1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vượt biên trái phép đầu nguồn sông Hồng: Ba phút bất trắc

Sông Hồng đoạn bến đò Cầu Sập ở thành phố Lào Cai không rộng, nước đục ngầu và chảy xiết khiến chiếc thuyền nan mỏng như lá lúa chòng chành, chao đảo. Tôi chần chừ một lúc thật lâu mới dám bước chân lên con thuyền ấy sau khi tự an ủi mình rằng: "Sống chết có số"...

Lên đường

 

Khách sạn Quỳnh Mai ở thành phố Lào Cai tọa lạc ngay bên bờ sông Hồng. Từ tầng 7 khách sạn nhìn ra dãy núi xa xa và ở nơi đó có cây cầu Kiều bắc qua sông Nậm Thi nối liền hai bờ Việt Nam – Trung Quốc sẽ thấy rõ nhất “núi liền núi, sông liền sông”.

 

Mới tờ mờ sáng mà từng đoàn xe chở hàng và cư dân hai nước đã tấp nập đi qua cầu Kiều để làm ăn, buôn bán và thăm hỏi nhau… Việc xuất nhập cảnh hết sức dễ dàng. Với cái giá từ 120.000-150.000 đồng, chỉ trong vòng một giờ du khách Việt Nam đã có thể cầm trong tay giấy thông hành sang Trung Quốc. Vậy mà cách cây cầu Kiều cũng là cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu chưa đầy 1km, những con thuyền nan nhỏ bé vẫn hàng ngày, hàng giờ chở khách từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

 

Vượt biên trái phép đầu nguồn sông Hồng: Ba phút bất trắc

Khách từ Hà Khẩu vượt biên sang Việt Nam

 

Tôi vốn nghĩ việc vượt biên trái phép phải diễn ra nơi rừng sâu núi thẳm, hoang vu hẻo lánh. Không ngờ ngay giữa ban ngày ban mặt ở nơi dân cư đông đúc như thành phố Lào Cai, lại trong tầm ngắm của lực lượng biên phòng hai nước, việc vượt biên lại diễn ra bình thường như không có sự cấm đoán nào. Hèn gì mà Lê Văn Luyện trốn sang Trung Quốc hết sức dễ dàng. Tò mò, tôi hỏi lễ tân của khách sạn:

 

- Làm thế nào để qua sông bằng thuyền?

 

- Nếu chị muốn, em gọi người đến đưa đi ngay. Chỉ 3 phút là sang đến bờ bên kia nhưng giá gấp đôi xuất cảnh chính ngạch, khoảng 250.000-300.000 đồng/người và thêm ít tiền bồi dưỡng người dẫn đường.

 

- Biên phòng không biết à? Họ có bắt không?

 

- Biết chứ, nhưng họ làm lơ thôi. Nếu họ bắt thì ai dám đi?

 

Đúng vậy! Với chiếc Canon G12, từ khách sạn tôi có thể chụp được từng nhóm người xuống thuyền vượt biên thì lẽ nào biên phòng hai nước lại không biết (?). Tuy nhiên, không có gì bảo đảm chắc chắn sẽ không bị bắt. Nhóm chúng tôi có bốn người, ba chàng trai đồng ý ngay chẳng nghĩ ngợi gì, riêng tôi ý thức hết tất cả sự hệ lụy nếu bị bắt nhưng vẫn quyết định đi để biết.

 

Sau cuộc điện thoại của lễ tân chưa đầy 5 phút, người dẫn đường đã đến. Không mang theo hành lý, chúng tôi chỉ nhét một ít tiền, máy ảnh, điện thoại vào túi áo khoác rồi đi theo người dẫn đường. Từ khách sạn đến bến đò Cầu Sập chưa đầy 2km mà chúng tôi phải thuê taxi với giá trọn gói là 30.000 đồng. Vừa lên xe, người dẫn đường đã rút di động gọi cho lái đò nên lúc mọi người rẽ đám lau lách xuống bến thì thuyền cũng vừa tới nơi.

 

Vốn tính hiếu kỳ, thích mạo hiểm nhưng khi thấy con thuyền nan mỏng như lá lúa chao đảo trên dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy, tôi lạnh ớn xương sống. Chần chừ một lúc tôi mới dám bước xuống thuyền và tự an ủi mình rằng: “Sống chết có số”. Tuy nhiên, khi phát hiện trên thuyền không có áo phao, hai bên bờ chỉ toàn lau lách, tim tôi thót lại. Giả sử bị biên phòng bắt cũng chỉ là tình huống ít xấu nhất, nguy cơ xuống chơi với Hà Bá mới thật đáng sợ. Nói dại thuyền lật chúng tôi sẽ chết mất xác mà chẳng ai biết. Tôi muốn quay lên bờ nhưng không còn kịp nữa. Liếc sang các bạn đồng hành thấy khuôn mặt ai nấy đều căng cứng, tôi vội cười trấn an: “Không sao đâu các em. Chị là vận động viên bơi lội có hạng. Chị bảo đảm sẽ cứu cả ba đứa và đưa vào bờ một cách an toàn nếu xảy ra sự cố”.

