1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xuân về trên “làng Bác Hồ”

(Dân trí) - Người Raglai ở thôn A Xây (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) từ bao đời nay vẫn tự hào gọi mình là “làng Bác Hồ” vì nơi đây vốn là cái nôi cách mạng của tỉnh Khánh Hòa. Đồng bào Raglai ở thôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ để đánh Mỹ, cứu nước.

“Làng Bác Hồ” một lòng theo cách mạng

A Xây - một bản làng nhỏ nằm dưới chân núi Hòn Dù, cách Nha Trang khoảng 40km về phía Tây, với 90% là người Raglai, từng bị không lực Hoa Kỳ oanh tạc dữ dội trong chiến tranh.

Già làng thôn A Xây - Pi Năng Xanh chỉ tay về
núi Hòn Dù, 
Già làng thôn A Xây - Pi Năng Xanh chỉ tay về núi Hòn Dù, 
nơi trước kia ngụy quân Sài Gòn làm căn cứ oanh tạc làng.

Ông Cao Dáng, Chủ tịch UBND xã Khánh Nam kể, vào thời kỳ ác liệt nhất khi Mỹ - Chính quyền Sài Gòn thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh (1968-1973), núi Hòn Dù - nơi cách làng khoảng 3km về phía rừng được địch xây dựng 3 sân bay dã chiến, gồm: sân bay Hòn Mưa, sân bay Hòn Dù và sân bay Hòn Nhọn. Trên đỉnh núi dựng đứng là nơi địch tập kết quân trang, quân dụng, phương tiện, khí tài hiện đại nhất để phục vụ việc bình định, càn quét.

Đỉnh điểm là vào những năm 1968-1970, địch huy động máy bay lên thẳng từ trên núi Hòn Dù ồ ạt đổ bộ xuống làng để tìm diệt Việt cộng. Trước sự hung hãn của địch, đồng bào Raglai đã dựa vào núi rừng, suối A Xây thực hiện chiến tranh du kích nhằm tiêu hao sinh lực địch. ''Chúng càn quét rất dữ dội nhưng dân quân du kích A Xây đã bắn hạ được 7 máy bay, tiêu diệt hàng chục tên địch'', Chủ tịch UBND xã Khánh Nam kể lại thời khắc hào hùng.

Nói về sự ra đời của tên gọi ''làng Bác Hồ'', già làng thôn A Xây - Pi Năng Xanh, hồi tưởng: ''Sau trận đánh bắn rơi hàng loạt máy bay địch càn quét làng thì kể từ đó A Xây có tên gọi là ''làng Bác Hồ''. Từ ngày giặc phá làng, không cho dân mình ăn yên, ở yên thì đồng bào càng quyết tâm đánh giặc, thà hi sinh chứ nhất định không chịu mất làng, mất nước''.

Để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ người Raglai đã ngã xuống vì đất nước, hiện nay ở thôn A Xây được Nhà nước xây dựng một bia tưởng niệm. Nơi đây trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh người Raglai nói riêng và nhân dân địa phương nói chung.

“Xuân về” trên bản làng Raglai

Cuộc sống
của người đồng bào Raglai ở thôn A Xây 
Cuộc sống của người đồng bào Raglai ở thôn A Xây 
đã “hồi sinh” sau chiến tranh.

Từ sau giải phóng, A Xây có thêm một số người anh em Tày, Nùng... di cư từ phía Bắc vào sinh sống. Hiện toàn thôn A Xây có 149 hộ với gần 580 khẩu với hệ thống đường sá, cầu cống, y tế, trường học... khang trang.

Chủ tịch UBND xã Khánh Nam khẳng định rằng, hiện 80% người đồng bào ở ''làng Bác Hồ'' là khá giả, trong đó ''một số người đã mua được cả xe tải, xe ô tô''.

Thành tựu đó là nhờ bà con áp dụng thành công việc chăn nuôi lợn, bò kết hợp với trồng các cây có giá trị kinh tế như keo, bưởi...

Không những vậy, về thăm A Xây, chúng tôi nhận thấy công tác khuyến học, giáo dục ở đây rất được bà con quan tâm, chú trọng. Hiện ở thôn có một điểm trường mầm non và một điểm trường tiểu học. Thầy Nguyễn Văn Sỹ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khánh Nam cho biết, điểm trường Tiểu học ở ''thôn Bác Hồ'' - A Xây đã được mở từ cách đây hơn 25 năm. Học sinh Raglai luôn ý thức được việc đến trường đầy đủ và hoàn thành chương trình, lên lớp đều đặn.

Thầy Sỹ cho biết, xã Khánh Nam đã phổ cập từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở, và đang tiến tới phổ cập trung học phổ thông. Do vậy, khi nói về công tác giáo dục, xóa mù ở bản làng cách mạng A Xây, ông Cao Dáng, Chủ tịch UBND xã Khánh Nam, phấn khởi: ''Đồng bào Raglai ở A Xây đã xóa mù từ lâu rồi! Người dân 30 tuổi trở xuống, không ai là không biết chữ''.

Theo lãnh đạo xã Khánh Nam, hiện nay người Raglai đón tết âm lịch không khác gì người Kinh. Ngày 29 hoặc 30 tết, người Raglai cũng tổ chức nấu bánh chưng, mổ heo, bò, gà... để cúng cuối năm. Tùy theo kinh tế của từng hộ gia đình, lễ cúng cuối năm cũng lớn nhỏ khác nhau.

Lễ cúng có ý nghĩa khép lại một năm lao động vất vả trên nương rẫy, cầu cho gia chủ một năm mới sung túc, sức khỏe dồi dào, làm ăn thuận lợi để có ''đồng vào đồng ra''. Tiếp đó, chủ nhà mời hàng xóm, người trong thôn bản đến nhà mình để cùng chung vui. Việc vui chơi lần lượt từ nhà này đến nhà khác và kéo dài đến tận thời khắc giao thừa. Vào ngày đầu năm mới, người đồng bào Raglai thực hiện rót rượu mới, đặt bánh trái... lên bàn thờ cúng tổ tiên, toàn gia đoàn tụ, mừng tuổi và chúc mừng năm mới.

Viết Hảo