Nhìn đứa cháu la hét, lúc khóc, lúc cười, bà Doanh nén đau thương ôm chặt lấy cháu, nấc nghẹn: "Bà thương, bà biết cháu đau! Bà làm gì cho cháu hết đau"…

Một túp lều tranh, hai mẹ con khờ dại

Vượt qua cung đường đất đỏ gồ ghề, cỏ mọc lút mắt cá chân, chúng tôi tìm đến nhà chị Bùi Thị Hiền (29 tuổi, thôn Đồng Phông, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Con trai của chị Hiền là bé Hà Văn Duy, 10 tuổi, bị khuyết tật trí tuệ và ung thư máu giai đoạn cuối.

Mái ấm của mẹ con chị Hiền lợp bằng tôn, lọt thỏm trong những tán rừng, ở cuối thôn đặc biệt khó khăn. Từ đầu ngõ, tiếng la hét, khóc lóc của một đứa trẻ inh ỏi.

Bà hết tiền rồi, trong nhà không còn gì bán được để cứu cháu nữa - 1

Con đường nhỏ, gồ ghề, phủ đầy cỏ dẫn vào nhà mẹ con chị Hiền (Ảnh: Hạnh Linh).

Như hiểu chuyện gì đang xảy ra, cô Lê Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 4D, trường tiểu học Phượng Nghi, nơi Duy đang theo học, vội chạy vào nhà xem tình hình.

Thấy học trò đang la hét, vật vã khóc, cô Nga cầm tay Duy, dỗ dành: "Duy ngoan nào! Cô và các bác đến thăm con đây, con đừng khóc nữa. Cô mua sữa cho Duy này. Con giữ sức để đi bệnh viện, bác sĩ chữa bệnh, còn đến lớp với các bạn". Được cô âu yếm, vỗ về, Duy dần nín, ôm chặt lấy cô.

Nhìn đứa cháu nằm im trong vòng tay cô giáo, bà Quách Thị Doanh (59 tuổi, bà ngoại của Duy) lau vội dòng nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo, nghẹn ngào nói: "Khổ lắm các bác, các cô ạ. Con ốm, liên tiếp bị những cơn đau dày vò, mẹ cháu nào hay biết. Bé Duy đi viện từ nhỏ cũng chỉ một tay tôi đi theo, chăm sóc. Mẹ cháu không biết chữ, không biết tính toán, khờ dại, chậm chạp".

Bà hết tiền rồi, trong nhà không còn gì bán được để cứu cháu nữa - 2

Hai mẹ con chị Hiền (Ảnh: Hạnh Linh).

Trải lòng về cuộc sống của con gái thứ 4 của mình, bà Doanh, cho biết, năm 18 tuổi, Hiền lập gia đình rồi sinh được cháu Hà Văn Duy. Cậu bé Duy từ lúc lọt lòng vốn đã ốm yếu, lúc 3 tháng tuổi, bị mắc bệnh hẹp động mạch vành.

Vợ chồng con gái không có việc làm ổn định. Để có tiền chạy chữa cho con, chị Hiền đi bẻ măng, phát cỏ thuê. Con ốm, số nợ ngày càng lớn, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, không lâu sau hai người quyết định "đường ai nấy đi".

Chia tay chồng, chị Hiền bế bé Duy về nương nhờ nhà ngoại. Thương con, xót cháu, gia đình bà Doanh dựng cho hai mẹ con một căn nhà mái tranh để ở tạm.

Bà hết tiền rồi, trong nhà không còn gì bán được để cứu cháu nữa - 3

Bé Hà Văn Duy trong một lần điều trị tại Viện huyết học truyền máu Trung ương (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Cũng giống như mẹ, Duy có lớn nhưng chẳng có khôn. Dưới mái nhà tranh, hai mẹ con vẫn vui vẻ, khi chị Hiền đi làm công nhân, còn Duy đến lớp.

Năm 2020, Duy vào lớp 1, thấy cháu ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường, gia đình đưa đi khám thì hay biết, cậu bé bị khuyết tật trí tuệ nặng. Dù vậy, bà Doanh vẫn đưa cháu được đến trường học.

Bán bò, dê cũng không đủ tiền cứu cháu!