 

Con thuyền từ từ rẽ sóng đưa chúng tôi sang sông. Tay mọi người bám chặt mạn thuyền, mắt đăm đăm nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn chảy. Lớn tuổi nhất trong nhóm nên nói cứng vậy thôi chứ từ lúc bước chân xuống thuyền hình như tim tôi đã ngừng đập. 3 phút mà như cả thế kỷ trôi qua… Không dám nghĩ tiếp, tôi nhắm mắt lại và bắt đầu đếm… Cuối cùng thuyền cũng cập bờ Trung Quốc.

 

Bờ bên kia có gì lạ?

 

Rẽ đám lau lách, Hoan (người dẫn đường) đưa chúng tôi đến gầm của tòa nhà ven bờ sông. Ở đây rác rưởi cùng những xú uế nồng nặc xộc vào mũi khiến tôi phải cố gắng lắm mới không bị nôn thốc nôn tháo. Hoan dặn chúng tôi đứng đợi để hắn lên trước xem tình hình. Nhân lúc không có hắn, tôi tranh thủ chụp một loạt ảnh bến đò Cầu Sập ở cả hai bên bờ và những bậc thang dẫn lên đường phố thị trấn Hà Khẩu. Quay trở lại, Hoan nhắc nhở: “Nếu không muốn bị đầu gấu tấn công, các anh, chị hãy cất máy ảnh đi, khi nào vào phố chụp thoải mái, còn ở đây xảy ra chuyện gì em không chịu trách nhiệm”. Chúng tôi vội vàng cất máy sau đó theo chân hắn leo lên mặt đường.

 

Ba chàng trai trẻ lần đầu đến Hà Khẩu vô cùng thích thú vì con đường ven sông Hồng đẹp và vô cùng sạch sẽ, khác hẳn với sự hôi thối, bẩn thỉu ở bên dưới. Qua khỏi bến đò một đoạn, Hoan hỏi chúng tôi thích tự đi hay muốn hắn dẫn đường? Thị trấn Hà Khẩu nhỏ xíu, tôi đã đến một lần năm 2004 nên không lạ. Tuy nhiên, vì không có giấy tờ hợp pháp, chúng tôi yêu cầu hắn hộ tống cho an toàn. Rất may bên Hà Khẩu vẫn có sóng di động của Việt Nam, tôi nhắc các bạn đồng hành lưu số của Hoan, còn tôi dù làm gì cũng không dám rời mắt khỏi hắn.

 

Vượt biên trái phép đầu nguồn sông Hồng: Ba phút bất trắc
Lối xuống bến đò Cầu Sập ở Hà Khẩu

 

Chiều Chủ nhật, khách Việt Nam sang Hà Khẩu rất đông. Hòa vào dòng người, chúng tôi đi bộ và chụp ảnh con đường chạy dọc bờ sông. Đường sạch sẽ không một cọng rác, hai bên trồng cọ và đủ các loại hoa.

 

Chợ Việt Nam ở Hà Khẩu nổi tiếng bởi có tất cả những mặt hàng bị cấm được bày bán công khai như: vũ khí, thuốc kích thích, thuốc gây nghiện, băng đĩa sex… Ai muốn mua gì chỉ cần ghi địa chỉ khách sạn hoặc địa chỉ nhà riêng ở Việt Nam, chủ hàng sẽ đưa mọi thứ đến tận nơi, không tính tiền vận chuyển. Vừa bước chân vào chợ tôi bị một chủ hàng chạy ra túm tay kéo tuột vào bên trong mời xem đủ thứ súng ống, đao, búa, mã tấu… Nhìn mặt hắn dữ dằn, tôi sợ quá vội thoái thác bằng cách xin card visit và hẹn sẽ gọi điện sau. Đi tiếp vào trong, mấy bà nạ dòng son phấn lòe loẹt bám nhằng nhẵng theo ba anh bạn đồng hành của tôi để mời mua thuốc kích thích, thuốc gây nghiện và tiếp thị các loại “đồ chơi”… Bị bám riết, chàng trai trẻ nhăn mặt định phản ứng. Tôi vội bấm nhỏ cậu ta: “Hãy giữ thái độ bình thường và hỏi xin họ số điện thoại, đừng phản ứng ra mặt”. Chợ Việt Nam có luật riêng và ở đấy kẻ mua người bán đều là người Việt, dân Trung Quốc không vào đó. Không khí trong chợ sặc mùi tội phạm, tất cả mang đến sự sợ hãi cho những người yếu bóng vía.

