Bố khiếm thị, kiếm sống bằng nghề tẩm quất, mẹ vừa làm ruộng vừa làm nghề may rất vất vả nên cậu bé lớp 5 tình nguyện trở thành 'công nhân may' để có tiền nuôi heo, phụ giúp gia đình.

'Công nhân' 10 tuổi và những điểm sáng trong gia đình người khiếm thị

Ngày 8/8, gần 11 giờ trưa, chúng tôi mới tìm được đến nhà của vợ chồng anh Kiều Văn Huyên (SN 1985), chị Nguyễn Thị Hải (SN 1984) ở thôn Phù Long, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Anh Huyên bị khiếm thị từ nhỏ, làm gì cũng khó khăn, không có nghề nghiệp, không có thu nhập. Từ khi trở thành hội viên Hội người mù huyện Phúc Thọ, anh được dạy tẩm quất nên cũng có cái nghề lận lưng.

Đợt này, anh đang đi làm tại một cơ sở tẩm quất ở Hà Đông (Hà Nội). Do mùa hè nhiều khách hơn và cũng do việc đi lại khó khăn nên anh Huyên ít về nhà hơn. Mọi việc trong nhà đều nhờ có chị Hải lo toan, quán xuyến.

Bố khiếm thị, mẹ cơ cực, cậu bé 10 tuổi làm công nhân may - 1

Chị Nguyễn Thị Hải (SN 1984) được bố mẹ chồng và hàng xóm nhận xét là rất chịu thương, chịu khó, gánh vác mọi việc trong nhà (Ảnh: Mạnh Mường).

Anh Huyên có bố mẹ già năm nay đều gần 80 tuổi và 3 người con. Con gái lớn đang là sinh viên năm thứ 2 ngành điều dưỡng; con gái thứ hai đang học lớp 9 và con trai út đang học lớp 5, là cháu Kiều Xuân Phúc (10 tuổi).

Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình, từ việc chăm lo bố mẹ già đến chi phí học hành của 3 con đều phụ thuộc hết vào tiền công từ nghề tẩm quất của anh Huyền và từ 8 sào ruộng cùng nghề may của chị Hải. Dẫu cuộc sống nhiều khó khăn nhưng sự chăm ngoan, mạnh giỏi của các con chính là động lực để hai vợ chồng họ cùng cố gắng.

Cháu Kiều Xuân Phúc nhiều năm liền là học sinh xuất sắc của trường tiểu học xã Long Xuyên. Cậu bé đặc biệt mê bóng đá nên thuộc làu tên các cầu thủ ở đội bóng yêu thích Manchester City.

Bố khiếm thị, mẹ cơ cực, cậu bé 10 tuổi làm công nhân may - 2

Cháu Kiều Xuân Phúc (10 tuổi) đã thành thạo các thao tác máy may như một 'công nhân' thực thụ (Ảnh: Mạnh Mường).

Chị Hải rất tự hào khi nói về con trai: "Thằng bé nhanh nhẹn, sáng dạ lắm, học giỏi lại biết thương ông bà và bố mẹ nữa. Thấy mẹ vất vả, vừa làm ruộng, vừa may đồ nên xin học may để đỡ đần mẹ. Mới học được một tháng mà nay đã thạo việc lắm rồi, làm cũng tươm tươm".

Hàng ngày ngoài giờ học, chị gái lớp 9 và Phúc sẽ ngồi vào máy, làm việc như một 'công nhân' may thực thụ. Phúc chia sẻ rằng: "Học máy may cũng không dễ, nhưng cháu rất thích học để phụ giúp mẹ. Mình mẹ làm mọi việc rất bận và vất vả. Cháu sẽ nuôi heo tiết kiệm, rồi đóng tiền học đỡ cho bố mẹ".

Bố khiếm thị, mẹ cơ cực, cậu bé 10 tuổi làm công nhân may - 3

Bà Nguyễn Thị Là (76 tuổi) rất tự hào khi nói về đứa cháu nội 10 tuổi đang làm 'công nhân' giúp gia đình (Ảnh: Mạnh Mường).

