1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Xác định nguồn gốc cây sưa “thượng thọ” vừa thu giữ

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc CATP Hà Nội khám phá 2 kho chứa hàng tấn gỗ sưa tươi tại huyện Thường Tín, những thông tin ban đầu về nguồn gốc súc gỗ sưa “thượng thọ” bị thu giữ đã dần được hé lộ.

Như Dân trí đã đưa tin, tối và đêm 17/9, lực lượng nghiệp vụ khám xét nhà ông Nguyễn Văn Kha (56 tuổi) thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà và nhà bà Trần Thị Nghĩa (44 tuổi) ở thôn Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) phát hiện hàng tấn gỗ sưa được cất giấu kín đáo. Đặc biệt nhất phải kể đến là nguyên thân và gốc một cây sưa tại nhà ông Kha có tuổi đời hơn 40 năm, dài 2,5m, đường kính hơn 40cm, chu vi 1,05m, đường kính lõi lên tới hơn 20cm.
 
Xác định nguồn gốc cây sưa “thượng thọ” vừa thu giữ - 1
Lõi sưa đỏ lên tới hơn 20cm

Ngay khi tiến hành thu giữ thân gỗ này, nhiều người đã nghĩ tới đây chính là gốc cây sưa lớn nhất bị cưa trộm tại khu tập thể Bách Khoa. Mối nghi ngờ này lập tức bị loại bỏ bởi thực tế, lâm tặc sau khi cắt thành công cây này chỉ kịp mang đi khúc giữa thân cây, phần ngọn và gốc của cây còn nguyên tại hiện trường.

Sáng 19/9, anh Nguyễn Xuân Trường (SN 1988) con trai ông Kha đã có mặt tại trụ sở CP 15 để làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ việc. Theo anh Trường, súc gỗ trên được anh rể là Lều Thọ Tú (SN 1974) thu mua tại HTX Cao su tháng 5 có địa chỉ trên đường Láng Hạ, quận Đống Đa với giá chỉ 2 triệu đồng trong năm 2008.

Trong biên bản làm việc giữa anh Lều Thọ Tú với đơn vị này, việc khai thác khúc gỗ sưa trên chỉ được thể hiện bằng việc đơn giản là chặt một cây xanh khi đơn vị này có nhu cầu mở rộng thêm trụ sở. Cây gỗ trên anh Tú nhận lại từ một người tên Tuấn. Hiện tất cả những thông tin này vẫn đang được cơ quan chức năng kiểm chứng. Đến chiều ngày 18/9, anh Lều Thọ Tú vẫn chưa có mặt tại PC 15 theo giấy hẹn.
 
Xác định nguồn gốc cây sưa “thượng thọ” vừa thu giữ - 2
Thân gỗ sưa thượng thọ được đưa ra khỏi nhà kho

Nhiều người dân sống gần nhà ông Kha cho biết, từ lâu anh Tú được coi như một đầu nậu chuyện buôn bán các loại từ gỗ quý đến gỗ “siêu quý”. Vào thời điểm khi các cơ quan báo chí lên án mạnh mẽ nạn lâm tặc trong thành phố, anh Tú đã đem súc gỗ trên tới gửi nhà bố vợ là ông Nguyễn Văn Kha. Thông tin này đang được cơ quan chức năng tiến hành làm rõ.

“Thân phận” 10 khúc gỗ sưa tươi thu giữ tại nhà bà Trần Thị Nghĩa bước đầu được làm rõ. Vào thời điểm kiểm tra, bà Nghĩa có trình ra một số giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Cụ thể, về 500kg cành, 10 thanh gỗ thu được trong nhà tắm… bà Nghĩa đưa ra hồ sơ thu mua của một người là K.V.T ở Tam Thanh, Lạng Sơn mua từ một công ty TNHH ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Riêng súc gỗ sưa tươi thu giữ ở sân nhà, bà Nghĩa đã khai góp vốn cùng thu mua từ Lạng Sơn với một người trong làng. Khúc gỗ này khai thác từ vườn nhà ông Vũ Ngọc Công ở phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn. Để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của súc gỗ trên bà Nghĩa có cung cấp cho cơ quan chức năng đơn xin khai thác của ông Công gửi UBND phường Tam Thanh…

Ngày 18/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ban hành văn bản với nội dung kêu gọi nhân dân phát hiện, ngăn chặn các hành vi triệt hạ cây xanh trái phép. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty Công viên cây xanh, chỉ đạo UBND các phường, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có phương án bảo vệ cây xanh quý hiếm trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi chặt trộm cây xanh.

 

UBND TP cũng giao cho CATP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Công ty Công viên cây xanh, UBND các quận điều tra, xem xét cụ thể những trường hợp chặt trộm gỗ sưa đỏ trên địa bàn thành phố trong thời gian qua để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phúc Hưng