Tưởng rằng cuộc sống bình yên của "hai mẹ con khờ" dần trôi qua, tai ương lại ập đến. Đầu năm 2024, Duy bỗng dưng lên cơn sốt, chảy máu chân răng khó cầm, đi khám bác sĩ kết luận, cháu bị ung thư máu giai đoạn cuối.

Ngày nghe tin cháu trai bị bệnh hiểm nghèo, tay chân bà Doanh rụng rời, hoang mang, suy sụp. Không muốn Duy bị những cơn đau dày vò, bà Doanh bán vội cặp bò, đàn dê, khăn gói ra Hà Nội chạy chữa cho cháu. Người bà tội nghiệp nào hay biết, số tiền bán bò, dê cũng chỉ đủ tiền thuốc men cho 3 lần xạ trị.

Bà hết tiền rồi, trong nhà không còn gì bán được để cứu cháu nữa - 4

Chị Hiền lầm lũi, ai bảo gì làm nấy (Ảnh: Hạnh Linh).

"Bác sĩ nói, cháu chỉ có thể kéo dài sự sống bằng cách điều trị hóa chất theo phác đồ. Chỉ tính riêng tiền thuốc, mỗi đợt phải tiêu tốn 6-8 triệu đồng. Vài ngày nữa, cháu lại bước vào đợt điều trị tiếp theo nhưng giờ trong nhà không còn đồng nào cả, có gì bán được tôi cũng bán hết rồi", bà Doanh ứa nước mắt, bỏ dở câu nói.

Bà Doanh cho biết, những tháng ngày ở viện cùng cháu "chiến đấu" với căn bệnh ung thư quái ác, hai bà cháu đều cầm cự bằng những suất ăn từ thiện. Sau đợt truyền hóa chất, Duy khỏe mạnh, ăn, ngủ được khiến bà không ngừng hi vọng vào một ngày không xa, cháu sẽ khỏe lại, đi học cùng các bạn.

Bà hết tiền rồi, trong nhà không còn gì bán được để cứu cháu nữa - 5

Bà Doanh lo lắng khi không biết lấy tiền đâu để đưa bé Duy đi nhập viện (Ảnh: Hạnh Linh).

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị đứt quãng khi cậu bé Duy la hét, khóc lóc. Bà Doanh vội chạy đến ôm chặt lấy cháu thủ thỉ: "Duy ơi, bà biết cháu đau. Thương cháu lắm nhưng bà hết tiền rồi, trong nhà không còn gì bán được để cứu cháu nữa".

Theo thầy Lê Duy Quảng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phượng Nghi, dù bị khuyết tật trí tuệ nặng nhưng gia đình vẫn đưa Duy đến lớp học đều đặn. Nhiều hôm đang học trời mưa to, em chạy ra ngoài, các thầy cô giáo chạy theo, dỗ dành em vào học.

"Đầu năm nay, Duy bị ung thư máu. Em phải nhập viện điều trị, sau những lần được về nhà, em lại đến lớp học. Biết hoàn cảnh gia đình em éo le, nhà trường đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ, nhưng ở vùng quê nghèo, việc giúp đỡ Duy cũng gặp nhiều khó khăn", thầy Quảng bộc bạch.

Bà hết tiền rồi, trong nhà không còn gì bán được để cứu cháu nữa - 6

Ánh mắt đượm buồn của Duy khiến chúng tôi không khỏi thương xót (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Lê Viết Hương, Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi, cho biết cuộc sống của mẹ con chị Hiền rất khó khăn khi chị không được nhanh nhẹn, con trai bị bệnh. Bố mẹ, các anh, chị, em trong gia đình đều nghèo khó.

"Năm 2021, các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đã giúp đỡ xây cho mẹ con chị Hiền một căn nhà cấp 4. Nay cháu Duy mắc bệnh hiểm nghèo, cần chi phí điều trị lớn. Qua báo Dân trí, rất mong độc giả hảo tâm chia sẻ để cháu Duy có cơ hội nhập viện điều trị", ông Hương bày tỏ.

Chia tay mẹ con, bà cháu, lòng tôi cũng đau thắt. Tôi không biết những ngày tiếp theo bà Doanh phải lo liệu như thế nào để có kinh phí "chạy sự sống" cho cậu bé Duy…

Mã số 5236:

"Bà hết tiền rồi, trong nhà không còn gì bán được để cứu cháu nữa"

04/06/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng hoàn cảnh

Báo Dân trí