Bây giờ các con đã lớn, những nỗi lo toan, bận bịu của anh Huyên, chị Hải lại khác đi và lớn dần theo các con. Ngày ngày chị Hải tất tả với việc nhà, với 8 sào ruộng và công việc máy may, còn anh Huyên thì đi làm xa suốt. Nay, sắp vào năm học mới, chị Hải rất trăn trở, nặng nề với các khoản phải chi, nhất là tiền đóng góp đầu năm và mua BHYT cho các con.

Bố khiếm thị, mẹ cơ cực, cậu bé 10 tuổi làm công nhân may - 4

Trên gương mặt chị Hải lộ rõ vẻ ưu tư, trăn trở (Ảnh: Mạnh Mường).

"Chúng tôi luôn ưu tiên đóng bảo hiểm cho các con. Nhỡ may có bệnh tật, ốm đau gì đó thì có "phao cứu sinh", đỡ gánh nặng cho gia đình. Nhưng mức đóng bảo hiểm như hiện nay, thực sự vất vả cho những gia đình khó khăn như chúng tôi", chị Hải rầu rĩ thở dài.

Ước có 104 thẻ Bảo hiểm y tế cho con của những hội viên khiếm thị

Theo thống kê sơ bộ từ Hội người mù thành phố Hà Nội, hiện tại, trên địa bàn toàn Thành phố, có 104 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 là con của các hội viên khiếm thị, chưa có điều kiện đóng BHYT. Trong đó có nhiều hoàn cảnh như gia đình hội viên Kiều Văn Huyên.

Anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1990) cũng là hội viên của Hội người mù huyện Phúc Thọ. Anh có 3 con đang độ tuổi đi học và 2 con nhỏ chưa đến tuổi đi học. Trăn trở của hai vợ chồng anh những ngày này cũng là tiền đóng góp và tiền BHYT cho các con.

Bản thân anh Kiên bị khiếm thị từ bé. Hơn chục năm nay, mắt anh kém dần, chỉ nhìn thấy rất mờ, không rõ đường đi, không rõ người. Tình trạng hiện tại chỉ nhìn được khoảng 0,5% nữa. Công việc chính của anh Kiên là tẩm quất tại một cơ sở gần nhà. Hàng ngày anh đi làm đều phải nhờ vợ hoặc bố đẻ đưa đi, đón về.

Bố khiếm thị, mẹ cơ cực, cậu bé 10 tuổi làm công nhân may - 5

Anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1990) vừa được vợ đón về chuẩn bị ăn trưa (Ảnh: Mạnh Mường).

Anh cho biết, mùa hè này là thời điểm đông khách, ngày cao điểm nhất là có 5-6 khách nên mùa hè thu nhập khoảng 5 triệu. Đây đã là mức thu nhập tốt đối với anh Kiên và những người khiếm thị khác. Anh Kiên chia sẻ rằng, những người khiếm thị làm nghề như anh sợ nhất mùa đông, vì khách vắng, thu nhập thấp hẳn.

"Bản thân đã rất thiệt thòi rồi, nên cho dù thế nào cũng cố gắng để các con được đến trường cho bằng bạn bằng bè, mong các con có tương lai tốt hơn. Người khiếm thị chúng em, hễ được quan tâm đã là thấy ấm lòng lắm rồi. Nếu được hỗ trợ BHYT đầu năm học mới thì gia đình bớt hẳn một phần áp lực. Rất mong được các nhà hảo tâm và tòa soạn báo Dân trí quan tâm giúp đỡ ", anh Kiên bày tỏ.

Sau khi gửi danh sách thống kê cho phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Huy Việt, Phó Chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội bày tỏ mong muốn tốt đẹp cho các hội viên còn khó khăn:

"Chúng tôi mong ước có 104 thẻ BHYT cho con của những hội viên khiếm thị, để gia đình họ bớt khổ mà các cháu cũng yên tâm học tập. Rất mong các nhà hảo tâm và tòa soạn báo Dân trí quan tâm giúp đỡ".

'Công nhân' 10 tuổi và những điểm sáng trong gia đình người khiếm thị

Mã số 240311:

Bố khiếm thị, mẹ cơ cực, cậu bé 10 tuổi làm 'công nhân' may

10/08/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí