Hơn 1 tuổi, Bảo Ngọc đã bị ung thư, sau đó lại mắc chứng hẹp thực quản, phải lắp ống truyền thực phẩm vào thẳng dạ dày từ đó đến nay.
Cô bé 4 tuổi nhiều lần vượt qua cửa tử
Bé Trần Nguyễn Bảo Ngọc (SN 2020) là con gái út của anh Trần Quang Minh (SN 1983) và chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1981), thường trú tại khu phố 1, phường 13, quận Tân Bình; tạm trú tại khu phố 3, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM.
Tháng 9/2021, thời điểm TPHCM bùng phát dịch Covid-19, Bảo Ngọc phát bệnh. Khi Ngọc 14 tháng tuổi, nướu của con nổi một cục u nhỏ có đầu trắng, khối u khiến con đau, sốt cao nhiều ngày, uống thuốc giảm đau cũng không hết.
Thấy con đau không chịu nổi, chị Thảo xin giấy đi đường để đưa con đi cấp cứu. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán bé bị áp xe chân răng, cho thuốc về nhà uống vì dịch bệnh phức tạp, không thể nhập viện.
Một tuần sau, khối u càng sưng to và chảy máu nhiều, chị Thảo lại đưa con đi cấp cứu. Thấy khối u lớn bất thường, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nghi ngờ nên làm sinh thiết cho Bảo Ngọc. Kết quả xác định, khối u nằm ở má trái là bướu ác tính do ung thư mô mềm.
Khối u phát triển lớn nên các bác sĩ đề nghị cho bé hóa trị trước khi phẫu thuật. Bảo Ngọc được chuyển sang Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, rồi sang Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiến hành hóa trị tấn công.
Đã 3 năm trôi qua, Bảo Ngọc cứ chuyển qua chuyển lại từ Bệnh viện Nhi đồng 1 sang Bệnh viện Ung bướu để hóa trị kết hợp điều trị triệu chứng, thời gian nằm viện còn nhiều hơn ở nhà.
3 năm tuổi thơ của Ngọc là những chuỗi ngày truyền hóa chất đến cháy ven, chọc tủy đau thấu tâm can, sốt 40 độ kéo dài nhiều ngày, uống sữa vào là nôn, tiểu ra máu trong vô thức khi hôn mê…
Chị Thảo cho hay: "Mấy lần tưởng con không qua khỏi. Có đợt con hôn mê kéo dài, bác sĩ bảo gia đình chuẩn bị, 2-3 ngày nữa rút ống thở là trả bé về. Ở nhà, bà ngoại đã mua sẵn quan tài cho con...".
Tuy nhiên, cô bé vẫn mạnh mẽ vượt qua, bất ngờ tỉnh lại, rồi lại sốt cao, lại hôn mê, rồi lại tỉnh...
Hóa trị được vài tháng, Ngọc bị nhiễm trùng huyết. Hết nhiễm trùng, con lại bị áp xe lách. Hết áp xe, Ngọc lại nôn mửa không ngừng, hẹp thực quản, phải mổ thông dạ dày với da để đặt ống truyền sữa...
Những cơn đau hành hạ Bảo Ngọc đến mức nhiều lúc phát cuồng, la hét không thể kiểm soát. Bác sĩ xét nghiệm mới biết bé bị giãn nhẹ não thất hai bên, ảnh hưởng thần kinh, chậm nói.
Mãi đến đầu năm 2024, Ngọc mới bập bẹ nói được những từ đầu tiên. Thỉnh thoảng, có ai đó gọi Ngọc lớn tiếng, con giật mình, mất kiểm soát, lấy vật cứng đánh liên tiếp vào đầu mình...
3 năm ác mộng
Còn với chị Thảo, 3 năm qua là chuỗi ngày ác mộng. Trải qua 1 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giảm việc, thu nhập hạ thấp, kinh tế đang khó khăn thì Ngọc phát bệnh.
Ngày đưa con đi cấp cứu, chị Thảo xoay xở mượn khắp nơi nhưng người nhà cũng gặp khó khăn nên không giúp được nhiều. Chị phải dùng phiếu lương của chồng để vay tín dụng 40 triệu đồng với lãi suất cao. Sau đó, chị nghỉ việc để nuôi con ở bệnh viện, cả nhà sống nhờ đồng lương công nhân kho 6,7 triệu đồng/tháng của chồng.
