1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Xem xiếc khỉ trên phố Hà Nội

Buổi diễn bắt đầu từ 9h các tối, trên khoảng hè nhỏ con đường khuất, vắng nhất và không thu vé. Chỉ có 4 diễn viên chí chóe gò lưng trên những chiếc xe đạp, xích lô bé xíu. Người lớn, trẻ nhỏ ngồi xổm quanh sân khấu đường phố đặc biệt này.

Khán giả của “gánh xiếc” gần như quen hết mặt nhau, bởi tối nào họ cũng không hẹn mà gặp tại khoảng trống vỉa hè không nhiều ánh đèn, trên nhánh đường không tên toàn văn phòng công sở rất vắng, kề sát và thấp hẳn so với đường Kim Mã lúc nào cũng tấp nập xe cộ ngược xuôi.

 

Nói về lý do chọn địa điểm này, ông chủ “gánh xiếc”, nghệ sĩ Đức Đào (Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đã nghỉ hưu) cho biết: “Chỗ này vắng, tôi mang khỉ ra luyện từ 9h tối để đỡ ảnh hưởng giao thông, lại vẫn có người xem. Nhờ thế, khỉ đỡ nhát, quen dần với khán giả và sân khấu”.

 

Lớp học với 4 chú khỉ này được nghệ sĩ Đức Đào mở từ ngày về hưu (sau 44 năm gắn bó với nghề huấn luyện thú) để đỡ nhớ nghề, cũng nhằm cống hiến cho Liên đoàn Xiếc những diễn viên khỉ chuyên nghiệp, trong hoàn cảnh Liên đoàn từ ngày thành lập (năm 1956) đến nay, chưa bao giờ có đến 10 huấn luyện viên xiếc thú (nhất là bộ môn khó như xiếc khỉ).

 

Gần một năm nay, mỗi ngày ông Đào dành hơn 10 tiếng đồng hồ bên những chú khỉ. Đến nay, các “học viên” đã thuần thục hơn chục tiết mục như tập tạ, đu dây, đi xe đạp, xích lô...

 

Trong các buổi luyện khỉ, một “cộng sự” luôn lặng lẽ phục vụ, từ miếng đu đủ thưởng giữa xuất diễn, đến thu dọn đạo cụ, buộc lồng, đưa khỉ về, đó là vợ ông Đào. Ngày ngày, bà cùng ông chăm chút đàn khỉ, cẩn thận lo từng bữa ăn đến giấc ngủ cho chúng bởi theo bà: “Nuôi dạy khỉ như nuôi dạy con trẻ, chúng cũng ưa nịnh, hay hờn dỗi, thậm chí biết rủ nhau bỏ ăn để trốn diễn”.

 

Vì chỉ để luyện khỉ, nên “gánh xiếc” của vợ chồng nghệ sĩ Đức Đào không bán vé thu tiền. Anh Nam - bảo vệ một cơ quan dọc con đường này cho biết: “Tôi động viên bác Đào vào sân bên trong cơ quan tôi biểu diễn, thu ít tiền mua hoa quả bồi dưỡng cho đàn khỉ nhưng bác ấy từ chối. Bác ấy bảo chỉ cần trẻ nhỏ thấy vui và yêu quý những con thú là bác ấy vui rồi”.

 

Khán giả thì thấy sao? Một phụ huynh hầu như tối nào cũng cho con đến thưởng thức xiếc khỉ vài phút trầm trồ ca ngợi: “Những chú khỉ đáng yêu ở ngay trước mặt, thân thiết như những người bạn. Sân khấu này không đèn màu, không âm nhạc, nhưng tuyệt diệu hơn bất cứ rạp xiếc hiện đại nào”.

 

“Tiếng lành đồn xa”, trẻ em khu vực phố Kim Mã nằng nặc xin bố mẹ cho đi xem xiếc gần nhà; nhiều cháu biếng ăn tối tối được cha mẹ xúc cơm bên sàn diễn của đàn khỉ. Người qua đường tinh mắt cũng rẽ xuống con đường nhỏ, phát hiện ra sân khấu tuyệt vời này, tối nào cũng chở con tới xem.

 

Cuối những buổi biểu diễn, bao giờ cũng nghe tiếng khán giả hỏi: “Ông ơi, mai ông lại cho khỉ  diễn xiếc nữa ông nhé?”.

 

Theo Phạm Hải

VietNamnet