Ý tưởng chống ùn tắc đoạt giải đặc biệt của chuyên gia Nhật có gì mới?

(Dân trí) - “Muốn giảm ùn tắc giao thông cần tác động vào nhận thức của người tham gia giao thông, trước hết là giới công chức. Công chức phải làm gương trong việc bỏ phương tiện cá nhân. Ở Nhật Bản, hơn một nửa các cơ quan Nhà nước của Nhật Bản cấm nhân viên dùng xe riêng đi làm” - ông Takagi Michimasa, chuyên gia Nhật Bản cho biết.

Ông Takagi Michimasa với 15 năm kinh nghiệm làm việc ở Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, hiện là Chuyên gia tư vấn cao cấp Công ty Almec, Nhật Bản.

Ý tưởng chống ùn tắc giao thông của ông Takagi Michimasa vừa giành được giải đặc biệt tại Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông tổ chức.

Áp "nặng" thuế, phí với người giàu

Theo chuyên gia Nhật Bản, ý tưởng của ông không có gì mới nhưng là giải pháp được Nhật Bản áp dụng từ lâu và rất hiệu quả. Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông không có con đường nào ngắn, không có liều thuốc vạn năng nào. Phát triển giao thông công cộng không khó khăn bằng việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Ông Takagi Michimasa cho rằng, để người dân không dùng phương tiện riêng của mình thì cần có biện pháp mang tính cưỡng chế, biện pháp tác động xã hội như định hướng nhận thức, quan điểm hoặc cũng có thể sử dụng biện pháp mang tính “đánh mạnh vào kinh tế” như thuế, phí… Tất nhiên, biện pháp mang tính cưỡng chế là điều không hề dễ dàng.

“Đó không đơn thuần chỉ là vấn đề quyền cá nhân được quy định trong hiến pháp mà còn rất nhiều vấn đề liên quan khác như: Liệu chính quyền có đủ quyết đoán để thực hiện chính sách mặc dù có sự phản đối của người dân? Liệu giao thông công cộng có đủ sức thay thế đáp ứng nhu cầu của người dân trong trường hợp phương tiện cá nhân bị hạn chế? Liệu có cưỡng chế hiệu quả người vi phạm được không?... Tất cả những điều trên phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ càng trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế” - ông Takagi Michimasa nói.

Muốn giảm ùn tắc giao thông phải tác động vào nhận thức của người tham gia giao thông, mà trước tiên là người giàu, công chức (ảnh: Quang Phong)
Muốn giảm ùn tắc giao thông phải tác động vào nhận thức của người tham gia giao thông, mà trước tiên là người giàu, công chức (ảnh: Quang Phong)

Tại Nhật Bản, các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân mang tính cưỡng chế trực tiếp không được sử dụng. Lý do là họ lo ngại sẽ vi phạm hiến pháp quy định về tự do đi lại của người dân. Cùng đó là những lo ngại về khoản chi phí lớn sẽ phải bỏ ra để thực hiện các biện pháp cưỡng chế và khó khăn trong việc cung cấp phương tiện thay thế cho tất cả những người bị hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

“Nhật Bản chủ yếu áp dụng các biện pháp đánh vào kinh tế. Như ở Tokyo, phí đỗ xe được quy định ở mức rất cao khiến người dân thấy đi phương tiện công cộng rẻ hơn mà vẫn đến được điểm cần đến. Thực tế, khi đưa ra quy định này, đã có không ít người dân Nhật Bản phản đối. Tuy nhiên, chính sự tự tin và kiên trì của Tokyo đã khiến biện pháp này thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, ở Nhật Bản, làn riêng cho xe buýt được bố trí ngay cả trên những tuyến đường hẹp, mỗi bên chỉ có 2 làn đường. Điều này khiến giao thông chung đi lại khó khăn hơn nhưng chính quyền vẫn chấp nhận đánh đổi để khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức đi lại từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng” - chuyên gia Nhật Bản thông tin.

Ông Takagi Michimasa cũng dẫn chứng chính sách về ranh giới giá của Singapore. Theo đó, xe cộ qua một số ranh giới (cordon) sẽ phải nộp một khoản phí cao hơn bình thường (pricing).

Đối với những người có thu nhập cao, họ vẫn có thể sử dụng phương tiện cá nhân, nhưng với người thu nhập bình thường (chiếm đa số) thì chính sách này có hiệu quả lớn. Nguồn tài chính thu được từ việc người dân chấp nhận trả phí cao hơn để sử dụng phương tiện cá nhân có thể được sử dụng để trợ giá cho hệ thống giao thông công cộng.

Công chức phải làm gương?

Việc tăng cường sử dụng giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân không chỉ đòi hỏi sự hợp tác từ phía người dân mà còn là từ các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Thực tế, việc đạt được sự thấu hiểu, ủng hộ của từng người dân là rất khó, cần phải có sự phối hợp, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức vì đây là nơi có tác động trực tiếp nhất tới từng cá nhân. Hoặc nếu các cơ quan, tổ chức đưa ra các quy định hạn chế nhân viên dùng xe máy hoặc ô tô cá nhân đi làm, đi học, khuyến khích sử dụng xe buýt, nhà nước đỡ phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Ông Takagi Michimasa nhận giải đặc biệt tại Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị
Ông Takagi Michimasa nhận giải đặc biệt tại Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị

Trên thế giới, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đã áp dụng rất thành công biện pháp này. Các công ty phải thực hiện “trách nhiệm xã hội” (là cam kết của cơ quan, doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cho cộng đồng địa phương và xã hội nói chung). Ngược lại, phía Chính phủ sẽ có những ưu đãi về thuế cho công ty.

Chuyên gia Takagi Michimasa cho hay, hơn một nửa các cơ quan Nhà nước của Nhật Bản cấm nhân viên của họ dùng xe riêng đi làm (muốn đi phải có giấy phép). Ngoài ra, trong khi tuyệt đối không hỗ trợ các khoản phí như xăng dầu, phí đỗ xe cho xe cá nhân, các đơn vị này lại hỗ trợ chi phí đi lại đối với những nhân viên sử dụng phương tiện cộng cộng.

“Khoản hỗ trợ này được tính vào chi phí của công ty và được Nhà nước miễn thuế. Nhân viên được hỗ trợ đi lại cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân với khoản tiền này” - ông Takagi Michimasa nói.

Châu Như Quỳnh