1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xây dựng quy trình cụ thể bỏ phiếu tín nhiệm trong năm nay

(Dân trí) – Với 96% “phiếu thuận”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc đổi mới hoạt động của QH với nội dung bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm các cán bộ cấp cao trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố bế mạc kỳ họp.

Các đại biểu bấm nút thông qua 6 luật và 2 Nghị quyết trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp.
Các đại biểu bấm nút thông qua 6 luật và 2 Nghị quyết trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp.
 
Theo Nghị quyết được thông qua, Quốc hội giao UB Thường vụ xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm nay.

Báo cáo giải trình, tiếp thu lần cuối trước khi đưa ra Quốc hội bỏ phiếu, UB Thường vụ QH nhấn mạnh, Hiến pháp, luật Tổ chức Quốc hội, luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và một số văn bản khác đã quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhưng từ khi có quy định này đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Nghị quyết đổi mới hoạt động của QH đề ra yêu cầu xây dựng quy trình thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn để tổ chức thực hiện được quy định hiện hành về vấn đề này và để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 4.

Cũng trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội đã thông qua luật Biển Việt Nam với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối (495/496 “phiếu thuận”, tương đương 99,2%, chỉ 1 đại biểu bỏ “phiếu trắng”).

Thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội ghi nhận một số giải pháp mà Phó thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng đã cam kết trước Quốc hội.

Theo đó, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cần tập trung giải quyết những bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi đất; chính sách giá trong đền bù giải phóng mặt bằng; quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị; tình trạng sử dụng đất lãng phí, bảo đảm đến 31/12/2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước. Tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4.

Với phần đăng đàn của Bộ trưởng KH-ĐT, Quốc hội nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế và cơ chế pháp lý về quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập trung vào các vấn đề về đại diện chủ sở hữu. Phân cấp và làm rõ trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan quản lý tổng hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cơ chế giám sát tài chính đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước (bao gồm cả giám sát từ bên ngoài và giám sát nội bộ).

Quy định về nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước được nhấn mạnh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, cơ cấu lại, xử lý các tồn tại ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; xác định lộ trình thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bảo đảm để các doanh nghiệp này phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào việc điều tiết thị trường, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố bế mạc kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố bế mạc kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khái quát, sau 1 tháng làm việc khẩn trương, với sự tham gia tích cực, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, sự chuẩn bị tích cực của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, sự theo dõi sát sao của cử tri, kỳ họp đã thành công tốt đẹp.

Điểm lại những nội dung lớn Quốc hội đã bàn, ra quyết sách trong kỳ họp này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn rất khó khăn, ông Hùng lưu ý, cần sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện có kết quả đề án. Khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu đầu tư công; đẩy nhanh việc giải ngân gắn với quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA.

Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý để quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt. Ngoài ra, cơ quan điều hành cần có lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng dầu, than, vật tư cho sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến các bất cập trong xử lý đất đai, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần tập trung xử lý những bất cập trong quản lý đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất… bảo đảm đến cuối năm 2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi cả nước. Từ nay đến 31/12/2012, tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm.

P.Thảo
(Ảnh: Việt Hưng