1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Kết thúc phiên tòa xét xử các cựu tuyển thủ U23:

“Xin người đời tha thứ cho con tôi!”

Ông Lê Văn Tuấn, cha của cầu thủ Lê Văn Trương, tha thiết nói tại phiên toà xét xử vụ bán độ của các cựu tuyển thủ U23. Đó cũng là nỗi lòng của các bậc cha mẹ chưa kịp hưởng vinh quang đã phải thấy con em mình đứng trước vành móng ngựa...

Nỗi đau

 

Gửi căn nhà ở quê cho người em trai trông hộ, bà Hồ Thị Niềm lặn lội đưa cậu con trai Văn Quyến vào TPHCM để tòa xét xử. Lòng dạ bà như muối xát, cứ cầu trời mau tối mau sáng, mau đến giờ tuyên án. Bởi đó là giây phút bà trông đợi nhiều nhất kể từ khi đứa con trai mình bị khởi tố, vì đó là thời khắc bà hi vọng...

 

Sinh con ra, nuôi con lớn lên có bao giờ bà nghĩ đến cảnh này đâu, nhưng giờ mọi chuyện đã rồi, giận con thì khác nào gây thêm nỗi đau cho nó, bà cố gắng đi thật vững bên con. Hai ngày Quyến ngồi trước vành móng ngựa cũng là hai ngày bà đối diện với nỗi đau. Tại hàng ghế phía sau lưng Quyến, thỉnh thoảng bà lại quệt nước mắt, kéo vạt áo lên chùi cho khô dòng lệ. Ai hỏi, bà luôn trả lời: “Tôi thương nó lắm. Chỉ vì nó còn trẻ người non dạ”.

 

Còn ở dãy ghế bên kia, ông Lê Văn Tuấn, cha của Lê Văn Trương, cũng ngồi lặng lẽ. Ông không khóc nhưng rất ưu tư với đôi mắt sâu hóm của một nông dân chân chất. Hai tay gác lên ghế trước mặt làm điểm tựa cho cằm, cứ thế ông chăm chú nghe từng lời của con, từng lời của tòa từ sáng đến trưa. Khi được hỏi ông trông chờ điều gì nhất, ông từ tốn trả lời rằng muốn con nhẹ tội để ông đưa về nhà. “Con dại cái mang, mọi lỗi lầm của con tôi xin nhận, chỉ xin người đời tha thứ cho con tôi” - ông nói.

 

Ngồi bên cạnh ông Tuấn là vợ chưa cưới của Trương. Đó là một cô gái tóc dài, mang nét duyên quê. Cô từ chối các câu hỏi của phóng viên, nhưng theo lời kể của Trương với chúng tôi trước hôm ra tòa, đó là người bạn gái đầy lòng vị tha và luôn mong được chia sẻ. Cô đã nhận lời cầu hôn và lễ hỏi của Trương ngay trong thời gian Trương liên quan vụ án.

 

Hai ngày qua tại tòa còn có hai người “rất lạ”. Đó là ông bà M. nhà ở tận Hải Phòng, lặn lội vào TPHCM để lo cho “người dưng” Bật Hiếu, chỉ vì Hiếu là bạn trai của con gái mình. Chưa được Hiếu gọi là ba má, chưa được danh cha mẹ vợ, nhưng ông bà M. vẫn xin gia đình Hiếu cho phép được góp phần chăm sóc Hiếu, họ nói rằng “lo cho Hiếu cũng là lo cho tương lai con gái mình”. Chính ông bà M. là người đã thuê luật sư bào chữa cho Hiếu khi biết gia cảnh Hiếu hết sức khó khăn.

 

 

“Xin người đời tha thứ cho con tôi!” - 1
 

Mẹ của Quyến không giấu được nỗi đau.

 

Đau nhất có lẽ là người thân của Quốc Vượng khi nghe viện kiểm sát đề nghị mức án. Trong lúc sáu đồng đội của Vượng được đề nghị án treo thì Vượng lại bị án tù, ai nấy đều phải bặm môi. Tại sao Vượng không nhận tội, đó là thắc mắc của nhiều người theo dõi phiên tòa và cũng chính là câu hỏi của gia đình Vượng.

 

Ông Hiệp, bác ruột của Vượng, chỉ biết nói: “Có lẽ còn có điều uẩn khúc, chính gia đình chúng tôi cũng không biết được”. Ông Lê Văn Quang, ba của Vượng, buồn hiu nói: “Xấu thì đã xấu, đau thì đã đau, mấy hôm nay tôi chỉ cầu mong cho nó được án nhẹ để sớm có mặt ở nhà, nhưng bây giờ thì... lo quá”.

 

Người lớn không làm hết trách nhiệm

 

Tại phiên tòa, ai cũng cảm thấy thắt lòng và im phăng phắc khi nghe đề nghị mức án cho các bị cáo toàn là tù giam. Không khí phiên tòa chỉ nhẹ đi khi đại diện viện kiểm sát đề nghị “bổ sung” với hội đồng xét xử là xem xét cho sáu bị cáo được hưởng án treo.

 

Một thẩm phán Tòa án nhân dân TPHCM nói: “Không nên quá trách các bị cáo bởi họ vốn là nông dân, ít học. Từ gốc rạ bước ra không bao lâu, các cầu thủ này được đưa lên nấc thang quá cao, trong khi thang không chắc, không vững nên té ngã là điều đương nhiên”.

 

Theo ông thẩm phán, cái tội lớn nhất là tội của người lớn. Không chỉ trong vụ này, qua nhiều vụ án khác cũng cho thấy người lớn chưa làm hết trách nhiệm. Khi tiếp nhận ai đó vào làm việc thì chỉ biết làm sao để khai thác tối đa chuyên môn của họ nhằm lấy cái lợi trước mắt cho mình mà không có một sự quan tâm giáo dục, chỉ bảo. Không có một sự chuẩn bị nào về tâm lý, về lòng tự trọng, không được “tiêm kháng sinh”, cho nên khi gặp môi trường xấu thì các em sa ngã ngay.

 

Ông thẩm phán này còn nói việc định hướng giá trị nghề nghiệp là bài học phải học trước khi vào bất cứ nghề nghiệp nào. Đối với cầu thủ, tuổi nghề rất ngắn ngủi, thành công chỉ có trong 5-7 năm, thậm chí ngắn hơn. Nếu được chuẩn bị, vun đắp, biết tận dụng thì vinh quang, tiếng thơm sẽ theo suốt cuộc đời. Ngược lại, chỉ một phút thôi cũng đủ hủy hoại cả cuộc đời.

 

Theo Lê Anh Đủ

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Bán độ SEA Games 23