1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xét tặng NSND, NSƯT: "Không để tình trạng cứ có đơn thư là để lại hồ sơ"

Thế Kha

(Dân trí) - Tất cả thông tin, kiến nghị liên quan đến nghệ sĩ có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đều được kiểm tra, xác minh kịp thời. Không để tình trạng cứ có đơn thư là để lại hồ sơ.

Thông tin được nêu trong Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định 89/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi tới Bộ Tư pháp.

Theo báo cáo, công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được thực hiện qua 3 cấp hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng cấp Bộ, tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước.

Hội đồng cấp Nhà nước được thực hiện qua 2 bước xét: Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước.

Quá trình xét tặng danh hiệu các cấp hội đồng đều thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục. Sau khi có quyết định của Chủ tịch nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức trọng thể lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Xét tặng NSND, NSƯT: Không để tình trạng cứ có đơn thư là để lại hồ sơ - 1

Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT khu vực phía Bắc do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức (Ảnh: Hà An).

Đánh giá về những mặt hạn chế qua 3 đợt xét tặng danh hiệu (năm 2016, 2019, 2022), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng một số Hội đồng cấp cơ sở, cấp Bộ/tỉnh chưa nắm rõ hoặc hiểu chưa đúng, lúng túng trong việc đánh giá, xem xét những hồ sơ đề nghị xét tặng theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt" dẫn đến việc xem xét chưa đúng theo quy định.

Bản nhận xét, đánh giá của hội đồng các cấp đối với những cá nhân "nhiều khi còn sơ sài", chưa thể hiện rõ nét sự cống hiến nội trội, tài năng xuất sắc của cá nhân trong loại hình, ngành nghề nghệ thuật.

Bên cạnh đó còn vướng mắc trong xác nhận về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp đối với các nghệ sĩ hoạt động tự do hoặc với nghệ sĩ lớn tuổi, tham gia hoạt động nghệ thuật từ rất lâu, được đào tạo truyền nghề, không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp.

Hồ sơ thiếu yếu tố chứng minh thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, gây khó khăn cho hội đồng các cấp khi xét danh hiệu.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số nội dung tại hai nghị định nêu trên. Trong đó, nghiên cứu đề xuất đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo quy định tại Điều 66 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022.

Về tiêu chuẩn xét tặng, tiếp tục rà soát, tiếp thu và hoàn thiện tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu đã được quy định tại Nghị định 89/2014 và Nghị định số 40/2021. Xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu cho đối tượng "người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật".

Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định Cơ quan thường trực Hội đồng được sử dụng con dấu của Cơ quan thường trực Hội đồng trong thực hiện một số hoạt động của hội đồng. Quy định thêm đối tượng xét theo tiêu chí trường hợp đặc biệt; hoàn thiện Bảng quy đổi giải thưởng để phù hợp hơn cho các thành phần tham gia sáng tạo nghệ thuật…để công tác xét tặng danh hiệu phù hợp hơn với thực tiễn.

Cơ quan soạn thảo cho rằng những bổ sung mới "sẽ góp phần tôn vinh được các nghệ sĩ tài năng, có nhiều cống hiến cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà. "Đây chính là nguồn động lực để các nghệ sĩ tiếp tục lao động, tạo ra những tác phẩm có giá trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kỳ vọng.