Vietcombank).
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.
Đọc thêm chi tiết về hoàn cảnh MS 5372