1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Xóm chúa chổm” ở miền tây Nghệ An

(Dân trí) - Thành lập hơn 20 năm nhưng người dân ở xóm Đông Thắng (Đông Hiếu - Nghĩa Đàn) không năm nào là không phải lo ngay ngáy chuyện trả nợ. Nợ cha, nợ mẹ rồi chuyển sang con và nếu lâu hơn nữa có thể đến đời cháu người dân nơi đây cũng mắc nợ...

Cách đây mấy tháng cây cà phê chè nằm trong dự án chuyển đổi cây trồng của Nông trường Đông Hiếu (Thuộc Công ty cà phê và cao su Nghệ An) sau một trận mưa đã lụi dần rồi chết hàng loạt. Nước mắt người dân nơi đây lại tuôn chảy, khi phải đối mặt với món nợ tăng dần theo cấp số nhân với mỗi hộ nợ hàng chục triệu đồng của nhiều "chủ nợ" khác nhau...

 

Hết “thắt tang” cho cà phê…

 

Tôi gặp bà Nguyễn Thị Quế - xóm trưởng xóm Đông Thắng khi bà vừa ra "thăm" số cà phê còn "sống sót" về. Bên đống "xác" cà phê chè vừa phá bỏ, bà Quế buông lời: Ngay từ đầu khi lãnh đạo nông trường Đông Hiếu xuống họp dân để triển khai trồng cà phê chè dân chúng tôi đã phản ứng mạnh mẽ. Có người bảo đất nơi đây không thể trồng được đâu vì sâu bệnh, cũng như địa hình không hợp. Nên trồng cao su thôi. Vậy nhưng ông giám đốc nông trường "trấn an" dân: Cứ trồng đi vì có kỹ thuật và phân bón...

 

Dân Đông Thắng và Đông Sơn vốn là công nhân nông trường về hưu (Một số là con em của cán bộ nông trường) không có đất đai sản xuất. Hay nói đúng hơn là họ không có quyền quyết định mình sẽ canh tác trồng cây gì vì đất đai thuộc quyền quản lý của Nông trường Đông Hiếu. Vậy nên khi nghe lãnh đạo nông trường thuyết phục, nấn ná mãi họ cũng đồng ý trồng cà phê chè dẫu biết rằng đó là mạo hiểm.

 

Tháng 9/2005, 32 hộ dân (tương ứng hơn 120 khẩu) ở xóm Đông Thắng và 6 hộ dân ở xóm Đông Sơn ào ạt nhận cây giống cà phê chè để phủ kín gần 40ha đất đồi. Cây "đời" đang bén rễ xanh cành phát triển tốt, hứa hẹn một tương lai mới cho giống mới ở vùng đất khó.

 

Niềm vui chưa tày gang thì khoảng tháng 10 năm đó, sau một trận mưa, mọi chuyện đã xoay chuyển. Hàng loạt héc ta cà phê chè đang độ sung sức tự nhiên chết hàng loạt.

 

Bà Cao Thị Lệ nói về số cà phê chết mà quặn lòng: "Gia đình tôi trồng 2,6 ha cà phê chè. Ban đầu ông nhà tôi cũng phản đối chủ trương trồng "cà" nhưng lãnh đạo nông trường bỏ ngoài tai nên gia đình cũng phải chiều thôi. Sau hơn một tháng sinh trưởng, Chỉ một trận mưa tự dưng cây cà phê có biểu hiện: Lá vàng rồi cụp xuống. Sau đó là rụng và chết khô... Phút chốc gần 3 ha "cà" của chúng tôi chết hàng loạt. Nhìn cánh đồng "cà" khô khốc chết đứng xương xẩu mà nước mắt cứ trào ra...