Để có tiền trả nợ vay tín dụng, chị Thảo xin rút bảo hiểm xã hội một lần, được gần 80 triệu đồng. Số tiền còn lại cũng nhanh chóng hết sau 2 toa hóa trị. Chị Thảo lại hỏi mượn khắp nơi, từ anh chị em ruột cho đến người thân, quen, đồng nghiệp lâu năm.
Số tiền nợ gom góp lâu nay đã hơn 100 triệu đồng nhưng chị chưa tính được ngày nào có tiền để trả. Vì hiện gia đình chị còn phải chạy ăn từng bữa, mua trước trả sau…
"Nếu tính chi phí điều trị cho con 3 năm nay cũng mấy trăm triệu đồng. Nhờ có bảo hiểm y tế, các nhà hảo tâm và phòng Công tác xã hội của bệnh viện giúp đỡ tiền viện phí, cho sữa, tã, bánh trái mà con em sống tiếp được, chứ không ai giúp thì vợ chồng em không thể kiên trì tới giờ", chị Ngọc chia sẻ.
Hiện mỗi tháng, nếu Bảo Ngọc không có biến chứng nguy hiểm thì con được hóa trị duy trì, nâng đỡ sức khỏe, chi phí hết khoảng 4-5 triệu đồng. Ngoài ra, Ngọc phải định kỳ đi thay đường ống truyền sữa vào dạ dày với chi phí 3,5 triệu đồng/lần.
Đó là chưa kể tiền điều trị mỗi đợt con bị viêm phổi, hành sốt, tiêu chảy… Do bệnh nền nên mỗi tháng Ngọc đều có 2-3 lần nhập viện điều trị vì các biến chứng trên.
Trong khi đó, gia đình chị Thảo chỉ có mỗi anh Quang Minh đi làm. Mấy năm nay, công ty của anh Minh cắt giảm lao động, bộ phận kho từ 12 người giảm còn 8 người, việc nhiều hơn mà lương thấp xuống, chỉ còn 6,7 triệu đồng/tháng.
Anh Minh nói, số tiền này chỉ đủ thuê nhà trọ (3 triệu đồng/tháng) và lo tiền ăn cho 2 vợ chồng. Tiền thuốc cho con phải đi vay mượn bên ngoài.
Sau 3 năm chạy chữa cho con, kinh tế gia đình chị Thảo đã cạn kiệt, không còn vay mượn được ở đâu để tiếp tục điều trị cho Bảo Ngọc.
Mới đây, chị Thảo thấy ngực đau, nắn thấy 2 vú có khối u cứng, chụp X-quang phát hiện bọc bã dưới da vú, bên trái là bọc bã bội nhiễm... nhưng chị chỉ dám uống thuốc cầm cự, không đi xét nghiệm thêm.
Theo chia sẻ của anh Minh, cha mẹ anh là lao động nghèo, đông con, cả nhà gần 10 người sống chung trong căn nhà nhỏ ở hẻm sâu. Từ 6 năm trước, cha mẹ anh đã phải bán nhà, chia đều cho con cái, mỗi người được vài chục triệu đồng rồi tứ tán, thuê trọ mỗi nơi.
Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình chị Thảo, ông Tạ Quang Thực, trưởng khu phố 1 (phường 13, quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, gia đình anh khó khăn đột xuất do con bị bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, mấy năm nay nhà anh không còn ở đây.
Ông Lê Văn Tuấn, trưởng khu phố 3 (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM), cho biết: "Gia đình chị Thảo đã tạm trú ở đây 5-6 năm nay. Vợ chồng làm công nhân, thuê nhà trọ nên cuộc sống vốn đã khó khăn. Đặc biệt khi có con nhỏ mắc bệnh ung thư thì càng khó khăn nhiều hơn. Nhà chỉ còn một người đi làm mà đủ thứ phải lo".
Theo ông Tuấn, địa phương cũng cố gắng vận động các mạnh thường quân, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn hỗ trợ gia đình nhưng chủ yếu chỉ là những phần quà, số tiền nhỏ trong các đợt lễ tết. Còn tiền để chữa bệnh cho bé Thảo thì quá khả năng của địa phương. Do đó, ông Tuấn hy vọng các nhà hảo tâm, ban ngành cấp trên quan tâm, giúp đỡ thêm cho gia đình chị Thảo.