 

Tầng 2 của chợ Việt Nam mới là nơi kinh khủng. Lần trước tôi đã lên. Ngày ấy không có bất cứ điều gì khiến khách cảm thấy bất an ngoài việc chứng kiến các cô gái điếm son phấn lòe loẹt và chuyện phòng the diễn ra tự nhiên sau tấm rèm mỏng như màn tuyn. Bây giờ thì… Hoan bảo:

 

- Anh nào thích lên tầng hai đi theo em, còn chị ra ngoài đứng chờ.

 

- Vì sao? – Tôi hỏi

 

- Phụ nữ có thể bị đánh đến chết nếu bén mảng lên đó, còn các anh không có em đi cùng sẽ khó thoát khỏi sự lôi kéo của gái điếm và bảo kê.

 

Lúc đầu ba chàng trai hăm hở lắm. Họ bảo bất cứ giá nào cũng lên tầng 2 bằng được để mục sở thị mọi chuyện. Sau khi nghe Hoan nói cộng với việc nhìn thấy mấy khuôn mặt dữ dằn trấn giữ ở cầu thang, các chàng mặt tái xanh vội vàng giục Hoan nhanh chóng rút khỏi nơi nhếch nhác, tanh tưởi ấy.

 

Rời chợ Việt Nam, chúng tôi tiến sâu vào bên trong thị trấn. Hàng hóa ê hề, quần áo thì lòe loẹt, đường may cẩu thả, giày dép khó đi vì rất cứng, chỉ có hàng Kang Nai là mua được và giá rẻ hơn Hà Nội từ 30-40%. Mỗi người mua một vài món đồ làm quà cho người thân. Lang thang tiếp trên các đường phố Hà Khẩu thấy người Trung Quốc xoa mạt chược ăn tiền, tôi liền chụp mấy kiểu ảnh. Người đàn ông đang chơi quay lại nhăn mặt biểu thị sự khó chịu. Tôi lảng ra xa, sau đó chĩa ống kính về phía họ bắt đầu zoom. Một người trong bọn họ giận dữ đứng bật lên chạy lại phía tôi, ánh mắt đầy đe dọa. Tôi vội mỉm cười cầu hòa và giơ tay ra hiệu xin lỗi.

 

Đã 17 giờ, mọi người cảm thấy đói, muốn nghỉ ngơi ăn uống. Đi đâu cũng chỉ gặp món nướng và mì xào, phở xào. Các dãy bán hàng ăn nhìn đen đen, bẩn bẩn, ghê ghê, nhưng đói quá chúng tôi đành chọn đại một quán và gọi mấy đĩa phở xào. Giá khá rẻ, 8 tệ/đĩa, nhìn không bắt mắt nhưng mùi vị thơm, dễ ăn. Lúc chúng tôi ăn, có ba, bốn người phụ nữ gương mặt nhếch nhác địu con sau lưng đến năn nỉ đánh giày. Không ai có nhu cầu nhưng thấy họ khổ quá tôi rút ít tiền ra cho. Nhận tiền, người phụ nữ sung sướng mân mê mãi mấy đồng bạc và cười khe khé…

 

Sau vài tiếng đồng hồ, gần như không còn ngóc ngách nào của thị trấn Hà Khẩu bị chúng tôi bỏ sót.

 

Buổi tối đứng bên bờ sông Hồng ở Lào Cai nhìn sang Hà Khẩu thấy ánh đèn màu lung linh, nhấp nháy rất hấp dẫn. Sang đến nơi mới biết rằng ánh đèn kia thật ma mị, nó nhấp nháy lung linh trên chính tòa nhà mà phía dưới đầy rác rưởi và những bãi xú uế. Sự thật ở Hà Khẩu, ngoài con đường đầy hoa, cây xanh ven sông Hồng, phía trong thị trấn rất nhếch nhác, bẩn thỉu. Mặt khác, cuộc sống của người dân nơi đây cũng hết sức tùy tiện. Họ có thể giặt giũ, tắm rửa và dọn cơm cho gia đình ăn ngay trên đường phố đông người…

 

Trở về

 

Nắng đã tắt hẳn, chúng tôi bảo Hoan đưa về. Đột nhiên Cường (sếp của Hoan) xuất hiện đòi thanh toán tiền tour. Thấy chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, hắn trấn an: “Các anh chị cứ yên tâm thanh toán, không sao đâu”. Tôi lắc đầu: “Chúng ta hãy làm theo thỏa thuận. Khi nào về đến khách sạn mới trả tiền”. Thấy tôi cương quyết hắn đành gật đầu.