 

Không riêng gì gia đình bà Lệ phải hứng chịu "tai hoạ" mà người dân cả làng Đông Thắng và 6 hộ dân ở xóm Đông Sơn cũng phải "thắt tang" cho cà phê chè... "Hiện trong xóm chỉ còn 5 đến 6 hộ, trong đó có tôi là bị chết ít (Khoảng 20%-PV) nên vẫn đang còn chung thuỷ với "cà". Còn lại hầu như cà phê của các hộ dân ở Đông Thắng và 6 hộ ở Đông Sơn đều đã chết kiệt...

 

...Vậy nhưng số còn sống sót cũng không biết có "ăn thua" gì không, chỉ tội dân chúng tôi vay nợ không biết bấu víu vào đâu mà trả...", bà Quế chua chát than.

 

... Lại khóc phận mình...

 

Cà phê chết. Đồng nghĩa với việc hàng trăm người dân trở thành con nợ. Bà Lệ ngao ngán: Thuyết phục dân trồng cà phê chưa đủ, để cho chắc ăn lãnh đạo nông trường bảo: Phần giống ban đầu phía Nông trường sẽ cho. Còn tiền phân, vôi, làm nương... Nông trường sẽ cho vay. Sau 3 năm có sản phẩm nông trường sẽ tính lãi suất 0,4% và trừ dần theo sản phẩm. Tiền bạc Nông trường cũng đã giao trực tiếp cho dân đi mua và tự canh tác. Tính ra toàn bộ, trồng một ha cà phê mỗi hộ dân cũng phải vay của nông trường hơn 13 triệu đồng... Vậy nên khi cà phê chết cả gia đình tôi "mất trắng" nhưng lại phải chuẩn bị "è" lưng để trả nợ cho Nông trường hơn 30 triệu đồng.

 

Chứng kiến hoàn cảnh nhà bà Nguyễn Thị Nhường - gia đình nghèo nhất trong xóm mà thấy xót xa. Gia đình bà liều vay tiền của Nông trường để nuôi gần 6ha cà phê chè mong có thể đổi đời. Ai ngờ phất chả thấy đâu mà hơn 3ha chết khô để lại cho gia đình bà khoản nợ nhãn tiền. "Đau lắm chú ạ. Cả cái làng này chết lụi cả rồi, biết bao giờ có thể đứng lên được...", nhìn xác cà phê tấp bên chiếc nhà rách nát vừa mới vơ về để làm củi mà mắt bà Nhường đỏ hoe.

 

“Xóm chúa chổm” ở miền tây Nghệ An - 1

Bà Nhường quặn lòng bên "xác" cà phê chè vơ về làm củi.

  

...vì nợ chồng nợ chất!

 

Người cà phê chết khô thì lượm lặt đem về làm chất đốt, kẻ có cây còn sống sót (nhưng rất ít) thì tiếp tục chăm sóc để vớt vát. Mặt khác dân đổ xô lên gặp lãnh đạo Nông trường Đông Hiếu để bắt đền. Lãnh đạo Nông trường bảo "cà" chết là do yếu tố khách quan nên trước mắt sẽ linh động bằng cách khoanh nợ cho dân. Đồng thời Nông trường cho chủ trương là sẽ trồng mía trên diện tích cà phê đã bị huỷ diệt. Trồng trong khoảng 3 năm để lấy tiền trả nợ cho Nông trường...

 

"Tiến thoái lưỡng nan", dân Đông Thắng lại lầm lụi làm hồ sơ để lên Ngân hàng vay tiền mua giống trồng mía. Nợ lại đẻ nợ. Trời mà thương phù hộ cho vụ thu hoạch mía năm nay trúng quả thì dân lại phải trả nợ cho hai chủ nợ là Ngân hàng và Nông trường. Còn nếu không may... thì chỉ có nước nợ muôn đời. Không biết đời con, đời cháu có trả hết được không.

 

Bà Lệ tính toán: Tính cả nợ Nông trường và Ngân hàng gia đình tôi cũng hơn 50 triệu đồng. Còn số nhà nợ 30 triệu rồi 15 triệu thì nhiều lắm. Cả xóm này nợ cũng nên...

 

Đặng Nguyên Nghĩa