1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đà Nẵng:

Xe buýt trợ giá vẫn "ế khách"

(Dân trí) - Mặc dù được trợ giá nhưng sau hai tháng hoạt động, những tuyến xe buýt ở Đà Nẵng vẫn thưa thớt người đi.

Ngày 10/12/2016, TP Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt có trợ giá gồm: tuyến số 5: Nguyễn Tất Thành – Xuân Diệu, tuyến số 7: Xuân Diệu - Phạm Hùng, tuyến số 8: Thọ Quang – Phạm Hùng, tuyến số 11: Xuân Diệu – Siêu thị Lotte Mart, tuyến số 12: Thọ Quang – Trường Sa.

Thời gian hoạt động của các tuyến là từ 5h – 21h hàng ngày với tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào giờ bình thường.


Những tuyến xe buýt được trợ giá nhưng rất ít người đi

Những tuyến xe buýt được trợ giá nhưng rất ít người đi

Giá vé các tuyến xe buýt đồng giá 5.000 đồng/lượt/khách hàng; vé tháng dành cho khách hàng ưu tiên có giá 45.000 đồng/tháng và cho khách hàng không được ưu tiên có giá 90.000 đồng/tháng.

Việc ra đời 5 tuyến xe buýt có trợ giá đầu tiên tại Đà Nẵng cũng là tiền đề để ngành giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở mới các tuyến xe buýt và các loại hình vận tải công cộng khác trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân và góp phần xây dựng TP Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, sau hai tháng hoạt động, các tuyến xe buýt này có rất ít người đi.


Thường mỗi chuyến chỉ có khoảng 2 - 3 hành khách

Thường mỗi chuyến chỉ có khoảng 2 - 3 hành khách

Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi chuyến xe buýt chỉ có khoảng 2- 3 hành khách, có những xe không có hành khách nào.

Anh Ngô Phát Thịnh, nhân viên bán vé xe buýt tuyến số 11 (đi từ Xuân Diệu đến siêu thị Lotte) cho biết: “Khách chỉ tập trung đi đông vào tầm giờ từ 6h - 8h sáng và từ 11h - 13h chiều, các giờ khác rất ít người đi, khách cũng chủ yếu là học sinh, sinh viên đi học”.

Ông Lê Minh Dũng, tài xế xe buýt tuyến số 11 cũng cho hay: “Xe buýt mới này rất an toàn, phù hợp với mọi đối tượng và đặc biệt là nhanh nên khách đi không phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên người đi rất ít, nhiều lúc xe đi xe về chỉ có tài xế và phụ lái. Có lẽ vì chưa được nhiều người dân biết đến".


Khách ít, bác tài cũng buồn

Khách ít, bác tài cũng buồn

Lý giải vì sao không chọn xe buýt trợ giá, bạn Mai Phương Mai (sinh viên đại học sư phạm Đà Nẵng) bày tỏ: “Vì tuyến xe còn mới nên không biết rõ điểm dừng cụ thể. Hơn nữa, điểm dừng của nó khác với các xe buýt trước đây, đến trạm mới dừng mà tại các điểm đi qua trường học còn rất ít, chờ xe lâu nên chỉ khi nào bí quá mới đón xe buýt”.

Trong khi bà Nguyễn Thị Dung (trú quận Hải Châu) – hành khách đi xe buýt - cho hay: “Trước giờ cô ít đi xe buýt và đây cũng là lần đầu tiên cô đi xe buýt. Cô thấy xe rất phù hợp với học sinh, sinh viên lại an toàn, chất lượng tốt nhưng không hiểu sao lại ít người đi”.

Theo thống kê từ ngày 10/12/2016 đến 7/2, đã có hơn 28.700 lượt xe được chạy. Tổng số hành khách sử dụng vé lượt là gần 120.000 người.

Trong thời gian đến, để tăng hiệu quả truyền thông và tiếp cận người dân có nhu cầu đi lại, Trung tâm Điều hành Đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng (Datramac) sẽ đầu tư thay đổi, bổ sung thêm nhiều biển hiệu thông tin về các tuyến xe buýt có trợ giá dọc các bến đón khách, đẩy mạnh công tác truyền thông như đăng tải thông tin báo chí, phát tờ rơi, sử dụng các phần mềm ứng dụng trên di động, phim ảnh video cổ động phương tiện công cộng... Một số điểm đón khách, điểm cuối tuyến xe... cũng được điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu đi lại của hành khách, nhất là thuận lợi cho khách đón xe dễ dàng, an toàn.

Vinh Tâm Tú