1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xử lý bùn đỏ ở dự án bô xít Nhân Cơ chưa đảm bảo

(Dân trí) - Báo cáo đánh giá tác động môi trường của mỏ bô xít Nhân Cơ đã trình Bộ TN-MT nhưng chưa đạt yêu cầu. Còn 8 vấn đề phải bổ sung nhưng đến nay vẫn chưa trình lại. Chưa có báo cáo được duyệt, dự án không thể khởi công…

Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên trao đổi bên lề Quốc hội về các dự án khai thác bô xít Tây Nguyên đang gây chú ý trong dư luận cả nước.

Quan điểm của Bộ TN-MT đưa ra là trong bối cảnh nguồn khoáng sản bô xít trên thế giới đang cạn dần là một thế mạnh cho Việt Nam. Nhưng khai thác tài nguyên này đang đặt ra rất nhiều vấn đề?

Tài nguyên bô xít của ta đứng thứ 2 thế giới và có thuận lợi để khai thác vì là mỏ lộ thiên. Tuy nhiên cũng có nhược điểm là nó tập trung ở cao nguyên, địa hình cao. Nếu các giải pháp khai thác không đồng bộ sẽ gây ra ô nhiễm.

Được biết, đoàn công tác của Bộ TN-MT vừa qua đã đi khảo sát 2 khu mỏ Tân Rai và Nhân Cơ. Trong đợt giám sát, Bộ trưởng có nói vấn đề thủ tục pháp lý của dự án Nhân Cơ chưa đủ?

Chúng tôi vừa thị sát 1 tuần ở đó. Dự án Nhân Cơ chưa đủ điều kiện vì chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
 
Xử lý bùn đỏ ở dự án bô xít Nhân Cơ chưa đảm bảo - 1
Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên trong vòng vây báo chí (Ảnh: Việt Hưng)

Vậy Bộ yêu cầu khi nào phải có báo cáo tác động môi trường?

Việc này đang làm rồi. Vừa qua, Nhân Cơ đã làm báo cáo này nhưng hội đồng xem xét thì chưa đạt yêu cầu. Còn 8 vấn đề nữa phải bổ sung, đơn vị thực hiện dự án đang tiến hành và đến nay vẫn chưa trình lại.

Chúng tôi đã yêu cầu làm rõ điều kiện để hoàn thổ, trồng cây vì chưa đạt. Xử lý bùn đỏ, bãi chứa bùn đỏ cũng chưa đảm bảo. Vấn đề xử lý nước đầu nguồn khi mùa mưa đến, các khâu lọc nước chưa được. Tiêu chuẩn nước thải ra cũng phải xem xét tiếp…

Lo lắng lớn nhất của người dân liên quan đến dự án khai thác bô xít Tây Nguyên chủ yếu là về môi trường. Các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này thế nào?

Tôi chỉ nói là vấn đề môi trường ở đây hoàn toàn giải quyết được. Với các yêu cầu nêu ra của Bộ TN-MT, sự đánh giá thẩm định của chúng tôi, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam cam kết là làm được. Chỉ có điều cần bàn là công nghệ kỹ thuật và vốn đầu tư.

Như vậy dự án Nhân Cơ khó có khả năng khởi công đúng thời hạn?

Chúng tôi cũng không biết được khó hay không. Về phần việc với Bộ TN-MT, khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt thì dự án chưa được khởi công. Đó là nguyên tắc.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Bộ có đưa ra đề xuất sẽ lập Uỷ ban giám sát vấn đề về môi trường với dự án thí điểm Nhân Cơ?

Chúng tôi sẽ thành lập một tổ chuyên giám sát, bao gồm thành phần của Bộ TN-MT, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (chủ đầu tư dự án), của tỉnh và của cả nhà máy để giám sát từ khâu bắt đầu khởi công xây dựng.

Như ông nói, khai thác bô xít lần này chúng ta sẽ không theo hướng xuất thô tài nguyên mà phải làm ra sản phẩm. Nhưng vấn đề để làm ra nhôm từ bô xít cần rất nhiều điện mà chúng ta chưa đáp ứng được nên chưa bàn đến việc này. Như vậy quan điểm có mâu thuẫn?

Không mâu thuẫn vì chúng ta chỉ làm đến alumina. Có thể khái quát 10 quặng bô xít thô thì có thể lấy được 5 quặng bô xít tinh. Từ 5 quặng đó thì ra được 2,5 alumina, đây cũng là một loại thành phẩm rồi. Nếu chế biến tiếp thì ta có được 1,2 nhôm. Đây mới là công đoạn sau.

Xây dựng dự án trên cơ sở giá alumina đang rất rẻ như hiện tại trong khi chỉ xuất nhôm mới có giá trị cao thì hiệu quả kinh tế nằm ở đâu?

Việc này thì phải hỏi nhà sản xuất. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
 

Một trong những chủ trương của Bộ TN-MT nói riêng và cả nước nói chung hiện này là muốn kinh tế hoá ngành tài nguyên môi trường, tức làm sao đưa ra các cơ chế chính sách, dự án, chiến lược sao cho ngành này có thể đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế. Gần đây nhìn lại, Bộ TN-MT thấy khoáng sản là một nguồn lực phát triển rất mạnh của đất nước.

Việt Nam hiện có 7 loại khoáng sản đứng nhất nhì thế giới, trong đó boxit đứng vị trí thứ 2. Đất nước có trữ lượng bô xít lớn nhất thế giới là Braxin, 12 tỷ tấn. Tiếp theo là Việt Nam, hiện đã xác định được khoảng 6 tỷ tấn và có khả năng lên 8 tỷ. Khi thế giới đã cạn nguồn tài nguyên này thì với Việt Nam lại là 1 thế mạnh.

Vì vậy trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã bàn và đề ra mục tiêu chiến lược khai thác khoáng sản, coi đây là một nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế.

Trước nay, Việt nam mới chủ yếu là xuất thô khoáng sản. Nhưng nếu xuất thô 1 thì chế biến hiệu quả sẽ gấp 10 lần. Chế biến hiệu quả kinh tế cao, lại mở mang được nhiều công ăn việc làm cho xã hội. đi vào chế biến cũng tạo ra 1 ngành công nghệ quan trọng cho đất nước. 

 
Phương Thảo - Cấn Cường
(thực hiện)