 

Chúng tôi định tiếp tục đi bộ theo con đường bờ sông để ra bến đò nhưng Hoan bảo giờ này rất nguy hiểm, rất dễ bị cảnh sát cơ động của Trung Quốc bắt. Nếu bị bắt sẽ bị tạm giữ từ 2 đến 20 ngày. Trước khi được trả về nước phải nộp 2.000 tệ và chịu các hình phạt như: lau nhà, giặt quần áo, nhổ cỏ… Hắn chưa dứt lời, cả nhóm đã nhảy vội lên taxi. Giống như đường ra bến đò phía Việt Nam, chúng tôi phải trả 30 ngàn đồng cho hơn 1km. Đến nơi, nhìn trước ngó sau thấy an toàn, Hoan giục chúng tôi ra khỏi xe và nhanh chóng xuống bờ sông.

 

Vượt biên trái phép đầu nguồn sông Hồng: Ba phút bất trắc
Thuyền đưa người vượt biên trái phép từ Hà Khẩu về Lào Cai ở bến Cầu Sập

 

Mặc dù đã gọi từ trước, khi xuống bến vẫn chả thấy tăm hơi con đò đâu, ai cũng lo lắng. Trời tối dần, gió mùa đông bắc cộng với hơi nước từ sông Hồng bốc lên khiến chúng tôi run lập cập. Mặc, tôi vẫn tranh thủ chụp ảnh. Mải mê chụp quanh cảnh xung quanh bến đò, một lát sau tôi mới nhận ra sự vắng mặt của Hoan. Hoảng hốt vội chạy đi tìm, tìm mãi không thấy, tôi sợ tới mức muốn rụng cả tim. Nếu hắn trốn mất thì qua sông bằng cách nào đây? Định gọi điện về khách sạn cầu cứu thì nhìn thấy Hoan đang nấp trong đám lau lách gọi điện thoại. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

 

Cuối cùng người lái đò tên Trung đã đưa chúng tôi sang sông lúc chiều cũng xuất hiện. Sau vài lời trách cứ lái đò, Hoan giục chúng tôi lên thuyền. Nước sông Hồng lúc này trở nên đen thẫm và hình như chảy xiết hơn. Tuy nhiên, chúng tôi không có lựa chọn nào khác, tất cả vội vã lên thuyền. Mọi người cầu trời khấn Phật phù hộ 3 phút qua sông không gặp điều gì bất trắc. Lại 3 phút dài hơn thế kỷ với bao lo sợ trong lòng…

 

Mãi tới lúc bước chân lên bờ, đi khỏi bến đò Cầu Sập khá xa tôi mới hoàn toàn giải phóng được sự căng thẳng và tin rằng mình đã kết thúc chuyến du lịch mạo hiểm một cách an toàn. Hỏi Hoan tại sao xuất cảnh chui nguy hiểm và đắt hơn con đường chính ngạch mà mọi người vẫn đi? Hắn bảo: “Vì có người đến Lào Cai thì hết giờ làm thủ tục xuất cảnh. Tuy nhiên phần lớn thuộc trường hợp không có giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp lệ”.

 

Buổi tối đứng trên tầng 7 khách sạn nhìn xuống sông Hồng, tôi bỗng rùng mình sợ hãi. Dòng sông đen sì chảy quanh co trông chả khác nào con quái vật khổng lồ, hung hãn. Sang Hà Khẩu bằng đò ngang chứa đựng biết bao sự rủi ro, nguy hiểm. Nếu bị lực lượng vũ trang của hai bên phát hiện, chắc chắn người dẫn đường sẽ bỏ chạy, để mặc cho khách tự đối phó. Tuy nhiên, đây là tình huống ít xấu nhất. Việc qua sông bằng chiếc thuyền nan mỏng manh không áo phao, không người cứu hộ mới thật sự kinh khủng. Vậy mà chỉ vì lợi nhuận, những người làm du lịch ở Lào Cai vẫn hàng ngày, hàng giờ đưa người xuất cảnh trái phép cho dù biết tính mạng của du khách bị đe dọa nghiêm trọng.

 

Theo Phong Lan

 Năng lượng mới